• 111
  • lang
  • lang

Không nên xem nhẹ các hành vi bạo lực học đường bởi thầy cô

Thực trạng về bạo lực học đường bởi giáo viên của trẻ
Khi trẻ tâm sự với bạn rằng trẻ có thể đang bị giáo viên "trù dập", bị "bạo lực học đường", sự việc có thể không dễ giải quyết nếu thiếu các thông tin cần thiết. Truyền thống tôn sư trọng đạo đã khiến nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc thầy cô khắt khe và răn đe con trẻ bằng đòn roi, bằng những lời lẽ chê bai sỉ nhục trước lớp là chuyện chấp nhận được. Tuy nhiên, thực tế một người thầy, người cô bạo hành có thể khiến trẻ chán học, giảm sự yêu thích với môn học hoặc thậm chí có ác cảm với việc đến trường. Trong trường hợp này, học sinh không thể tự mình thoát ra khỏi các hành vi bạo hành và học sinh cũng sẽ là người bị tổn thương nhiều nhất.

"Phiếu điều tra" mà Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) buộc học sinh phải trả lời sau scandal 231 cái tát (ảnh nhỏ). Ảnh: SGGP.

Nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường bởi giáo viên
Một trong những điểm tương đồng với trường hợp BLHĐ giữa học sinh - học sinh là bạo hành từ giáo viên bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực, xảy ra trong khoảng thời gian dài, và thường mang cách thức công khai. Đây là một dạng lăng nhục nhằm gây chú ý từ tập thể để hạ phẩm giá của học sinh trước mặt những người khác. Về mặt hiệu ứng, sự bạo hành này có thể diễn ra như một nghi thức làm nhục – năng lực của học sinh bị phỉ báng và nhân cách bị chế giễu. Tương tự, hành động này thường có chủ ý, làm nạn nhân thấy căng thẳng và thường tái diễn. Giáo viên bạo hành cũng thường không phải hứng chịu hậu quả tiêu cực nào. Lớp học là địa điểm bạo hành xảy ra thường xuyên nhất, mặc dù bạo hành cũng có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào mà học sinh chịu sự quản thúc của người lớn. 

Quá trình lựa chọn đối tượng bạo hành và hậu quả bạo hành cũng giống như trong trường học bạo hành giữa học sinh. Nạn nhân được chọn thường là những đối tượng yếu thế (không thể hoặc không muốn chống cự lại), hoặc là những đối tượng có vẻ như sẽ không được tập thể bênh vực (đồng tính nam hoặc nữ), hoặc có những điểm không hoàn hảo (học kém hoặc quậy phá). Một khi được lựa chọn, nạn nhân sẽ bị đối xử hoàn toàn khác so với đồng bạn. Tập thể sẽ thường xuyên được nhắc về việc học sinh này cá biệt như thế nào so với chúng bạn được cho là giỏi giang hơn.

Giáo viên bạo hành cảm thấy hành vi bạo hành của mình là chính đáng, và khẳng định mình bị học sinh khiêu khích. Họ thường che đậy hành vi của mình dưới mác “nói khích để học sinh cố gắng” hoặc là một phần trong cách thức sư phạm của họ. Họ cũng thường trá hình bạo hành như một hình thức kỉ luật thích đáng cho hành vi khó chấp nhận của đối tượng. Đối tượng, tuy nhiên, thường phải chịu bị làm nhục công khai có chủ đích – một hành động không phục vụ bất cứ mục đích giáo dục hợp lí nào.

Hậu quả của việc bị giáo viên bạo lực học đường
Hệ quả của việc bị giáo viên bạo lực học đường chính là học sinh bị bạo hành thường cảm thấy rối loạn, tức giận, sợ hãi, tự ti và tự nghi hoặc bản thân, và cực kỳ lo âu về năng lực học tập và xã hội của mình. Điểm gây căng thẳng nhất với học sinh là không biết vì sao mình bị nhắm làm mục tiêu, và làm gì để chấm dứt tình trạng bị bạo hành. Dần dần, nếu tình trạng không được can thiệp bởi bên chức trách, đối tượng sẽ tự trách cứ bản thân và để cho cảm giác bất lực và vô dụng ngấm sâu trong nội tâm.

