• 111
  • lang
  • lang

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em

Sáng ngày 17 tháng 11 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em (Ủy ban Quốc gia) đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia; các Thành viên Ủy ban Quốc gia và đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận như sau:

1. Thời gian qua, những nỗ lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, hội nhập và hợp tác quốc tế của Việt Nam về trẻ em đã được ghi nhận, đặc biệt trong phiên đối thoại với Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc về việc thực hiện Báo cáo định kỳ quốc gia của Việt Nam (lần 5+6).

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và nhiều tổ chức xã hội khác đã tích cực thực hiện trách nhiệm đối với trẻ em, có nhiều sáng kiến, mô hình hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Cách tiếp cận bảo đảm quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em của các bộ, ngành, tổ chức đã thể hiện sự phối hợp liên ngành một cách đồng bộ, có hệ thống hơn trên quan điểm dành ưu tiên cho trẻ em; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với vận động xã hội, thiết lập và mở rộng mạng lưới xã hội chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; giữa nguồn ngân sách trong nước với nguồn hỗ trợ quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Các bộ, ngành, tổ chức thành viên Ủy ban Quốc gia đã chủ động tham mưu, phối hợp rà soát trong hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Nhiều giải pháp, mô hình thực hiện quyền trẻ em trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội, bảo vệ trẻ em, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần được triển khai có kết quả tại địa phương, cơ sở. Các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới trẻ em được triển khai kịp thời, bảo đảm dạy và học an toàn trong mùa dịch, chăm sóc trẻ em mồ côi, đặc biệt tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em với chỉ tiêu tiêm mũi 2 đạt gần 95%. Nhiều quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành được ký kết và triển khai giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em, việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hoạt động kiểm tra liên ngành thực hiện pháp luật về quyền trẻ em được quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em tiếp tục được các Bộ, ngành, tổ chức củng cố, kiện toàn đặc biệt triển khai hiệu quả việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã bổ sung mã định danh cho gần 13 triệu bản ghi trên tổng số 22 triệu bản ghi được quản lý trong cơ sở dữ liệu trẻ em. Hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng hơn trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em.

2. Cùng với những kết quả đã đạt được, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; cùng với đó, tỉ lệ tai nạn thương tích, nhất là đuối nước còn rất cao. Việc chủ động phòng ngừa xâm hại trẻ em chuyển biến còn chậm. Công tác tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh còn chưa chủ động, kịp thời. Tỉ suất tử vong trẻ em, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi vẫn còn cao. Những tác động của đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tâm lý, tâm thần của trẻ em. Việc triển khai, nhân rộng mô hình, giải pháp, quy trình thực hiện quyền trẻ em còn chậm. Hoạt động của bộ máy, đầu mối bảo vệ trẻ em ở địa phương còn bất cập.

3. Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia chỉ đạo tiếp thu các ý kiến thành viên Ủy ban Quốc gia, hoàn thiện và thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ký Báo cáo kết quả thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em năm 2022, ban hành Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia năm 2023, trong đó tập trung một số nội dung chính sau đây:

Tổ chức đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW  ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em để có nguồn nhân lực chất lượng đến năm 2030 và 2045. Gắn trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở gần dân.

Ưu tiên phòng chống tai nạn đuối nước, giảm nhanh trẻ em tử vong do đuối nước, chỉ đạo các tỉnh, thành phố: Tăng cường công tác dạy bơi an toàn cho trẻ em, phát huy hiệu quả hệ thống bể bơi, hồ bơi trong trường học và trong cộng đồng. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng các bể bơi, tham gia phổ cập bơi cho trẻ em. Hỗ trợ kinh phí học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Rà soát và đề xuất chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó chú trọng chính sách giáo dục mầm non cho khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng khó khăn.

Triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 trong đó, tập trung thực hiện chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Quan tâm vấn đề suy dinh dưỡng nặng cấp tính, đặc biệt ở trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng nghèo.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khắc phục những tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; về phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho trẻ em; về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh truyền thông thực hiện quyền trẻ em, chú trọng truyền thông mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cộng đồng dân cư, trường, lớp học, đặc biệt ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi. Quan tâm giáo dục kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường gia đình, cơ sở giáo dục. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã và mạng lưới cán bộ làm công tác xã hội ở cơ sở. Bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

Link tải: 

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em

----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn