• 111
  • lang
  • lang

Kiểm soát cảm xúc để bảo vệ con khỏi bạo lực gia đình

Khi tức giận, cha mẹ thường không kiềm chế được cảm xúc, có những lời nói và hành vi bạo lực với con trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải biết quản lý cơn giận, lắng nghe, thấu hiểu con cái.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức.

Lắng nghe là cách để người lớn hiểu và xây dựng mối quan hệ với trẻ em cũng như để xác định nhu cầu, từ đó có sự hỗ trợ trẻ đúng thời điểm. Lắng nghe trẻ em cũng là chìa khóa trong các tương tác hàng ngày và đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn trẻ khủng hoảng, biến động. 

Theo ông Trương Quang Lâm, Chuyên gia tâm lý, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, lắng nghe trẻ em cần thực hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó cha mẹ quan tâm, lắng nghe suy nghĩ, cảm xúc của con để thực sự hiểu điều con mong muốn. Lắng nghe tích cực giúp củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, vui chơi, đọc sách cùng con để hiểu và lắng nghe tâm sự của trẻ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD nhìn nhận, việc lắng lại để nghe con không dễ. Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, dành ưu tiên cho lời nói của con trẻ. Bố mẹ muốn đồng hành với con buộc phải kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự ẩn sâu trong câu nói của con.

Ở góc độ cha mẹ, diễn giả Nguyễn Hải Đăng bày tỏ: “Tôi cũng giống như các bậc phụ huynh khác, thời gian đầu có con là những ngày khó khăn nhất cuộc đời. Đó là lúc mình có thêm một bạn nhỏ để chăm sóc nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành các công việc.

Những giai đoạn cha mẹ căng thẳng, cần tập trung cho công việc thì con cái lại vây quanh, tạo sự chú ý, muốn cha mẹ quan tâm. Hành động đó của các con khiến cha mẹ rất khó giữ được bình tĩnh. Để tránh làm tổn thương đến con, tôi cố gắng tuân thủ theo các quy tắc về quản lý cảm xúc”. 

Ông Lâm khẳng định, cha mẹ muốn kiểm soát được cơn nóng giận thì phải rèn luyện kỹ năng và biết cách quản lý cảm xúc khi trò chuyện cùng con. “Khi tức giận, cha mẹ không nên có những hành vi, lời nói gây sát thương, tổn thương về mặt tinh thần và thể chất của trẻ. Cha mẹ nên nói với con rằng mình đang nóng giận, mệt mỏi…

Đó là những phản hồi lành mạnh để con biết tôn trọng cảm xúc của người khác, trong đó có cha mẹ. Muốn con cái ổn thì cha mẹ phải thực sự ổn. Để làm được như thế, chúng ta phải tìm cách điều chỉnh bản thân. Gia đình gắn kết thì xã hội cũng được hưởng lợi”, ông Lâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh đưa ra lời khuyên, mỗi phụ huynh có cách lắng nghe, sự kiên nhẫn và cách kiềm chế khác nhau. Kiềm chế rất khó nên mới cần rèn luyện. Lúc cơn giận bộc phát, cha mẹ phải lắng lại thông qua một số việc giúp mình thoải mái hơn.

Cha mẹ trì hoãn được cơn giận thì dễ dàng sắp xếp lại suy nghĩ, cảm xúc. Từ đó, cha mẹ không có những hành vi, lời nói gây hại cho con.

Theo Phó Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Thị Nga, cha mẹ chịu vô vàn áp lực, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Thế nên nhiều khi nóng giận, cha mẹ không đủ kiên nhẫn lắng nghe và cùng con giải quyết. Trong tình huống như vậy, cha mẹ phải kiềm chế sự nóng giận, không được phép sử dụng bạo lực, kể cả bạo lực bằng lời nói hay thể chất với con cái. 

“Quá trình tiếp xúc với trẻ bị bạo lực, chúng tôi nhận thấy các em rất dễ khóc khi nhắc đến hành vi bạo lực trong gia đình. Với các em, đôi khi bạo lực bằng lời nói còn đau đớn, ám ảnh hơn việc bị đánh đập. Không phải đánh mới tác động đến sự phát triển của trẻ, những lời xúc phạm, chì chiết gây tổn thương cho các em đến suốt cuộc đời.

Cha mẹ tuyệt đối không được bạo lực, xâm hại con trẻ, không được xem bạo lực như đặc quyền của cha mẹ trong quá trình dạy dỗ con cái. Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác trẻ em, chúng tôi đánh giá việc trang bị kiến thức trong gia đình cho cha mẹ vô cùng quan trọng.

Chúng ta cần có sự cố gắng từ gia đình, xã hội và Nhà nước để cha mẹ có thể lắng nghe con tích cực hơn. Đồng thời, chúng tôi đang tuyên truyền cho trẻ biết những quyền lợi, trách nhiệm và bổn phận của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội”, bà Nga nhấn mạnh.

Đ.Thọ

Báo Lao động Xã hội số 81

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/kiem-soat-cam-xuc-de-bao-ve-con-khoi-bao-luc-gia-dinh-20240705225041282.htm

______

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.