• 111
  • lang
  • lang

Làm sao để giáo dục trẻ không cần dùng đến bạo lực?

Tiến sĩ Joan E. Durrant, người khởi xướng Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hằng ngày” cho biết: Kỷ luật tích cực là không bạo lực, chú trọng vào việc giải quyết vấn đề. Tôn trọng dựa trên các nguyên tắc phát triển của trẻ.

Kỷ luật tích cực đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng

Tại Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em mới đây, bà Mạc Thị Thanh Tuyền - Quản lý Dự án Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho biết, ý tưởng hình thành mô hình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hằng ngày” mà Save the Children đang triển khai ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam bắt nguồn từ cuộc nói chuyện của Tiến sĩ Joan E. Durrant với một cán bộ quản lý cấp cao của Save the Children tại Thụy Điển.

Ý định ban đầu chỉ là xây dựng một tờ rơi để tuyên truyền về hình thức giáo dục trẻ em trong gia đình không sử dụng bạo lực thể chất. Sau đó, hai bên đã làm việc với nhau và phát triển thành Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hằng ngày”.

Chương trình ra đời với nỗ lực xóa bỏ các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ tại gia đình.

“Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” cung cấp cách tiếp cận giáo dục phi bạo lực, nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó, tôn trọng giữa cha mẹ và con trẻ. Chương trình này dành cho cha mẹ có con từ tuổi sơ sinh đến 18 tuổi.

Hiện nay, Chương trình được Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong khu vực châu Á có Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Mông Cổ và Việt Nam.

Thực hiện từ năm 2018, Chương trình đã đến với khoảng 500 bậc cha mẹ tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM và Đồng Nai.

Chương trình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng chính: Nghiên cứu sự phát triển lành mạnh ở trẻ; Nghiên cứu cách làm cha mẹ hiệu quả; Các nguyên tắc quyền của trẻ em.

Và hướng đến 3 mục tiêu cơ bản: Cung cấp một phương pháp thay thế hiệu quả cho các biện pháp dạy con bằng bạo lực thể chất và tinh thần; Tăng sự hiểu biết của cha mẹ về quyền của trẻ em theo cách thức không đe doạ; Cung cấp các công cụ cụ thể và mang tính xây dựng để giải quyết mâu thuẫn giữa cha con, mẹ con.

 Một lớp tập huấn “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save the Children).

Nói không với trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ

Một số cha mẹ hiểu nhầm rằng, kỷ luật là quát tháo và đánh đập; số khác lại tưởng kỷ luật tích cực là buông lỏng, cho phép trẻ làm bất cứ điều gì mình muốn, trong gia đình không cần có quy định, quy tắc. Tất cả những quan điểm trên đều là sai lầm khiến cho việc giáo dục trẻ không hiệu quả.

Kỷ luật tích cực thường không đưa ra các giải pháp giải quyết tức thời các vấn đề mà giúp phụ huynh đưa ra các định hướng lâu dài cần trẻ hướng tới.

Ví dụ một tình huống cụ thể như sau: Con bạn (5 tuổi) mở tủ đựng bát đĩa và lôi mọi thứ ra. Trẻ xếp chồng bát, đĩa lên nhau và chồng bát, đĩa bị đổ, một số bát, đĩa bị vỡ. Bạn sẽ làm gì trong tình huống này?

1. Đánh đòn trẻ vì đã nghịch ngợm làm hỏng đồ.

2. Phạt trẻ bằng cách tạm thời tịch thu một món đồ chơi mà trẻ 
yêu thích.

3. Nhờ/yêu cầu trẻ thu dọn lại đống đổ vỡ cùng bạn. Giải thích với trẻ rằng, một số vật khi rơi sẽ bị vỡ, hỏng và không thể sử dụng tiếp được. Chỉ cho trẻ thấy những vật trẻ có thể chơi. Sắp xếp lại căn bếp sao cho những vật dụng dễ vỡ nằm ngoài tầm với của trẻ để điều này không xảy ra lần nữa.

Nếu bạn chọn phương án 1 và 2, đó là kỷ luật tiêu cực, còn bạn chọn phương án 3, đó là kỷ luật tích cực.

Kỷ luật tích cực giúp trẻ dần dần tự kiểm soát bản thân, học cách đưa ra những quyết định đúng đắn, dạy trẻ tôn trọng cảm xúc của người khác, xây dựng kỹ năng và sự tự tin… Khi thực hành kỷ luật tích cực, cha mẹ cần tôn trọng trẻ và giành được sự tôn trọng từ trẻ.

Nói một cách dễ hiểu thì kỷ luật tích cực là sự kết hợp giữa sự kiên định và mềm mỏng dựa trên các nguyên tắc được thiết lập giữa cha mẹ và con cái sao cho phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, để trẻ có thể học cách hợp tác linh hoạt và tinh thần kỷ luật tích cực mà không bị tổn thương lòng tự trọng.

Chia sẻ bên lề Diễn đàn, bà Mạc Thị Thanh Tuyền cho biết thêm, Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” đã cứu rất nhiều người, nhiều gia đình. Nó không chỉ có ích cho trẻ mà còn giúp cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên hài hòa, tốt đẹp hơn.

Đến với Chương trình Kỷ luật tích cực, các bậc cha mẹ đã biết lắng nghe nhiều hơn, biết đặt bản thân mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ hơn, không phán xét và áp đặt trẻ, bớt đưa ra các định kiến cá nhân. Thay vì là người đưa ra mọi quyết định trong các vấn đề, thì giờ đây, cha mẹ sẽ cùng bàn bạc với trẻ để có được sự đồng thuận khi đưa ra quyết định.

Tiến sĩ Joan E. Durrant, người khởi xướng Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” đưa ra lời khuyên: Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực rất hữu ích đối với hầu hết các bậc cha mẹ.

Tuy nhiên, nếu bạn có con mắc hội chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý, thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, các bác sĩ nhi khoa hoặc điều dưỡng viên sức khỏe cộng đồng để có được phương pháp giáo dục trẻ phù hợp hơn.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/lam-sao-de-giao-duc-tre-khong-can-dung-den-bao-luc-20240412155253068.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.