• 111
  • lang
  • lang

Làm sao giúp trẻ phát triển tốt nhất trong thời đại số ngày nay?

Ngày nay không khó bắt gặp những đứa trẻ dí mắt vào những chiếc điện thoại, Ipad mà không quan tâm điều gì đang xảy ra bên ngoài. Nhưng việc cấm trẻ xem hoàn toàn thật sự là rất khó trong thời đại này. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Thật ra thời đại số mang lại cả cái được và cái mất không chỉ cho người lớn chúng ta mà cả với trẻ nhỏ. Cái được là trẻ có cơ hội tiếp cận giáo dục từ sớm, có đa dạng công cụ giao tiếp và tìm kiếm. Tuy nhiên, khi mà đơn vị gia đình thời đại ngày nay đang dần bị thu hẹp lại và thường chỉ gồm cha mẹ và con cái, khi đó các thiết bị điện tử cũng sớm và dễ dàng xen lấn vào thời gian giao tiếp, trò chuyện của các con mỗi ngày, nếu không được kiểm soát điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Cụ thể, gần đây một nghiên cứu phân tích hệ thống của gần 19.000 trẻ có độ tuổi trung bình 3-4 tuổi của TS. Madigan, ĐH Calgary, Canada đã tìm thấy những trẻ chậm nói có liên quan đến lượng thời gian sử dụng thiết bị màn hình điện tử quá nhiều.
Vậy, làm sao giúp trẻ phát triển tốt nhất trong thời đại số ngày nay?

Câu trả lời không đơn giản chỉ nằm ở việc có nên cấm hay không cấm trẻ dùng thiết bị điện tử, mà nó nằm ở khi nào là nên giới thiệu, và làm sao để cùng trẻ phát triển bền vững nhất.

Thực ra, việc giới thiệu các thiết bị điện tử có thể giới thiệu sau 18 tháng tuổi, nhưng cần giới hạn thời gian dưới 1 tiếng/ngày. Trong thời gian này, cha mẹ nên lựa chọn các chương trình mang tính giáo dục để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và quan trọng là cha mẹ nên cùng xem/chơi với trẻ để dễ quản lý thời gian trước màn hình điện tử của trẻ. Đó chỉ là 1 phần của câu trả lời, để tìm câu trả lời đầy đủ, mới đây một báo cáo dài hơn 200 trang từ UNICEF với tiêu đề “trẻ con thời đại số” đã nhấn mạnh 4 yếu tố sau:

1) Liệu đứa trẻ có đủ dinh dưỡng?

2) Liệu đứa trẻ có đủ tương tác?

3) Liệu đứa trẻ có đủ yêu thương?

4) Liệu đứa trẻ có đủ sự bảo vệ với các yếu tố gây tổn thương?

 

1, Dinh dưỡng

Đây là một số điều cần lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ

● Mẹ nên ngưng hút thuốc, uống rượu bia và thức uống có caffein 3 tháng trước mang thai

● Chế độ ăn duy trì đa dạng và đầy đủ, đặc biệt bổ sung folate trong lúc mang thai

● Cho trẻ bú mẹ sớm nhất có thể ngay từ lúc mới sinh, duy trì sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 2 tuổi nếu có thể.

● Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm (từ 6 tháng tuổi), tránh dụ dỗ hay ép bé ăn, và tránh các yếu tố sao nhãng như TV, đồ chơi hay bế rong khi ăn là khoản đầu tư cần.

● Dinh dưỡng đa dạng và kiên nhẫn giới thiệu lập lại và hạn chế các thức ăn không lành mạnh như bánh kẹo, nước ngọt, bim bim…

● Bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ, trong giai đoạn nhỏ trước 8 tuổi cũng nên giúp trẻ học và phát triển các hành vi ăn uống đúng như học nhai, ăn đa dạng rau củ quả, khám phá đa dạng mùi vị, không xem TV hay điện thoại lúc ăn, không ăn các thức ăn kém lành mạnh... vì đây là giai đoạn mà não bộ của trẻ rất linh hoạt và dễ học hỏi. Đó là những nền tảng giúp trẻ phát triển hành vi ăn uống lành mạnh sau này

2. Tương tác – yêu thương

Bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng trẻ. Khi trò chuyện, bạn khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, tương tác và nêu suy nghĩ. Lúc này trẻ sẽ học cách đáp ứng và bắt chước ngôn ngữ của bạn. Nếu bạn không có thời gian, hãy cố gắng dành ít nhất 10-20 phút mỗi tối để cùng trẻ trò chuyện vui chơi trước giờ đi ngủ. Hoạt động này gọi là Hugging time. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Có thể là đọc sách, kể chuyện vui, ca hát...Quan trọng là các hoạt động này nên diễn ra trên giường và không có màn hình điện tử.

Bên cạnh các hoạt động trên, có 3 hoạt động chơi được khuyến khích, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo có thể chơi trong hugging time là:

● Chơi tưởng tượng: Đặt vấn đề cho trẻ tưởng tượng trước khi ngủ như “nếu con là con ong thì sao nhỉ?” – phát triển vấn đề “Là con ong sẽ có cánh, thì sẽ làm gì nhỉ?”

● Chơi tượng trưng: dùng 1 vật thể để tượng trưng cho cuộc trò chuyện. VD. mẹ cho con chiếc gối nhỏ này, và đó là chiếc điện thoại, và con ngồi góc giường này, mẹ ở đây: con nói gì mẹ không nghe nhỉ?

● Chơi cổ tích: nếu nó đến cùng 1 câu chuyện thần thoại hay cổ tích từng được kể sẽ làm sống động trò chơi hơn. VD, mẹ sẽ tạo 1 chiếc đầm xinh đẹp cho công chúa bằng chiếc mềm này và chiếc gối này sẽ xây thành lâu đài…

Và kết thúc thời gian hugging time bằng cách ôm hôn và chúc con ngủ ngon.

3. Giảm thiểu các yếu tố gây tổn thương trẻ

Khi nói đến tổn thương, có thể bạn nghĩ đến tổn thương vật lý (VD, đánh), nhưng có một hình thức gây tổn thương khác gây hại không kém đến trẻ đó là những dạng tổn thương tinh thần như mắng chửi kiểu hổ báo, sự so sánh trẻ, hay sự tranh cãi của 2 vợ chồng trước mặt trẻ... Những bằng chứng cho thấy, những trẻ trải nghiệm những tổn thương này thường xuyên thường có sự phát triển não bộ nghèo nàn, dễ tổn thương và gặp nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ hoặc kém giao tiếp khi lớn.

Notes
Madigan, S., McArthur, B. A., Anhorn, C., Eirich, R., & Christakis, D. A. (2020). Associations Between Screen Use and Child Language Skills: A Systematic Review and Meta-analysis. JAMA pediatrics, 174(7), 665–675.

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061