• 111
  • lang
  • lang

Khi bạn đi làm lại, trẻ sẽ như thế nào?

Dù sớm hay muộn mỗi đứa trẻ ngày nay đều phải trải qua 2 giai đoạn khó khăn: khi mẹ đi làm trở lại và khi trẻ bắt đầu đi học. Thực ra mỗi đứa trẻ đều tự có cách để vượt qua. Điều này giúp trẻ trưởng thành và phát triển những kỹ năng xã hội mới. Nhưng, điều chúng ta cần quan tâm là những giai đoạn này gây khó khăn và ảnh hưởng đến trẻ như thế nào? Làm sao để giúp trẻ vượt qua nó nhẹ nhàng hơn?

GIAI ĐOẠN MẸ BẮT ĐẦU QUAY TRỞ LẠI CÔNG VIỆC

Thông thường khi trẻ tầm 4-6 tháng tuổi, phần lớn người mẹ sẽ phải quay trở lại với công việc và gửi con vào nhà trẻ hay để ở nhà cho người khác trông. Lúc này, người mẹ có thể có nhiều cảm xúc như nhớ con, lo lắng liệu con ở nhà có ngoan không, liệu con có được bú sữa đầy đủ không, có khóc đòi mẹ không? Với bạn là như vậy, nhưng với trẻ những cảm xúc và sự nhớ nhung này còn tăng nhiều hơn. Tưởng tượng rằng hằng ngày trẻ đã quen với sự có mặt và yêu thương của bạn, nhưng bỗng dưng trẻ không thấy bạn nữa và phải chờ 1 thời gian lâu để gặp lại bạn. Cảm xúc khó khăn nhất có thể là vì trẻ chưa hiểu lí do vắng mặt của bạn. Một số trẻ sẽ chấp nhận điều này theo các cách khác nhau, có bé sẽ quen dần, có bé sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. VD, một số bé có thể hay quấy khóc khi gặp lại bạn hoặc biếng bú khi gặp lại mẹ.

Để trẻ thích nghi và phát triển tốt, đây là những lời khuyên bạn có thể tham khảo khi phải đi làm với trẻ dưới 2 tuổi:

1. Hãy chuẩn bị trước kế hoạch vắng mặt. Từ khi trẻ được 2 tháng tuổi, bạn nên chú ý về lịch bú và lượng bú của trẻ trong ngày. Bên cạnh đó, bạn nên cho bé bú theo nhu cầu, nhưng tránh để trẻ khóc đòi bú.

2. Vẫn duy trì tương tác và giao tiếp với trẻ. Đầu tiên, chúng ta nên hiểu tương tác và giao tiếp quan trọng với trẻ như thế nào? Dưới 6 tuổi, những kết nối thần kinh phát triển với tốc độ rất nhanh ở giai đoạn này. Theo ước lượng của TS. Winston, ĐH Imperial College London, Anh, cứ 1 mối nối hình thành sẽ nhanh chóng tạo ra 7000 mối nối khác. Sự hình thành các mối nối này phụ thuộc vào sự tương tác và giao tiếp của bạn và trẻ mỗi ngày.

•Khi trẻ < 1 tuổi, tương tác bao gồm ôm ấp, tương tác da kề da, cho trẻ nằm sấp, mát-xa… Trò chuyện, đọc sách, hoặc tạo 1 số âm thanh và cười đùa với trẻ.

•Trẻ từ 2-5 tuổi, tương tác cần lồng qua những hoạt động chơi như đố vui, tìm vật bị giấu, vẽ tranh, đọc sách, đưa trẻ đi dạo... Việc đọc sách nên lồng vào những hoạt động như đố vui, cho trẻ thuật lại và nghe lời phản biện của trẻ.

Vậy, khi bạn đi làm trở lại, bạn nên làm gì để vẫn đảm bảo sự tương tác và giao tiếp với trẻ. Đơn giản, bạn tham gia các hoạt động cùng trẻ khi ở nhà như chơi, cho trẻ bú, tắm cho trẻ. Trước khi rời nhà vào buổi sáng tranh thủ trò chuyện với trẻ 5-10 phút. Khi về nhà, đừng bế trẻ ngay, đơn giản dùng cử chỉ ngôn ngữ để trò chuyện với trẻ và sau đó có thể ôm ấp bế trẻ. Điều này giúp trẻ hạn chế hình thành nỗi lo chia cắt, mà bạn vẫn giúp trẻ tương tác với bạn.

3. Hãy cố gắng tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ. Mẹ vẫn có thể vắt sữa ra trữ đông để bé uống ở nhà bằng bình khi mẹ vắng nhà. Khi đi làm về, trước khi cho trẻ bú, bạn vẫn nên dành 5-10 phút chơi và tương tác da kề da với trẻ. Để hạn chế việc bỏ bú mẹ, bạn nên tập giãn cách bú cho trẻ từ 4-6-8 tiếng trong 1 tuần trước khi đi làm.

Để tránh trẻ không chịu bú bình, trước ngày đi làm 10 ngày, bạn nên bắt đầu giúp trẻ làm quen với bình. Ban đầu là bạn, sau đó luân phiên bạn và 1 người thân khác trong nhà cho trẻ bú bình, tốt nhất là người sẽ chăm bé khi bạn đi làm. Sau khoảng 3-4 ngày, người này sẽ cho bé bú bình. Chọn 1-2 thời điểm trong ngày để tập làm quen cho trẻ như sau khi tắm, sáng thức dậy sau 1 cữ bú bằng ti mẹ. Các cữ còn lại vẫn bú bằng ti mẹ bình thường.

KHI TRẺ BẮT ĐẦU ĐI HỌC

Khi trẻ bắt đầu đi học, có những khó khăn trẻ phải trải qua. Điển hình là trẻ có thể phát triển nổi lo chia cắt. Nỗi lo này xuất hiện khi trẻ phải chuyển từ 1 môi trường vốn thân thuộc, luôn được yêu thương và chiều chuộng bởi những người thân sang một môi trường có nhiều nguyên tắc hơn và ở đó có bạn bè thầy cô-những người chưa quen thuộc với trẻ. Ở đây, trẻ phải học cách giao tiếp, chia sẻ và hợp tác, chủ yếu là tương tác nhiều chiều thay vì ở nhà trẻ chỉ là 1 chiều nhận từ bố mẹ. Nỗi lo chia cắt là bình thường, nhưng có thể làm trẻ khó hòa nhập nếu nó kéo dài quá lâu. Đây là một số lời khuyên để giúp trẻ cảm thấy thoải mái vượt qua nỗi lo này và hòa nhập tốt hơn.

1. Trước khi học 2-3 tuần, bạn có thể thường xuyên chơi trò chơi trốn tìm với trẻ để trẻ quen sự vắng mặt và quay lại của bạn. Với trẻ < 13 tháng tuổi, trò chơi có thể đơn giản như việc dùng 1 tấm khăn bịt mắt, sau đó mở khăn không thấy bạn đâu. Bạn đếm đến 10 rồi xuất hiện trở lại. Trẻ tham gia trò này sẽ rất vui và dần quen việc vắng mặt và có quay lại của bạn.

2. Với trẻ, đi học lần đầu là rất áp lực. Do đó, đừng đem chuyện đi học để dọa hoặc chọc trẻ, đặc biệt trước ngày đi học. Điều này có thể làm nỗi lo chia cắt của trẻ lớn hơn.

3. Khi đưa trẻ đến trường, hãy hứa thời gian đón trẻ và đừng bao giờ đến trễ ít nhất cho đến khi trẻ quen hẳn. VD. Khi đưa trẻ cho cô giáo, bạn nói với cô giáo "chị sẽ đón bé sau 3 tiếng nữa nhé!" Rồi bạn quay xuống nói với trẻ " mẹ sẽ đón con sau 3 tiếng nữa nhé". Điều này trẻ sẽ tự điều chỉnh là "mẹ đã xác nhận quay lại". Lưu ý là bạn phải quay lại đúng số giờ bạn hứa. Nếu trẻ đi học nguyên ngày thì bạn không nên nói giờ, chỉ nói buổi.

VD: Chiều mẹ đón con, đón sớm nhất nhé! Nhớ là bạn nên đến sớm nhất, trước khi bé ra khỏi lớp. Điều này rất quan trọng cho ít nhất 4 tuần đầu tiên đi học của trẻ.

4. Khi trẻ đi học ở thời gian đầu, thậm chí đến 1-2 tháng, trẻ ít nói và buồn, đó là lúc bạn cần giao tiếp với trẻ nhiều hơn. Bạn có thể bắt chuyện với trẻ bằng cách hỏi thăm về món đồ chơi trẻ chơi lúc ở lớp, đừng hỏi về cô giáo hay bạn bè của trẻ vì giai đoạn đầu lo lắng chính của trẻ là "chưa quen cô giáo hay bạn bè", mà trẻ chỉ quen được với đồ chơi thôi. Dĩ nhiên, bạn nên hỏi cô giáo của trẻ trước để biết trẻ thường chơi món đồ gì trên lớp.

---

Nguồn: Anh Nguyen

Winston, R., & Chicot, R. (2016). The importance of early bonding on the long-term mental health and resilience of children. London journal of primary care, 8(1), 12–14.

Vickie Leonard (2009) Separation Anxiety. California Childcare Health Program

Wilfried Datler (2012) Toddlers’ transition to out-of-home day care: Settling into a new care environment. Infant Behav Dev, 35(3): 439–451.

Hawrylycz MJ, Lein ES, Guillozet-Bongaarts AL, et al. An anatomically comprehensive atlas of the adult human brain transcriptome. Nature. 2012;489:391–399

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061