• 111
  • lang
  • lang

Lào Cai: Tiếp nhận 843 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về

Trong giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 843 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 327 nạn nhân bị mua bán là người trong tỉnh và 516 nạn nhân là người ngoài tỉnh.

Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lào Cai khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022 trên địa bàn tỉnh (Ảnh UBND tỉnh Lào Cai).

Đây là thông tin được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai với Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, địa phương là một tỉnh vùng cao, biên giới với trên 182 km đường biên giới; có 25 dân tộc sinh sống với dân số toàn tỉnh gần 77 vạn người, trong đó 66,2% là dân tộc thiểu số.

Là tỉnh biên giới nên Lào Cai vừa là địa bàn trực tiếp vừa địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó xu hướng người dân trong và ngoài nước đến du lịch, sinh sống và làm ăn ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, tệ nạn ma túy, mại dâm. Tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn.

Đây là thách thức lớn cho các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 843 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 327 nạn nhân bị mua bán là người trong tỉnh và 516 nạn nhân là người ngoài tỉnh.

100% nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Nhà Nhân ái với công suất tiếp nhận tối đa mỗi đơn vị 30 nạn nhân/đợt.

Các cơ sở có đầy đủ các phòng chức năng, điều kiện đảm bảo việc tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán trở về.

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 2 quyết định và 3 nghị quyết nhằm hỗ trợ, bảo đảm và tạo điều kiện tốt nhất giúp các nạn nhân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước góp phần ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, yên tâm tái hòa nhập với cộng đồng.

Ngay sau khi Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011; Sở Tư pháp tổ chức lồng ghép 24 đợt trợ giúp pháp lý lưu động và 32 đợt truyền thông về địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo; thu hút được hơn 2.140 lượt người tham dự, kết hợp tuyên truyền, phổ biến về các thủ đoạn tinh vi, về hành vi, phương thức của loại tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã in ấn, phát 64.000 tờ rơi; trên 14.560 cuốn tài liệu, sổ tay về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền quảng bá số điện thoại đường dây nóng 18001567.

Các lao động đi làm việc ở nước ngoài đều được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng phòng chống mua bán người.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện thường xuyên.

Công tác phòng, chống mua bán người và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo sát sao. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được các ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh UBND tỉnh Lào Cai).

Tuy nhiên phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt; nhận thức của người dân về âm mưu, thủ đoạn của đối tượng mua bán người còn hạn chế, thiếu kiến thức về đi làm ăn xa an toàn; nạn nhân không biết cách thoát khỏi sự mua bán, mất cảnh giác nên bị kẻ xấu lợi dụng.

Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng nên gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị nên không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác, gây khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc hoặc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định còn thấp, nhiều trường hợp nạn nhân không thuộc diện hộ nghèo nên không được hỗ trợ theo quy định; trong khi địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này.

Kinh phí bố trí cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền về phòng chống mua bán người còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi nhận sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh về công tác phòng ngừa nghiệp vụ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người 10 năm qua.

Trưởng Đoàn công tác đồng thời nhấn mạnh, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn diễn biến phức tạp. Nạn nhân bị mua bán đa số là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và chủ yếu là sang Trung Quốc.

Do đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về địa phương; bố trí kinh phí phù hợp cho công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và hợp tác quốc tế...

Nguồn tham khảo:

https://dantri.com.vn/an-sinh/lao-cai-tiep-nhan-843-nan-nhan-bi-buon-ban-ra-nuoc-ngoai-tro-ve-20230327082200523.htm

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:  https: //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111  https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:  Tongdai111.vn