• 111
  • lang
  • lang

Không xem nhẹ rối loạn nhân cách ranh giới ở trẻ em

Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn

Mới đây, một bé gái 14 tuổi (ở Hà Nội) đã phải nhập Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) sau nhiều lần tự hủy hoại bản thân.

Gia đình cho biết, khoảng 3 năm nay, do áp lực học tập, bố mẹ hay mâu thuẫn khiến bé gái cảm thấy căng thẳng, bức bối, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng.

Không xem nhẹ rối loạn nhân cách ranh giới ở trẻ em.

Bé bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung trong học tập nên học lực dần sa sút, thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, mắng chửi em gái. Việc ăn ngủ của trẻ thất thường, cảm xúc quá khích, tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay.

Hành vi này được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn với mục đích làm đau để giải tỏa cảm xúc.

Thấy con có nhiều dấu hiệu bất thường, mẹ bé đã đưa con đến Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia để điều trị. Tại đây, bé gái được xác định là rối loạn nhân cách ranh giới (BPD).

Bệnh nhân được kết hợp điều trị hóa dược và điều trị tâm lý, cùng với liệu pháp gia đình, hiện, cháu đã ổn định cảm xúc, hợp tác điều trị, không có hành vi bất thường.

Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác.

 Rối loạn nhân cách ranh giới thường xảy ra ở tuổi mới lớn, vì vậy cha mẹ cần quan tâm và đồng hành cùng con (Ảnh minh họa).

Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh

Rối loạn nhân cách ranh giới thường xảy ra ở tuổi mới lớn, cả trai lẫn gái. Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ranh giới thường là do vấn đề di truyền, các thay đổi dẫn truyền thần kinh, bị rối loạn phát triển não bộ và do yếu tố môi trường.

Trong đó, đáng quan tâm nhất là tác động từ môi trường bên ngoài đến người bệnh. Các yếu tố môi trường được xác định là các điều kiện dễ dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới sớm bao gồm các hành vi ngược đãi trong gia đình, tâm lý của các thành viên trong gia đình và mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Những đứa trẻ bị ngược đãi nghĩ rằng bản thân chúng không thể chấp nhận được và đáng bị ngược đãi, hoặc coi những người khác là nguy hiểm nên sẵn sàng "xù lông" để "chiến đấu" vì một câu nói mà họ thấy "động chạm".

Bác sĩ Lê Công Thiện chia sẻ: Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa lạm dụng tình dục ở trẻ em và rối loạn nhân cách ranh giới ở tuổi rất trẻ. Điều dễ nhận thấy ở trẻ bị rối loạn nhân cách ranh giới là có tỷ lệ bị bỏ rơi cao hơn đáng kể so với nhóm khỏe mạnh..

Rối loạn nhân cách ranh giới dễ trầm trọng nếu không chữa trị kịp thời, vì vậy, cần nhận biết sớm các dấu hiệu điển hình để có hướng điều trị phù hợp. Việc phát hiện sớm bệnh lý rối loạn nhân cách sẽ giúp trẻ tránh các rối loạn tâm thần đồng diễn như rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện... cũng như có cuộc sống và mối quan hệ bình thường với mọi người xung quanh.

Một người có 5/9 dấu hiệu dưới đây có thể mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới:

- Nhạy cảm với hoàn cảnh môi trường, có suy nghĩ bị bỏ rơi dữ dội.

- Có thể lý tưởng hóa những người chăm sóc hoặc người yêu tiềm năng trong lần gặp đầu tiên hoặc lần thứ hai.

- Có thể có rối loạn nhận dạng đặc trưng bởi hình ảnh hoặc ý thức về bản thân không ổn định rõ rệt và dai dẳng.

- Thường thể hiện sự bốc đồng trong ít nhất hai lĩnh vực và có khả năng tự gây tổn hại cho bản thân.

- Có thể có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc hành vi tự hủy hoại 
bản thân.

- Có biểu hiện bất ổn về cảm xúc mang tính phản ứng rõ rệt.

- Xuất hiện cảm giác trống rỗng triền miên và dễ cảm thấy buồn chán. Họ có thể liên tục tìm kiếm việc gì đó để làm.

- Có biểu hiện sự tức giận dữ dội, không thích hợp hoặc khó kiểm soát cơn giận.

- Trong những giai đoạn căng thẳng tột độ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hoang tưởng thoáng qua hoặc các triệu chứng phân ly.

Cha mẹ làm gì để giúp trẻ?

Vậy khi phát hiện con có những biểu hiện của rối loạn nhân cách ranh giới, cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ?

Về cách cha mẹ ứng xử với con thế nào nếu trẻ có thái độ thất thường, BSCK2 Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi, vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, trẻ thiếu kỹ năng điều hòa cảm xúc, cha mẹ cần quan tâm đến việc này và các kỹ năng xã hội ở nhà, ở trường của trẻ, chú ý xem con có thay đổi gì không.

 Trước tiên, bố mẹ nên gặp chuyên gia và giữ vững tinh thần lạc quan theo tư vấn của chuyên gia, tránh đưa con đến bệnh viện một cách cưỡng bức.

Rối loạn nhân cách ở trẻ có nhiều biểu hiện tương đồng với tình trạng nổi loạn lứa tuổi dậy thì. Nhiều cha mẹ lúng túng khi thấy con có biểu hiện bất thường nhưng không biết trẻ gặp vấn đề về tâm thần.

Diễn biến tự nhiên của một đứa trẻ là phải trải qua giai đoạn bướng bỉnh, muốn thể hiện cái tôi bản thân, thậm chí có hành vi chống đối, cãi lại lời người lớn. Khi con cái có hành vi cãi lại, cha mẹ cần xem lại tình huống là gì, có thể hiện ở nhiều môi trường không.

Theo các chuyên gia, khác với sinh lý lứa tuổi, trẻ gặp vấn đề tâm thần khi có những hành vi tự hại như tự rạch tay và việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần.

Ngoài việc giúp trẻ, cha mẹ cũng cần được tư vấn bác sĩ tâm lý để có thể nhìn nhận, đánh giá, điều hòa cảm xúc tốt hơn, tránh những xung đột với trẻ về lối sống, học hành... dẫn đến căng thẳng, làm tăng nguy cơ trẻ tự hủy hoại bản thân.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/khong-xem-nhe-roi-loan-nhan-cach-ranh-gioi-o-tre-em-20240412153857659.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.