• 111
  • lang
  • lang

Kỷ luật tích cực trong gia đình: những điều cha mẹ cần lưu ý

Giáo dục trẻ tại gia đình

Trong quá trình giáo dục con trẻ, nếu cha mẹ từng cảm thấy không thoải mái và không thích hợp khi dùng những biện pháp trừng phạt thân thể, thì các biện pháp kỷ luật tích cực có thể là phương pháp tối ưu thay thế. KLTC là những cách thức có thể kết hợp/ thay thế với phương pháp giáo dục con trẻ truyền thống nhằm thay đổi, điều chỉnh hành vi có vấn đề của trẻ bằng phương pháp tích cực hơn, cho cả tinh thần và thân thể. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả, văn minh có sự cân bằng giữa tình yêu thương và cứng rắn khi dạy cho con trẻ về những bài học trong cuộc sống.

 

Nguyên nhân KLTC là sự lựa chọn tốt hơn phương pháp giáo dục truyền thống

Các chuyên gia cho rằng KLTC có thể mang đến những lợi ích nhất định cho cha mẹ và con trẻ, đặc biệt khả năng cao giúp thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái hơn khi cha mẹ dành cho con sự tôn trọng nhất định dù là đang phạt chúng. Phương pháp này cũng giúp giảm số lần căng thẳng giữa cha mẹ và con cái, đồng thời dạy cho con trẻ biết rằng các con có thể đối mặt với thời điểm khó khăn mà không cần dùng đến những lời đe doạ, la hét hay trừng phạt thân thể. KLTC có thể khiến trẻ phải đối mặt với một số hình phạt từ cha mẹ, nhưng đồng thời KLTC cũng giúp cha mẹ ngăn chặn được những hành vi có vấn đề của trẻ trước khi xảy ra.

Một số biện pháp KLTC có thể kết hợp được với phong cách dạy con của phụ huynh

Có nhiều biện pháp KLTC và những biện pháp KLTC khác nhau sẽ áp dụng được với những độ tuổi khác nhau. Với mỗi trẻ, cha mẹ hãy tự quyết định và vận dụng KLTC cho phù hợp với phương pháp giáo dục của mình

1. Chuyển hướng sự chú ý 

Trẻ nhỏ tuổi thường có sự chú ý ngắn hạn do đó không quá khó để chuyển sự chú ý của các con sang hoạt động khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, bạn có thể đưa cho trẻ món đồ chơi khác hoặc đưa trẻ qua một không gian khác để chuyển hướng sự chú ý. Đối với trẻ lớn, sẽ tốt hơn nếu cha mẹ cho các con biết con có thể làm gì, gợi ý các hoạt động trẻ nên làm thay vì liệt kê những việc con không được làm. Cách này tập trung vào góc nhìn tích cực giúp giảm thiểu sự căng thẳng và tránh tình huống giằng co.
 
2. Tăng cường hành vi tích cực

Hãy khen con trẻ khi các con có những hành vi đúng mực, tích cực, ví dụ khen trẻ biết chia sẻ khi trẻ chia sẻ đồ chơi với anh chị em, bạn bè. Khi trẻ thể hiện sự tốt bụng, tử tế với người khác, hãy cho trẻ biết trẻ đã làm một việc tốt và rất đáng khen. 
Cách làm này giúp trẻ có sự chú ý, lưu tâm hơn cho những việc trẻ làm đúng và được công nhận, thay vì cha mẹ cứ chăm chăm vào những việc trẻ làm sai hoặc khi trẻ không nghe lời. Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ biết cách hành xử hoặc những lựa chọn đúng đắn. 
 
3. Dùng phương pháp nhắc nhở bằng từ khoá

Thay vì phải liên tục yêu cầu con trẻ "Ngừng chạy ngay! Con mặc áo lên! Chia đồ chơi với bạn đi!" thì cha mẹ có thể nhắc nhở con bằng từ khoá bằng một tông giọng bình thường: Đi bộ. Áo khoác. Chia sẻ. Bằng những nhắc nhở một cách điềm tĩnh, con trẻ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm và thay vào đó bé có thể nhớ được cách ứng xử phù hợp. 

5 nguyên tắc của KLTC mà cha mẹ cần lưu ý

KLTC là phương pháp cân bằng giữa tử tế, tình cảm và cứng rắn

- KLTC giúp trẻ cảm thấy thân thuộc và có ý nghĩa với cha mẹ 

- KLTC có tác dụng lâu dài

- KLTC có thể dạy trẻ những kỹ năng xã hội và kỹ năng trong cuộc sống để trở thành người tốt

- KLTC giúp trẻ tìm hiểu những khả năng tiềm ẩn của bản thân và hướng dẫn cách trẻ dùng năng lượng một cách tích cực

Cách vận dụng KLTC hiệu quả

1. Xây dựng mối quan hệ tích cực 

KLTC áp dụng cách tiếp cận có nguyên tắc khi cân nhắc đến cảm xúc của con trẻ. Trẻ được khuyến khích chia sẻ cảm xúc, trò chuyện góp ý về lỗi sai, ý tưởng hay vấn đề các con đang gặp phải với một cách cởi mở. Cha mẹ có thể hỗ trợ các em giải quyết những vấn đề đó đồng thời cũng trở thành một hình mẫu về việc giao tiếp hiệu quả và tôn trọng nhau. Và ngược lại, cha mẹ cũng có thể kể về ngày của mình, cho các con biết được những hoạt động trong ngày của cha mẹ để các con hiểu hơn về mình. Việc dành thời gian hàng ngày cho các con là một bước để xây dựng mối quan hệ tích cực. Khoảng thời gian chất lượng này cha mẹ và con có thể trò chuyện, cùng chơi hay chỉ đơn giản hưởng thụ thời gian cả nhà ở bên nhau. 
 
