• 111
  • lang
  • lang

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG ĐÀI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM 111 NĂM 2019

          Từ ngày 01/01/2019-31/12/2019, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 506.957 cuộc gọi, tư vấn 32.078 ca, tăng 4.671 ca so với năm 2018. Trong đó có 31.689 ca người dân và trẻ em gọi trực tiếp đến Tổng đài, 353 ca thông tin từ báo chí, 30 ca qua đường công văn, 36 ca người dân gửi đơn thư tới.  Năm 2019, cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng mạnh ở nội dung xâm hại, bạo lực (40,2% so với 23,9% trong năm 2018). Tổng đài 111 đã kết nối, can thiệp 984 ca(tăng 178 ca, tăng 22,1% so với năm 2018). Trong đó có 406 ca bạo lực trẻ em (tăng 49 ca so với năm 2018); 322 ca về xâm hại tình dục trẻ em(tăng 72 ca so với năm 2018); 80 ca về trẻ em bị bóc lột trẻ em (cao hơn năm 2018 là 34 ca); những ca hỗ trợ chính sách và liên quan đến pháp luật tỉ lệ tương đương như cùng kỳ năm trước; các ca về trẻ em bị mua bán, bị sao nhãng, bỏ mặc giảm hơn so với năm 2018.

         Trung tâm vùng của Tổng đài 111: vùng Đông Nam Bộ - Đồng bằng Sông Cửu Long tại An Giang và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên tại Đà Nẵng hoạt động tốt. Định kỳ hằng tháng, Tổng đài đã thực hiện báo cáo phân tích số lượng cuộc gọi, ca can thiệp và vấn đề về trẻ em được trẻ em và người dân quan tâm thông qua Tổng đài. Trong năm hàng chục báo cáo nhanh các ca khẩn cấp, điển hình đã được Tổng đài kịp thời gửi cho Cục Trẻ em để báo cáo Bộ, Chính phủ và báo cáo cho đoàn giám sát của Quốc hội.

                                                                                   Nhân viên Tổng đài 111 tiếp nhận các cuộc gọi đến.

         Năm 2019, cơ sở trị liệu tâm lý cho trẻ em thuộc Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã thực hiện 219 ca đánh giá phát hiện các rối nhiễu tâm lý ở trẻ em, tiến hành 6.262 ca trị liệu tâm lý cho hơn 60 trẻ tự kỉ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, trẻ em bị lo âu, trầm cảm... tăng gần 10% so với năm 2018. Tổng đài đã đánh giá, trị liệu tâm lý miễn phí cho 17 trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Năm 2019, cơ sở  trị liệu tâm lý tiếp tục tự chủ cơ bản về mặt tài chính bao gồm tiền thuê địa điểm, hành chính, chi trả tiền lương, thù lao cho chuyên gia và nhân viên.

          Từ 01/01/2019-31/122019, Đường dây nóng phòng chống mua bán người tiếp nhận 2.520 cuộc gọi, tăng 510 cuộc so với năm 2018. Trong đó, có 2.226 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 259 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 35 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.

          Để tăng cường hiệu quả hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, Tổng đài 111 đã thành lập mạng lưới kết nối với 63 tỉnh/thành phố, tổ chức giao ban, tập huấn cho các thành viên mạng lưới kết nối. Tổng đài xây dựng và đào tạo đội ngũ cộng tác viên tiếng dân tộc (H’Mông, Tày, Nùng, Mường, Gia Rai, Ê đê, Khơme, Chăm) và cộng tác viên tiếng Anh để hỗ trợ cho trẻ em dân tộc và trẻ em có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam; triển khai nhiều hoạt động truyền thông quảng bá về Tổng đài để người dân và trẻ em biết đến số điện thoại của Tổng đài, đồng thời hợp tác với các cơ quan báo chí để truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.

          Năm 2019, nhân kỉ niệm 15 năm thành lập, dưới sự hỗ trợ của MICROSOF thông qua dự án với tổ chức CHILDFUND, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã khai trương ứng dụng APP Tổng đài 111 nhằm tăng cường kênh tiếp nhận thông tin và hiệu quả hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em thời kỉ nguyên số. Ứng dụng Tổng đài 111 dùng cho cả người dùng đại chúng, các cán bộ bảo vệ trẻ em, cũng như quản trị tổng đài đường dây nóng.