Sáng 18-5, tại Ba Vì (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp ChildFund tổ chức.
Chương trình có sự góp mặt của 50 đại biểu và gần 40 phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại Hội nghị tập huấn.
Chia sẻ về các hoạt động trong Tháng hành động Vì trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Luật Trẻ em quy định Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm. Chủ đề của năm 2023 là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, qua đó, tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy số vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong trường học, trong gia đình đang có chiều hướng tăng lên trong 4 tháng đầu năm 2023, đơn cử như các cuộc gọi đến Tổng đài 111 đã tăng gần 11% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2022 liên quan đến vấn đề này.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Trẻ em sắp vào kỳ nghỉ hè, đòi hỏi các gia đình phải tăng cường quan tâm, không để gia tăng tai nạn thương tích, đặc biệt là tình trạng đuối nước, bảo đảm một mùa hè an toàn, lành mạnh cho các em.
Trong số các thông điệp của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023, Cục Trẻ em đặc biệt chú trọng công tác truyền thông phòng ngừa, đề nghị các địa phương phải đầu tư nguồn lực về ngân sách và nhân lực để bảo vệ trẻ em, bởi thực tế nơi nào đầu tư bài bản, khoa học, nơi đó số trẻ bị tai nạn thương tích giảm rất nhanh. Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm của gia đình trong phòng ngừa đuối nước, xâm hại đối với trẻ em. Trong đó, cha mẹ phải thực hiện tốt trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, có ý thức bảo vệ con từ xa, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các đại biểu, phóng viên đã cùng trao đổi, lắng nghe các báo cáo viên của Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Tổ chức ChildFund… chia sẻ thông tin về chính sách, thực tiễn, cũng như các giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https: //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn