• 111
  • lang
  • lang

Khi trẻ ương bướng cha mẹ nên làm gì?

Với các bé từ 1-5 tuổi, hầu như bé nào cũng có những lúc ương bướng, la hét, khóc đòi, ăn vạ Việc thường làm của cha mẹ là la mắng, thậm chí đánh để trẻ chừa và vâng lời. Nhưng, thực tế điều này không giúp trẻ hiểu vấn đề thận chí có thể còn ương bướng hơn. Cho tới hiện nay nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc đánh chửi không mang lại giá trị giáo dục cho trẻ.

Hành vi ương bướng mà chúng ta hay gặp ở trẻ được gọi là tantrum. Theo Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ, Tantrum là 1 hành vi bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ do trẻ chưa đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều trẻ muốn hay không muốn. Việc xử lý tantrum bằng những “công cụ” giáo dục phù hợp theo độ tuổi sẽ giúp trẻ học được cách kiểm soát cảm xúc, nhận thức hành vi để trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Đây là 3 công cụ cha mẹ có thể tham khảo để giúp trẻ phát triển sau mỗi cơn lốc tantrum.

1. CÔNG CỤ DISTRACTION:

Là cách bạn hướng trẻ đến 1 sự chú ý khác. Công cụ này chỉ nên dùng khi trẻ nhỏ hơn 15 tháng tuổi.

Sử dụng công cụ này như thế nào?

Các bé nhỏ thường có sự tập trung rất ngắn vào 1 sự vật hoặc hành động. Do đó, công cụ đánh lạc hướng là có thể sử dụng, nhưng các bé lớn hơn 15 tháng tuổi không khuyến khích vì lúc này các bé đã phát triển nhận thức độc lập và có thể nhớ. Do đó, nếu đánh lạc hướng ở bé lớn có thể không hiệu quả, mà còn làm tantrum kéo dài ở giai đoạn 2.

Một số hoạt động đánh lạc hướng thông dụng được khuyên:

Khi bé đòi món đồ chơi nào đó, hãy bế bé sang hướng khác và chỉ vào một người nào đó để chuyển hướng chú ý của bé. Lúc này, bạn hãy mô tả 1-2 câu về hướng mới để trẻ quên món đồ chơi trước đó. Tránh hứa hẹn sẽ mua món khác hoặc mua lúc khác vì điều này làm trẻ khó bị đánh lạc hướng.

Khi trẻ đòi thiết bị điện tử như điện thoại, ipad hay promote TV, bạn hãy chạy 1 đoạn video để tải 1 phút và tắt wifi. Sau khi bé xem hết 1 phút thì video tự tắt. Với promote TV bạn có thể tháo pin. Khi trẻ cảm thấy mất hứng thú với những thiết bị “dỏm” bạn đưa, trẻ có thể quấy khóc, lúc này bạn mang 1 vài món đồ chơi có nhạc hoặc trống để đánh lạc hướng bé.

2. CÔNG CỤ 1-2-3 GO & MAGIC:

Cha mẹ có thể dùng nó để quy ước 1 khoảng thời gian nhất định với trẻ để trẻ hoàn tất phần công việc còn lại của trẻ trước khi cơn lốc tantrum trở nên lớn. Nó nên là 1 phút, 2 phút hoặc tối đa là 3 phút. Hết số phút quy ước, trẻ cần phải kết thúc công việc.

Sử dụng công cụ này như thế nào?

Công cụ này nên dùng khi trẻ dây dưa trong 1 hoạt động nào đó.

Bạn nên quy ước một khoảng thời gian nhất định để trẻ kết thúc hoạt động này. Vậy trẻ sẽ làm gì nếu trẻ không thực hiện quy ước. Ví dụ, con sẽ có 3 phút để cất những quyển truyện lên kệ và sau 3 phút nếu con không cất, con sẽ không được xem những quyển truyện này từ bây giờ đến sáng mai.

Để thành công, bạn nên giữ đúng quy ước nếu trẻ phá luật. Trước những giây cuối cùng, bạn nên cho trẻ lời nhắc duy nhất cũng là cuối cùng. Sau thời gian đó, quy ước phải được thực thi với khuôn mặt nghiêm của bạn. Nếu trẻ giữ đúng quy ước, một lời động viên trẻ là cần thiết. Cấu trúc lời động viên nên là: Khen về nổ lực trẻ vừa làm + hướng tới một hoạt động khác. Ví dụ: Mẹ rất hài lòng vì con dọn dẹp rất sạch sẽ. Nào xuống bếp với mẹ, có món này mẹ cần con phụ lắm nè!

Nếu trẻ phá quy ước và bắt đầu xuất hiện cơn lốc tantrum, bạn có thể dùng công cụ time-out bên dưới.

3. CÔNG CỤ TIME-OUT: Khi bạn sử dụng công cụ số 1 hoặc số 2 không thành công hoặc trẻ có xu hướng tự làm đau bản thân hay người khác, bạn có thể sử dụng công cụ Time-out. Time-out cũng có ích trong một số hành vi sai khác như trẻ làm việc nguy hiểm (nghịch hóa chất hoặc tự ý chạy ra đường) hoặc trẻ làm sai luật mà bạn và bé đã quy ước (VD sau 3 phút của quy ước 1-2-3 Go & Magic, mà trẻ vẫn bướng bỉnh la khóc).

Sử dụng công cụ này như thế nào?

Quy ước trước với trẻ một nơi trong nhà gọi là “Vùng time-out”. Nơi này có thể là 1 chiếc ghế ở góc tường hoặc 1 khu vực nào đó. Nơi đó cần tránh các tác nhân chi phối trẻ khi thực hiện time-out như TV , giường, ghế sofa hoặc đông người nhà đang sinh hoạt. Bạn cũng sẽ nói trước với trẻ rằng, khi con vi phạm luật, con sẽ phải vào vùng time-out này và mẹ sẽ không nói chuyện với con trong suốt thời gian time-out.

Khi trẻ vi phạm, bạn bế trẻ hoặc yêu cầu trẻ vào ngay vùng time-out và cho trẻ biết lí do ngắn gọn tại sao con phải vào vùng time-out, ví dụ “Bin, con hãy vào đứng im lặng ở góc tường (vùng time-out) trong 2 phút vì con vừa mở tất cả hộp thuốc của mẹ mà không xin phép mẹ”. Lúc này thái độ của bạn nghiêm và không để ý đến trẻ cho dù trẻ la hét. Bạn không nên đôi co, chửi mắng hay chấp nhận lời xin lỗi của trẻ khi lệnh time-out đã được đưa ra. Số phút trẻ ở trong vùng này = số tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ 2 tuổi thì cần ở đây 2 phút.

Sau khi time-out kết thúc, bạn hãy nói chuyện chi tiết hơn cho trẻ nghe tại sao con lại phải ngồi vào “chiếc ghế hư đốn” này và làm sao để lần sau con không ngồi ở đây nữa.

Notes:

Green, J. A., Whitney, P. G., & Potegal, M. (2011). Screaming, Yelling, Whining and Crying: Categorical and intensity differences in Vocal Expressions of Anger and Sadness in Children’s Tantrums. Emotion (Washington, D.C.), 11(5), 1124–1133.

Daniel J.S. và Tina P.B. (2011) The whole-brain child- 12 Revolutionary strategies to nurture your child developing mind. Delacorte Press. New York.

Waston T.S., Gebhardt S. & Watson T. (2010) temper tantrums: Guidelines for parents and teachers. National Association of School Psychologists. Helping children at home and school.

------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616