Nạn nhân bị giáo viên bạo hành thường cảm thấy quẫn trí và sợ hãi, không có ai giúp đỡ. Nạn nhân càng cảm thấy căng thẳng khi tập thể khoanh tay làm ngơ hoặc trắng trợn vào hùa. Sự làm ngơ của tập thể tạo điều kiện để kẻ bạo hành tự do sử dụng “thẩm quyền” nghề nghiệp một cách bừa bãi. Không bênh vực nạn nhân, những người ngoài cuộc vô tình xác nhận nạn nhân là đối tượng xứng đáng bị ngược đãi, và hợp lí hóa hành vi bạo hành. Dù không phải ai trong tập thể cũng có cùng quan điểm với kẻ bạo hành, một số sẽ tán thành hành vi bạo hành. Những thành phần trung lập còn lại thường im lặng hoặc thuận theo để tránh bị nhắm thành mục tiêu mới.

Một số dấu hiệu của bạo lực học đường bởi giáo viên
Tương tự như bạo hành giữa học sinh, giáo viên bạo hành có một số cách thức để đánh lạc hướng những khiếu nại về hành động phản cảm của mình và quay ngược lại đổ lỗi cho học sinh. Một phương thức phổ biến là thuyết phục nạn nhân rằng nạn nhân bị hoang tưởng hoặc tâm lý không ổn định, rằng nạn nhân nhận lầm hoặc hiểu sai hành động của mình, hoặc tất cả đều do nạn nhân tưởng tượng. Giáo viên cũng thường công kích động cơ của người khiếu nại. Chẳng hạn, giáo viên bạo hành có thể lí luận rằng học sinh khiếu nại chỉ đơn thuần là đang tìm cách viện cớ cho kết quả học tập bết bát của mình. Điều này chuyển hướng cuộc nói chuyện từ hành vi không thích đáng của giáo viên sang việc bàn luận về “tiêu chuẩn” hay “trình độ” và nguyên do khiếu nại của học sinh. Việc này cũng có tác dụng gợi ý cho người ngoài rằng sự khiếu nại chỉ mang tính chất “bất đồng giữa cá nhân”, thay vì là một sự lạm dụng quyền lực có hệ thống. Đây cũng chính là hành vi lợi dụng sự yếu đuối của nạn nhân, nhận thức được tiếng nói của học sinh sẽ ít được lắng nghe, lấy sự bề thế của một nhà giáo để chà đạp lên lòng tự trọng và tôn nghiêm của học sinh. 

Bạo hành từ giáo viên dẫn đến không khí thù địch nơi học đường, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, và không phù hợp với bất cứ tôn chỉ đào tạo nào. Những thuộc tính cốt yếu của bạo hành từ giáo viên cũng giống những dạng lạm dụng quyền lực và ngược đãi khác như quấy rối tình dục, bám đuôi, và kỳ thị . Nếu dùng ngôn ngữ phân tích, quấy rối tình dục là dạng bạo hành với hàm ý dâm đãng, kì thị là dạng bạo hành mà đối tượng được chọn vì lí do chủng tộc, xu hướng tính dục, hoặc những đặc điểm không thể thay đổi khác.

