Trong vài thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã phải vật lộn với xu hướng lạm dụng đường trong thực phẩm. Tiêu thụ đường tự do là yếu tố chính làm gia tăng số người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu, trong đó có trẻ em.
Tiêu thụ đường tự do là yếu tố chính làm gia tăng số người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu (Ảnh minh họa).
Rủi ro khi hàm lượng đường vượt quá khuyến nghị
Những nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trên 7 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) đã cho thấy hàm lượng đường cao trong thực phẩm thương mại được bán cho trẻ em.
Theo đó, có tới 72% đồ ăn nhẹ và thức ăn cầm tay được bán cho trẻ dưới 3 tuổi chứa đường và chất ngọt bổ sung cao hơn mức khuyến nghị. Hơn nữa, gần 90% nhãn trên các sản phẩm được nghiên cứu có chứa những tuyên bố có khả năng gây hiểu nhầm về thành phần
của chúng.
WHO cũng lưu ý một số quốc gia được phát hiện không có biện pháp pháp lý để quản lý hàm lượng đường trong thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại. Các quốc gia có ngưỡng tối đa về đường thường chỉ áp dụng cho một số danh mục nhất định, chẳng hạn như ngũ cốc hoặc đồ ăn nhẹ và ngưỡng này thường cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Mỹ, các khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng chỉ ra, có tới 1/3 trong số 50 thương hiệu kẹo và đồ ăn nhẹ được trẻ em ưa chuộng có lượng đường vượt quá khuyến nghị, nhưng phần lớn trong số đó lại được quảng cáo là thân thiện với trẻ em.
Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị châu Âu về béo phì vào giữa năm 2023 cũng cho thấy, lượng đường tiêu thụ của trẻ em ở một số quốc gia khu vực này đang vượt quá khuyến nghị sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Đặc biệt tại Anh, quốc gia có số lượng trẻ bắt đầu tiêu thụ đường tự do khi còn rất nhỏ, và lượng đường tiêu thụ của nhiều trẻ mới biết đi vượt quá lượng khuyến nghị tối đa cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Điều này càng khiến các chuyên gia của WHO đặt ra câu hỏi, liệu việc tiêu thụ kẹo và đồ ăn nhẹ tăng lên có phải là nguyên nhân gia tăng của bệnh béo phì và suy giảm trí nhớ ở trẻ em toàn cầu trong thập kỷ qua?
Điển hình là Mỹ, quốc gia hiện có hơn 14 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi béo phì và đang phải đối mặt với các bệnh về răng miệng, huyết áp cao, cholesterol cao, tim mạch, tiểu đường cũng như các vấn đề về hô hấp, khớp...
Tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ (Ảnh minh họa).
Cần nhiều biện pháp để thay đổi thói quen tiêu dùng
Theo khuyến cáo của WHO, các chính phủ, nhà hoạch định chính sách và các công ty thực phẩm trên toàn cầu cần có sự cải tiến, hợp tác để xây dựng một môi trường thực phẩm ổn định và trung thực hơn.
Một trong những cải tiến này có thể là tăng thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường. Các biện pháp về tăng giá và thuế có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.
Tiến sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc Cục Phòng chống bệnh không lây nhiễm của WHO cho biết: “Việc tiêu thụ đường tự do, bao gồm các sản phẩm như đồ uống có đường, là yếu tố chính làm gia tăng số người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu. Nếu chính phủ đánh thuế cao các sản phẩm đồ uống có đường có thể cứu sống nhiều người và cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của họ trong tương lai…”.
Kinh nghiệm từ những quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có đường cho thấy, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11% và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn.
Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học, giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.
WHO khuyến cáo, trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường (tương đương 24g) mỗi ngày. Ngoài ra, đối với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, vì điều này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia cần hành động để bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của tiếp thị thực phẩm, nhất là “cách tiếp cận cần dựa trên quyền và lợi ích của trẻ em” thông qua việc thực thi luật pháp, thiết lập các hệ thống bảo vệ trẻ em, nâng cao vai trò, nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trong việc thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh.
Cách tính đơn giản lượng đường trong thực phẩm
1 chén cơm chứa khoảng 45-50g chất bột đường.
1 củ khoai lang khoảng 160g chứa 45g chất bột đường.
1 muỗng cà phê đường cát chứa 4g đường.
1 chai nước ngọt chứa trung bình hơn 30g đường.
1 hộp sữa chua chứa từ 6-10g đường.
Nguồn tham khảo:
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/lam-dung-duong-gay-ra-nhieu-van-de-suc-khoe-tre-em-toan-cau-20240412152637832.htm
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.