• 111
  • lang
  • lang

Khuyến khích phụ huynh học cách tôn trọng và lắng nghe những trải nghiệm riêng của trẻ trên Internet (Phần 2)

Bắt đầu đồng hành cùng trẻ sử dụng Internet an toàn càng sớm càng tốt. Trẻ em trong thời đại công nghệ số thường sẽ tiếp xúc với Internet rất sớm, trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, phụ huynh cần đặt vấn đề và đồng hành cùng con ngay từ “BÂY GIỜ”, “KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ SỚM VÀ KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN”.

Vì các hành vi giao tiếp trên Internet ngày càng trở nên phức tạp và nhiều cạm bẫy nên việc trẻ học thuộc các quy tắc là không đủ. Trẻ cần phát triển cách nhận thức được sự nguy hiểm, biết cách đặt ra giới hạn cho bản thân cũng như tôn trọng giới hạn của người khác. Đồng thời, trẻ cũng có thể hiện mong muốn và nhu cầu của bản thân rõ ràng, mạch lạc hơn. Lưu ý với mỗi độ tuổi của trẻ, cách đặt vấn đề của cha mẹ sẽ khác nhau theo đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ.

Trở thành một người công dân số có trách nhiệm tức là trẻ có các kĩ năng xã hội trên môi trường mạng, đủ để trẻ tự tin tham gia cộng đồng trên mạng, với sự tôn trọng và nguyên tắc đạo đức nhất định.

- Tuân thủ luật pháp: không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như hack, ăn cắp thông tin, tải các file của người khác khi không được cho phép, gây ảnh hưởng xấu đến công việc của người khác, hoặc danh tính của người khác, hoặc tài sản trực tuyến của người khác.

- Bảo vệ sự riêng tư, thông tin cá nhân của bản thân và người khác.

- Nhận và bảo vệ quyền của bản thân, và có trách nhiệm khi sử dụng công cụ truyền thông kỹ thuật số.

- Hãy suy nghĩ kĩ về mức độ và cách thức ảnh hưởng của những hoạt động trên mạng, đến bản thân, đến những người bạn biết, và cả cộng đồng trực tuyến xung quanh bạn.

3. Theo sát một cách có chọn lọc các hoạt động của trẻ trên Internet

Hãy trao đổi với trẻ về những lo lắng của bạn khi trẻ tham gia hoạt động trên mạng xã hội, forum trực tuyến, game trực tuyến. Khi trẻ hiểu được những quan ngại của bạn về những rủi ro mà trẻ dễ gặp phải, trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ hơn về những gì các con đã trải nghiệm. Cách làm này cần cha mẹ và trẻ trung thực với nhau, cha mẹ lựa chọn tin tưởng vào trẻ và không có các hành vi lén lút xem trộm những nội dung riêng tư khi trẻ chưa đồng ý. Ngược lại, con trẻ cần tìm đến cha mẹ khi cần lời khuyên về cách bảo vệ bản thân, và con trẻ chọn tin tưởng cha mẹ tuyệt đối khi con gặp nguy hiểm trên môi trường mạng.

Ví dụ, phụ huynh hãy cùng trẻ tìm hiểu cách sử dụng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trực tuyến trên các diễn đàn hoặc ứng dụng Messenger để có thể thử các phương án khi gặp phải: nội dung không phù hợp hoặc gây tổn thương đến trẻ; kẻ bắt nạt trên mạng tấn công trẻ. Hãy dạy trẻ cách Báo cáo (report) và Chặn tin nhắn (Block) đối với các tài khoản, nội dung gây hại đến trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thử cùng trẻ lướt qua những nội dung Youtube mà trẻ đã tìm kiếm trong phần "Lịch sử tìm kiếm". Hãy trao đổi với trẻ về những thứ trẻ đang quan tâm, trẻ có thể sẽ bày tỏ việc yêu thích hoặc sự đánh giá của bản thân. Qua đó, phụ huynh cũng có thể tìm ra được những nội dung "chưa phù hợp với sự phát triển của trẻ", hoặc nội dung "có thể gây tổn thương", hoặc "tin giả" mà trẻ không đủ khả năng để tự đánh giá.

4. Giúp trẻ phát triển được thế mạnh của bản thân.

Hãy dùng cơ hội này để phát triển những thế mạnh trẻ đang có. Trí tuệ xã hội (social intelligence), sự trung thực và những góc nhìn cá nhân đều là những nhân tố quan trọng khi trẻ trở thành công dân số. Khả năng xác định được những động cơ của những người dùng Internet khác có thể không dễ thực hiện. Vậy làm sao có thể giúp trẻ trở nên nhạy cảm trong suy nghĩ khi chúng tương tác với người dùng khác? Trẻ cần trao đổi một cách trung thực và cởi mở với phụ huynh về những trải nghiệm của trẻ trên Internet. Khi đó, cha mẹ có thể giải thích về việc trẻ sẽ cần đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, hoặc những sự việc, con người xuất hiện nhưng không phù hợp với những giá trị mà trẻ tôn trọng khi tham gia cộng đồng rộng lớn. Do vậy, trẻ cần tập quan sát và xây dựng góc nhìn đa chiều để có thể giúp trẻ an toàn hơn khi sử dụng Internet.

5. Trao đổi với trẻ

Những quy tắc và việc theo sát trẻ hàng ngày cũng sẽ có những giới hạn nhất định và cha mẹ không thể nào thực hiện 24/7. Vì vậy, hãy cố gắng thực hiện những buổi trò chuyện và trao đổi thật chất lượng với trẻ, dành thời gian để lắng nghe và thể hiện sự tôn trọng với trẻ. Một vài chủ đề có thể sẽ thú vị nhưng không kém quan trọng khi cha mẹ có thể chủ động đưa ra bàn luận: những hình ảnh hài nước, video, hoặc nội dung đang trở thành hiện tượng, được chú ý nhiều nhất trong tuần. Những yếu tố truyền thông đó có thể gây ra sự khó hiểu hoặc khó chịu với người dùng Internet. Cha mẹ hãy lên tiếng để trẻ biết được rằng cha mẹ luôn ở bên trẻ khi trẻ cần sự giúp đỡ và an ủi.

----------

Nguồn tham khảo:

https://beechacres.org/monitoring-your-childs-online-activity/

Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em: Công dân số chuẩn: Sử dụng Internet thông minh và an toàn: https://msdvietnam.org/wp-content/uploads/editWV_Handbook_TOCSE_final-to-donor-da%CC%83-ne%CC%81n.pdf

----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616