Bám đuôi: bạo hành từ giáo viên tuy không gây mối đe dọa về thân thể, nhưng vẫn chấn động sâu sắc. Trong xã hội, con người mang nỗi sợ bị xa lánh và làm nhục, gần bằng (hoặc có khi còn hơn) với nỗi sợ tổn hại cơ thể. Mối đe dọa của sự sỉ nhục có thể bị lợi dụng như một món vũ khí. Giống như nạn nhân bị bám đuôi, học sinh bị giáo viên bạo hành cảm thấy mình bị giam giữ trong một tình huống mà kẻ bạo hành chiếm mọi quyền thế. Đôi khi nạn nhân thực sự bị giam giữ theo nghĩa đen (như trong lớp học hoặc văn phòng), và phải hứng chịu những hành vi công kích mà không có lối thoát hay phương cách giải tỏa nào. Mọi phản ứng từ học sinh đều có thể dẫn đến việc bị giáo viên trả thù, bao gồm việc dùng điểm số làm hình phạt. Quan trọng hơn, chỉ có học sinh, thay vì giáo viên, phải chịu thiệt thòi khi học sinh trốn học, bỏ học, hay lảng tránh một vài bộ môn của giáo viên bạo hành.

Kỳ thị: Đối tượng thường được chọn dựa trên những điểm khác biệt không thể thay đổi – chẳng hạn như cơ thể, cử chỉ hay trí tuệ không được đánh giá cao. Nếu đối tượng bị lựa chọn vì một điểm khác biệt thường thấy (ví dụ như cân nặng), hành động này thường được cho là kỳ thị. Thật trớ trêu là nếu rơi vào nhóm bị kỳ thị này, nạn nhân thật ra lại có lợi hơn so với những nạn nhân khác, vì trên lí thuyết thì nạn nhân sẽ được cộng đồng bị kì thị của họ ủng hộ. Khi nạn nhân bị chọn lựa vì những điểm không nổi bật, cơ may được ủng hộ giảm đáng kể. Cũng như tội hình sự do kì thị, hành vi ngược đãi trong học đường khiến tập thể nói chung cảm thấy lo ngại và bất an, và mất niềm tin vào sự công bằng của những tổ chức giáo dục. 

Kết luận

Trong thực tế, nhiều học sinh đã đứng lên tố cáo các hành vi BLHĐ trên đến ban giám hiệu nhưng chưa nhận được sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng từ nhà trường, một trong những nguyên nhân có thể là do cấp trên che chở giáo viên bạo hành. Do đó, quan điểm của học sinh cho rằng sẽ không có gì thay đổi sau khi thông báo cho ban giám hiệu về hành vi BLHĐ của giáo viên, thậm chí các em có thể bị "trả thù" bằng việc nhận số điểm thấp trong môn học của giáo viên đó, hoặc sự phân biệt đối xử sẽ càng rõ ràng, công khai hơn. 

Tình trạng đáng quan ngại này đã diễn ra khá lâu tại nhiều trường học tuy nhiên vẫn chưa có những nỗ lực giải quyết một cách hệ thống và thích đáng. Không chỉ học sinh, phụ huynh lo lắng mà ngay cả các giáo viên khác, đồng nghiệp khác trong môi trường giáo dục cũng tỏ ra bất lực trước thực trạng này. Họ cảm thấy nản lòng khi ban giám hiệu và đồng nghiệp không có khả năng đầy lùi một hiện tượng thiếu chuyên nghiệp nghiệp vụ. Học sinh và giáo viên trong trường thường ngầm hiểu những cán bộ nào có hành vi bạo hành, thường là những giáo viên bạo hành thường có thâm niên và không phải chịu hậu quả cho những hành vi BLHĐ đã thực hiện. Thói quen phớt lờ hành vi bạo hành trong một thời gian dài khiến ban giám hiệu cảm thấy miễn cưỡng, không muốn can thiệp, đây chính là tình trạng thông đồng có tổ chức trong trường học, qua hành động làm ngơ khi tình trạng ngược đãi học sinh diễn ra. Những hành vi tàn nhẫn nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và không khí trường học. Đáng tiếc là sự thiếu phản ứng hệ thống từ các tổ chức sẽ xúc tác cho một vài hành vi bạo hành nhỏ gây ra tác hại rất lớn.
 

-------------
Nguồn tham khảo: https://tamlyhoctoipham.com/bao-hanh-hoc-duong-giua-giao-vien-va-hoc-sinh
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616