• 111
  • lang
  • lang

Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11

Vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ làm tổn hại đến thể chất, tinh thần cho người bị bạo lực mà còn là mối nguy cơ gây bất ổn cho xã hội. Vì vậy, tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ, trẻ em là vấn đề đáng quan tâm.

Diễn biến phức tạp

Lấy nhau gần 40 năm cũng là chừng ấy thời gian bà N.T.Đ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) phải nhẫn nhịn, chịu đựng những lời lẽ xúc phạm, trận đòn đau đớn từ người chồng. Ông P (chồng bà) nghiện rượu lâu năm, là lao động tự do, thường xuyên uống rượu say, các con làm ăn xa nhà. 

Cán bộ tổ dân phố Tiền Môn 1, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ kiến thức về phòng, chống BLGĐ cho người dân.

Hễ có hơi men trong người là ông P sinh sự, gây gổ, đánh bà Đ, có lúc sưng cả mặt mũi. Đã có thời gian, bà Đ phải về nhà mẹ đẻ sinh sống, đi làm thuê để hạn chế tiếp xúc với ông P. Nhiều lần bà định ly dị nhưng nghĩ tuổi cao, ngại thiên hạ chê cười nên bà gắng chịu đựng.

Do chồng hay cờ bạc, tính nết cục cằn nên cuộc sống gia đình chị T.T. H (SN 1978) ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) không mấy hạnh phúc. Chị thường xuyên bị chồng gây sự, mắng chửi, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Cách đây ít ngày, trong lúc xung đột xảy ra, bị chồng đuổi đánh, chị hoảng sợ phải ra TP Hà Nội tạm lánh, chưa dám về nhà.

Ngày 28/2/2022, tại xã Vô Tranh (Lục Nam), cháu H. T.N (SN 2018) bị L. Đ. D - là cậu dùng điếu cày đánh vào đầu gây thương tích phải điều trị tại bệnh viện 9 ngày, tỷ lệ tổn thương cơ thể 31%. Nguyên nhân do cháu N đùa nghịch trong lúc D xem ti vi khiến D bực tức. Được biết, bố mẹ cháu N đi làm ăn xa, gửi cháu cho ông bà ngoại trông nom, chăm sóc. Hiện cơ quan chức năng chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.

Trên đây là 3 vụ BLGĐ mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Thời gian qua, mặc dù công tác phòng, chống BLGĐ đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm triển khai song tình trạng BLGĐ, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. 

Qua theo dõi của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh có 146 vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; trong đó có 92 vụ việc liên quan đến trẻ em với 96 nạn nhân; 54 vụ việc liên quan đến phụ nữ với 54 nạn nhân. Trong 3 năm (từ 2017-2019), TAND tỉnh và các huyện, thành phố thụ lý gần 12 nghìn vụ ly hôn.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 224 vụ BLGĐ, trong đó có 118 vụ bạo lực về tinh thần, 72 vụ bạo lực về thân thể, 11 vụ bạo lực về tình dục, 23 vụ bạo lực về kinh tế. 233 người có hành vi BLGĐ, trong đó 80% là nam giới.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 224 vụ BLGĐ, trong đó có 118 vụ bạo lực về tinh thần, 72 vụ bạo lực về thân thể, 11 vụ bạo lực về tình dục, 23 vụ bạo lực về kinh tế. 233 người có hành vi BLGĐ, trong đó 80% là nam giới.

Những con số trên chưa phản ánh hết thực trạng BLGĐ đối với phụ nữ, trẻ em gái, bởi những vụ việc thống kê phần lớn là bạo lực thân thể, gây hậu quả bị tố cáo, cơ quan chức năng xử lý. Thực tế, số vụ và số nạn nhân bị BLGĐ có thể cao hơn nhiều lần, nhất là bạo lực tinh thần rất khó để đưa ra xử lý. 

Nhiều phụ nữ bị chồng thường xuyên lăng mạ, bạo hành song chấp nhận im lặng vì không muốn "vạch áo cho người xem lưng", “ngậm đắng nuốt cay” để giữ gia đình không tan vỡ. Đối với trẻ em gái, khi bị bạo lực, xâm hại, nhiều gia đình e ngại, xấu hổ, lo lắng con em bị kỳ thị, không dám lên tiếng.

Tăng cường truyền thông, ngăn ngừa chủ động

Qua đánh giá, phân tích của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới BLGĐ đối với phụ nữ, trẻ em gái, như: Do tư tưởng trọng nam vẫn đang tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các thành viên trong gia đình. 

Nhiều gia đình do kinh tế khó khăn; chồng mắc tệ nạn xã hội, rượu chè bê tha; vợ chồng bất hòa, ghen tuông. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến nhiều giá trị đạo đức bị xói mòn làm tăng nguy cơ BLGĐ.

Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến hành vi BLGĐ là do cách ứng xử không phù hợp của chính người phụ nữ. Bà Đoàn Thị An, tổ trưởng tổ dân phố Tiền Môn 1, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Trên địa bàn tổ dân phố có nhiều người làm nghề tự do, như: Xe ôm, bốc vác, buôn bán nhỏ lẻ. Có những xích mích nhỏ song người vợ ứng xử quá quắt với chồng, lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm khiến chồng bực tức, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ BLGĐ không đáng có”. 

Đối với nạn nhân bị bạo lực, xâm hại là trẻ em gái phần lớn sống trong môi trường gia đình chưa thực sự an toàn. Theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, phần lớn các em bị bạo lực có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly hôn, mắc tệ nạn xã hội, chưa được trang bị nhiều về kỹ năng, biện pháp phòng, tránh; có những vụ bạo lực tình dục do chính người thân các em gây ra.

Nhằm ngăn ngừa, hạn chế số vụ BLGĐ nói chung, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật đối với người dân về phòng, chống BLGĐ, các nguy cơ trẻ em bị bạo lực để phòng ngừa. 

Thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ nhất là ở cơ sở. Tăng cường giám sát; kịp thời, phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các vụ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em; đồng thời gắn trách nhiệm của địa phương, ngành liên quan.

Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", phòng, chống BLGĐ, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bình đẳng giới. 

Mặt khác, quan tâm bảo vệ phụ nữ trong những vụ việc cụ thể; tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ; giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ...”. Được biết, năm 2022, Sở VHTTDL tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác gia đình, trong đó có Kế hoạch thực hiện Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Mục tiêu của Kế hoạch đề ra là 60% số hộ có đại diện tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, bản, tổ dân phố. Trên 80% người có nguy cơ được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị BLGĐ. 100% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống BLGĐ... 

Để đạt được mục tiêu, UBND tỉnh đề ra các nhóm, nhiệm vụ giải pháp chính như: Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện, xây dựng, vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống BLGĐ ở các cấp, ngành...

Nguồn tham khảo: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/394924/huong-ung-ngay-quoc-te-xoa-bo-bao-luc-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-gai-25-11.html

----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn