Các loại rau gia vị như hành, tỏi, lá nguyệt quế, hành lá...trở thành một phần quen thuộc trong bữa ăn của chúng ta. Tuy nhiên, bữa ăn của trẻ lại thiếu đi những mùi vị này, chỉ đơn thuần thịt cá, rau củ trong những tháng bắt đầu ăn dặm. Để rồi giai đoạn sau, nhiều đứa trẻ lựa từng cọng hành bỏ ra khỏi miếng thịt, miếng cá.
Theo nhóm nghiên cứu của TS Opara, ĐH Kingston, Anh, những thành phần polyphenols tự nhiên từ những loại rau này có tác dụng như những chất bảo vệ để ngăn ngừa 1 số loại bệnh ung thư hiện nay. TS nhấn mạnh sự kết hợp đa dạng các loại rau gia vị trong thói quen ăn uống có thể mang hiệu quả ngăn ngừa tốt nhất, không phải cá nhân cho 1 loại nào. Do đó, xây dựng hành vi làm quen sử dụng rau gia vị trong chế biến từ nhỏ là cách tốt giúp trẻ có thói quen ăn uống đa dạng và lợi ích sau này.
ĐỘ TUỔI CÓ THỂ GIỚI THIỆU RAU GIA VỊ
Từ 8 tháng tuổi có thể giới thiệu 1 loại rau gia vị cho 1 lần.
Từ 2-6 tuổi trẻ nên được làm quen ít nhất 2 loại rau gia vị kết hợp
Trước 8-10 tuổi, trẻ cần làm quen ít nhất 5 loại rau gia vị, một số gợi ý như tỏi, hành tím, hành lá, lá nguyệt quế, gừng, xả, lá chanh, lá tía tô, rau dấp cá, thì là...
LƯỢNG DÙNG CHO MỖI LẦN
Dưới 2.5g hoặc 2-3 lá cho khẩu phần 150-200g
CÁC LOẠI RAU GIA VỊ GỢI Ý VÀ KẾT HỢP
1. Thì là
Có thể giới thiệu từ 8 tháng tuổi: 2 lá nhỏ.
Kết hợp tốt với thịt cá, giúp làm giảm sự nôn khi ăn, tăng mùi vị cho thịt cá.
2. Lá nguyệt quế
Có thể giới thiệu khi trẻ 9 tháng tuổi: 2 lá vừa.
Kết hợp tốt với nhóm protein từ thịt bò, thịt cá, thịt gà và đậu. Khi cho trẻ ăn thì vớt bỏ lá chỉ để mùi để tránh vị đắng nồng. Tập như thế, khi lớn trẻ dần làm quen được vị đắng nồng và làm quen được.
3. Tỏi
Có thể giới thiệu sau 1 tuổi vì hợp chất lưu huỳnh tự nhiên bên trong có thể làm trẻ dưới 1 tuổi không thích. Dùng 1/2 - 2 tép tỏi nhỏ.
Đập dập tỏi là phương pháp được khuyên để giải phóng những hợp chất tốt chứa lưu huỳnh. Trẻ dưới 2 tuổi không nhất thiết ăn được, chỉ cần quen với vị và mùi là được. Sau 2 tuổi có thể ăn.
kết hợp tốt hầu hết các loại thịt.
4. Hành tím
Có thể giới thiệu sau 8 tháng tuổi.1/2-1 củ hành vừa
Cắt nhuyễn đều tay, đừng đập dập là được khuyên để giải phóng tốt nhóm hợp chất thơm.
Kết hợp tốt khi ướp hành với cá, thịt gà và thịt heo, trứng
5. Gừng
Có thể giới thiệu từ 1.5 tuổi. 1 lát gừng mỏng, cắt sợi hoặc bằm nhuyễn.
Gừng hỗ trợ tốt các vấn đề tiêu hóa và trị ho khi kết hợp với 1 muỗng mật ong tự nhiên, tránh kết hợp gừng trong bữa ăn tối sau 6 giờ chiều.
Từ 1.5-3 tuổi, gừng có thể dùng để ướp hoặc chế biến. Sau 3 tuổi trẻ có thể quen và uống được nước gừng khi thả lát gừng vào nước ấm.
6. Lá xạ hương
Có thể giới thiệu sau 10 tháng tuổi. 2-3 lá
Lá xạ hương dưới điều kiện nhiệt độ cao và đủ lâu sẽ giải phóng hợp chất tự nhiên tốt cho hệ miễn dịch và tăng kích thích vị giác. Do đó, thích hợp trong các món súp, cháo hoặc món hầm.
kết hợp tốt với nhóm thịt bò, gà, cá và rau củ hầm.
Dùng súp có lá xạ hương sau khi bệnh sẽ có nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ và cả phụ nữ mang thai.
7. Lá hương thảo
Có thể giới thiệu sau 1 tuổi. 2-3 lá/lần
Rất phù hợp khi kết hợp với các món nướng vì chất béo khi nướng sẽ làm giải phóng sớm các hợp chất tự nhiên từ hương thảo làm giảm nguy cơ hình thành các tác nhân ung thư do nhiệt độ cao gọi là HCAs (theo nghiên cứu của TS. J.Scott Smith, ĐH Arkansas, Mỹ). Kết quả này cũng tìm thấy khả quan ở các món súp khi phải ninh quá lâu.
Gừng, tỏi và lá xạ hương cũng tìm thấy có vai trò tương tự làm giảm HCAs trong chế biến.
Kết hợp tốt với thịt gà, thịt bò, thịt vịt
8. Hành lá
Có thể giới thiệu sau 8 tháng tuổi. 1-2 cọng hành
Hành lá giải phóng nhanh hợp chất tự nhiên quercetin khi ở nhiệt độ vừa chín. Hợp chất này có lợi ích trong ngăn ngừa đau khớp và tim mạch. Do đó, việc thêm hành lá vào lúc vừa chín sẽ có hiệu quả tốt hơn.
9. Ngò rí
Có thể giới thiệu sau 9 tháng tuổi. 1-2 cọng ngò
Chứa hợp chất tự nhiên làm dịu các cơn khó chịu trong tiêu hóa. Ngò rí phù hợp với các loại cháo cá, cháo gà hoặc súp.
Phụ nữ cho con bú gặp nhiều lo âu có thể có lợi ích trong việc dùng 1 chén cháo gà hoặc cá với ngò rí vào bữa sáng bởi nó sẽ hỗ trợ điều hòa tiết sữa và tinh thần sau sinh.
CÁCH TĂNG SỰ HỨNG THÚ CỦA TRẺ VỀ RAU GIA VỊ
Việc ép trẻ ăn là điều nên tránh. Trẻ sẽ thích ăn những món chúng từng làm quen và khám phá nó. Do đó, có 1 vài gợi ý cho bạn để giúp trẻ hứng thú hơn với các loại rau gia vị:
1. Dạy trẻ làm quen về tên gọi và cách nhận dạng rau gia vị quanh nhà.
2. Phụ giúp bạn trong việc lựa và hái rau.
3. 1 số loại rau gia vị rất dễ trồng trong nhà, do đó, tại sao bạn và trẻ không tự trồng và chăm sóc chúng.Khi trẻ có trách nhiệm chăm sóc, trẻ sẽ thích thú hơn khi có thành quả của bản thân trong bữa ăn.
Bottom line
Việc sử dụng các loại rau gia vị trong chế biến nên sử dụng như 1 phần giúp gia tăng hương vị và dinh dưỡng của bữa ăn. Tránh quá lạm dụng 1 loại nào đó hoặc bắt ép trẻ ăn, bởi vì nó không những không mang lại lợi ích, mà làm trẻ chán ghét nó hơn. Giáo dục và xây dựng sự yêu mến về rau gia vị là điều cần thiết hơn tất cả.
Notes:
Opara, E. I., & Chohan, M. (2014). Culinary herbs and spices: their bioactive properties, the contribution of polyphenols and the challenges in deducing their true health benefits. International journal of molecular sciences, 15(10), 19183-202.
J.Scott Smith et al. (2008) To Block The Carcinogens, Add A Touch Of Rosemary When Grilling Meats. University of Arkansas, Food Safety Consortium. Accessed on 02/2019
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616