• 111
  • lang
  • lang

Kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ và thành viên trong gia đình)

"Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức" (Khoản 8 điều 4 Luật Trẻ em)

Cục Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế biên soạn bộ tài liệu: Kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ và thành viên trong gia đình)

MỘT SỐ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ EM BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

1. Sưng đau, bầm tím, xước, chảy máu ở bộ phận sinh dục.

2. Trầm cảm, im lặng ngồi một mình, ngại tiếp xúc với người khác,

3. Kết quả học tập giảm sút

HẬU QUẢ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

1. Đối với trẻ em:

Trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm lý, sinh lý. Chính vì vậy, hậu quả do xâm hại tình dục gây ra đối với các em là rất nặng nề và lâu dài cả về thể chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm.

2. Đối với gia đình:

Những người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ trẻ em bị xâm hại tình dục có cảm giác đau đớn, u buồn, căng thẳng, bất an . Mối quan hệ trong gia đình có thể trở nên bất ổn khi người xâm hại tình dục trẻ em là thành viên trong gia đình.

3. Đối với nhà trường:

Hậu quả của việc trẻ em bị xâm hại tình dục có thể làm giảm sút chất lượng học tập của học sinh. Mối quan hệ thầy trò bị rạn nứt, khủng hoảng, ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh khác khi người xâm hại tình dục trẻ em là giáo viên, nhân viên nhà trường.

4. Đối với cộng đồng, xã hội:

Hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em cũng ảnh hưởng đến cộng đồng và toàn xã hội. Xâm hại tình dục trẻ em cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Dư luận xã hội không chỉ bất bình, phẫn nộ mà có thể hoang mang, lo lắng, bất an, mất niềm tin nếu vụ việc không được xử lý công bằng, nghiêm minh.

MỘT SỐ HÀNH VI XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

1.  Xâm hại tình dục không tiếp xúc

Phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, trình diễn khiêu dâm trước mặt trẻ em; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán; trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng trẻ em hoặc hình ảnh mô phỏng trẻ em (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số).

2. Xâm hại tình dục tiếp xúc

- Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em.

- Dụ dỗ, ép buộc trẻ em vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm bộ phận nhạy cảm của người có hành vi xâm hại tình dục hoặc của người khác.

- Dùng ngón tay, ngón chân, lưỡi, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục, của trẻ em gái, hậu môn của trẻ em.

- Đưa bộ phận sinh dục của người có hành vi xâm hại vào bộ phận sinh dục của trẻ em.

- Hôn vào miệng, cổ, tai, gáy của trẻ em nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

- Ép trẻ em quan hệ tình dục với người khác.

- Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em.

CẦN LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN TRẺ EM CÓ DẤU HIỆU BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC?

- Đưa trẻ em đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám.

- Lưu giữ đồ vật, tài liệu, thu thập bằng chứng, chứng cứ (quần áo trẻ em; bản ghi âm lời kể của trẻ, của người biết. sự việc, hồ sơ bệnh án, giấy khám, đơn thuốc, điện thoại, máy tính...).

- Báo cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Tổng đài 111, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp.

- Trẻ em không có lỗi trong việc bị xâm hại tình dục.

- Hành vi xâm hại tình dục trẻ em bị pháp luật xử phạt nghiêm khắc, mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

MỘT SỐ KỸ NĂNG PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM DÀNH CHO CHA MẸ VÀ THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH

1. Hướng dẫn trẻ em về những GIỚI HẠN khi giao tiếp, tiếp xúc với người thân, người quen.

2. Hướng dẫn trẻ em nói KHÔNG, BỎ CHẠY nếu bị cố tình đụng chạm, kể cả đó là người thân thiết.

3. Học hỏi và cập nhật kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng chống XHTD trẻ em, hướng dẫn trẻ em an toàn khi sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet.

4. Khuyến khích trẻ em chia sẻ thông tin, kể lại cho bố, mẹ, thầy, cô giáo, người trẻ tin tưởng về những điều trẻ em cảm thấy lo lắng, không an toàn.

5. Giải thích cho trẻ em hiểu về các bộ phận trên cơ thể, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, sức khỏe sinh sản, phân biệt giới tính.

MỘT SỐ KỸ NĂNG CHĂM SÓC, HỖ TRỢ, CAN THIỆP CHO TRẺ EM BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

1. Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất, tinh thần cho trẻ em bị xâm hại tình dục, quan sát, giám sát trẻ em để nắm được các biểu hiện bất thường của trẻ em bị xâm hại tình dục.

2. Thường xuyên trao đổi, lắng nghe, chia sẻ thông tin với trẻ em để nắm được tâm tư, mối quan hệ xung quanh của trẻ em.

3. Không đổ lỗi cho trẻ em.

4. Phối hợp với nhà trường, giáo viên để bảo đảm an toàn, ổn định tâm lý, hỗ trợ trẻ hoàn thành chương trình học tập.

5.Bảo đảm nơi ở an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Link tải tài liệu: 

Kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ và thành viên trong gia đình )

__

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.