Bạn thường nghe thấy gì ở những em bé còn đang ở độ tuổi mẫu giáo?
- Không!
- Cái này của con chứ!
- Đưa cho con!
Những từ này thường đi cùng với hành động kéo, giật, cầm, nắm, ôm… đồ vào người của trẻ. Khi ấy, con có thể đang giữ trong tay một món đồ quý giá hoặc có thể là không nhưng đó là thứ mà con không muốn người khác có được.
Dạy trẻ biết chia sẻ thứ con đang giữ khư khư dường như là một “nhiệm vụ bất khả thi” nhưng nếu bố mẹ kiên trì mình vẫn có thể làm được.
MẸO ĐỂ DẠY CON BIẾT CHIA SẺ
Làm mẫu cho con
Nếu bạn muốn con biết chia sẻ thì bản thân bạn cần là người cho con thấy chia sẻ là như thế nào. Nếu bạn đang ăn gì đó, bạn có thể để con ăn cùng mình. Con có thích tô màu với những cây bút dạ không? Bạn có thể để con dùng chúng vẽ tranh. Ngoài ra, cùng đừng quên san sẻ việc nhà với vợ/chồng của mình và để con thấy nhé! Khi con thấy những gì bạn làm thì khả năng cao là con sẽ làm theo.
Đừng quên rằng đồ vật và trò chơi là cả thế giới của con
Tôn trọng mong muốn của con. Chỉ vì con còn nhỏ và không tự mình mua những món đồ ấy thì không có nghĩa nó không phải là đồ của con. Vậy nên, nếu bạn cần mượn món đồ gì của con thì đừng quên hỏi con hỏi ý kiến của con trước. Và một điều quan trọng không kém là những món đồ khi bạn trả lại cần phải nguyên vẹn nhé!
Đảm bảo con hiểu được rằng chia sẻ là như thế nào
Con cần hiểu được rằng khi mình cho ai đó mượn đồ thì không có nghĩa là họ sẽ giữ món đồ đó mãi. Khi con thấy được rằng món đồ của mình cuối cùng rồi sẽ quay về với mình thì khi ấy con sẽ không còn giữ khư khư nó nữa. Ví dụ, nếu bạn muốn con hình dung được thời gian bạn sẽ trả lại đồ cho con thì bạn có thể đặt đồng hồ hẹn giờ trên điện thoại, khi điện thoại kêu, bạn trả lại cho con, khi ấy con sẽ tin tưởng lời bạn nói hơn.
Tìm hiểu tại sao con không muốn chia sẻ một đồ vật nào đó
Đó là món quà đặc biệt ai đó tặng trẻ? Đó là món đồ mới? Trước khi bạn phạt con vì không chia sẻ cho người khác thì mình cần tìm hiểu vì sao con lại cư xử như vậy.
Tận dụng những cơ hội để dạy cho con hiểu về chia sẻ
Đôi khi bạn sẽ gặp phải trường hợp bạn con không muốn chia sẻ đồ chơi với con, nhưng đó vẫn là một cơ hội để mình giảng dạy cho con. Khi ấy, bạn có thể tập cho con dần đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu lý do vì sao bạn con lại không cho con chơi cùng. Chẳng hạn, “mẹ nghĩ đồ chơi đó thực sự đặc biệt với bạn của con. Vậy tại sao mình lại không tìm đồ chơi khác để chơi?”
Chỉ cho con thấy rằng chia sẻ cũng là một việc làm thú vị
Làm những hoạt động hay tham gia những trò chơi cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tham gia của hai hay nhiều người. Ví dụ như chơi xếp hình hay cùng nhau nấu cơm. Khi mục tiêu hoàn thành, chẳng hạn như miếng ghép được xếp xong hay món ăn được nấu xong, bạn có thể nói cho con biết việc có người khác chia sẻ cùng mình khiến cho hoạt động ấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn biết bao nhiêu.
Giúp con nhận ra khi nào mình không chia sẻ là điều bình thường
Đôi khi có những thứ con chưa sẵn sàng để từ bỏ. Điều đó hoàn toàn bình thường và có thể hiểu được. Nếu bạn bắt con phải nhường trong khi con chưa sẵn sàng thì có thể sẽ phản tác dụng, khiến con bực bội thay vì tỏ ra hào phóng. Do vậy, trước buổi các bạn nhỏ tụ tập, bạn có thể bảo con chọn ra những món đồ mà mình không muốn cho các bạn khác chơi cùng và cất chúng ở một nơi nào đó. Và cũng hỏi con xem có đồ chơi nào con có thể chơi cùng các bạn khác. Khi ấy, con sẽ sẵn sàng hơn, thoải mái hơn với yêu cầu của bố mẹ.
THÊM Ý TƯỞNG ĐỂ DẠY CON BIẾT CHIA SẺ
Để con tập thử chia sẻ bằng những món đồ nho nhỏ trước
Cho con những món đồ nhỏ xinh mà con có thể chia sẻ với bạn của mình, chẳng hạn như những miếng dán sticker, bim bim hay những món đồ chơi… Khi con thấy rằng chia sẻ với người khác cũng có gì đó rất vui thì khả năng cao con sẽ tự mình cho nhiều hơn sau đó.
Có thêm sự tham gia của những bố mẹ khác.
Khi gia đình bạn có gia đình khác đến chơi, bạn có thể hỏi xem liệu gia đình bên ấy mang được một hoặc hai món đồ mà con bạn ấy sẵn sàng chơi cùng người khác. Vậy nên, nếu con thấy rằng bạn mình nhường đồ chơi cho mình thì rất có thể con cũng sẽ làm tương tự.
Hãy kiên nhẫn
Khi đứa con bé bỏng của bạn ngày một phát triển những kỹ năng giao tiếp xã hội và học được cách kết bạn, con sẽ sớm nhận ra rằng chia sẻ là một việc gì đó thật vui và khi cùng bạn mình chơi món đồ yêu thích thì sẽ hay hơn nhiều là chơi một mình.
Hãy nhớ rằng cái mình chia sẻ không nhất thiết phải là hữu hình, nhìn thấy được.
Bố mẹ có thể ngồi xuống và chia sẻ cho con nghe một câu chuyện hay một hoạt động nào đó. Khi bạn thường xuyên dùng từ “chia sẻ” con sẽ dần quen hơn với từ này và hành động của con cũng dần tự nhiên hơn.
Chỉ cho con thấy đâu là hành động chia sẻ đúng mình hướng tới
Nếu bạn con cho con gói bánh nhân ngày sinh nhật thì bạn có thể tỏ thái độ vui mừng, khen ngợi bạn ấy để con biết rằng hành động là hành động tốt. Hay khi bạn con cho con mượn đồ chơi? Đừng quên nói lời cảm ơn để con làm theo nhé... Và một điều quan trọng không kém là khi bạn thấy con biết cách chia sẻ thì đừng quên ghi nhận ngay sự cố gắng của con nhé!
Nguồn : Sưu tầm
-----------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616