2. Hãy động viên các con một cách hào phóng

KLTC tập trung vào sự khuyến khích hơn là việc khen ngợi. Thay vì chỉ khen ngợi khi con đạt kết quả tốt, hãy tập trung khuyến khích và động viên động lực cố gắng của con, dù con chưa thực hiện được thành công. Sự khuyến khích, động viên giúp trẻ nhận ra được tiềm năng của bản thân và dạy trẻ trở nên độc lập hơn trong nhiều việc. Trẻ cũng có thể cảm thấy được cha mẹ công nhận, vì KLTC được hình thành trên nguyên tắc giúp trẻ cảm nhận sự thân thuộc sâu sắc với gia đình.

Ngoài ra việc cha mẹ làm gương cho việc giải quyết lỗi sai cũng là một phần quan trọng của KLTC. Khi cha mẹ phạm lỗi, hãy thẳng thắn xin lỗi trẻ. Điều này giúp con trẻ nhận ra ý nghĩa của việc tự chịu trách nhiệm trước những hành động của mình và sự cần thiết khi học hỏi từ những lỗi sai ấy. 
 
3. Giải quyết vấn đề cùng nhau 

Sự tôn trọng lẫn nhau là yếu tố quan trọng trong KLTC. Khi trẻ có hành vi khác thường, cha mẹ động viên trẻ cùng trao đổi và trò chuyện về vấn đề đang diễn ra. Cha mẹ hãy đặt những câu hỏi mở để gợi ý những đáp án giải quyết từ trẻ. Điều này giúp trẻ nhận ra rằng việc chia sẻ những lo lắng, quan điểm là cần thiết khi muốn cùng nhau giải quyết vấn đề. Và khi trẻ được tham gia vào quá trình giải quyết, trẻ càng được khuyến khích và có thêm động lực để làm tốt hơn. 
 
4. Tập trung vào việc dạy trẻ từng bước một.

Việc dạy trẻ, hướng dẫn trẻ cũng là một bước quan trọng trong phương pháp KLTC. Hãy hướng dẫn trẻ một cách rõ ràng và cho trẻ biết trước những kết quả mà cha mẹ mong đợi. Khi giao việc nhà cho trẻ, hãy dành thời gian chỉ dẫn trẻ cách quét dọn đúng, cách dọn giường, hoặc sắp xếp bàn ghế bạn muốn trẻ làm. Việc chỉ dẫn từ cha mẹ giúp trẻ biết quy trình, cách làm hợp lý, cách làm đúng và giảm tỷ lệ trẻ hiểu lầm ý muốn cha mẹ.
 
5. Cha mẹ hãy quan tâm đến bản thân 

Việc trở thành cha mẹ, người chăm sóc chính cho trẻ là một công việc không dễ dàng. Nếu cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt hoặc dần mất kiểm soát bản thân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ. Cha mẹ có thể nhờ người thân, họ hàng hoặc người bạn đến giúp đỡ để có thời gian nghỉ ngơi cho bản thân.
 


Việc giáo dục trẻ theo phương pháp KLTC ở những độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau sẽ có những thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, sự tôn trọng, quan tâm, bao dung và không dùng bạo lực là những yếu tố cơ bản để cha mẹ vận dụng phương pháp KLTC khi giáo dục con trẻ. Trẻ em thường nhìn vào người lớn và cha mẹ để học tập, do đó, cha mẹ hãy trở thành một trong tấm gương để trẻ noi theo khi phải đối mặt với khó khăn trong học tập và cuộc sống.

Để được tư vấn hoặc hỗ trợ trực tiếp về phương pháp KLTC, hãy liên hệ Tổng đài quốc gia 111 (miễn phí) hoặc Văn phòng Tư vấn Tâm lý, địa chỉ số 44 ngõ 84 - Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội, điện thoại 0243 747 6154

-------------

Nguồn tham khảo: 

http://baoyenbai.com.vn/13/164471/Giao_duc_tre_bang_phuong_phap_ky_luat_tich_cuc.htm

https://www.familylives.org.uk/advice/primary/behaviour/positive-discipline/#:~:text=Positive%20discipline%20is%20about%20teaching,approaches%20which%20encourage%20positive%20discipline.

https://www.goodhousekeeping.com/life/parenting/a26754534/positive-discipline/

https://www.verywellfamily.com/examples-of-positive-discipline-1095049

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111

- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 

+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616