• 111
  • lang
  • lang

Lao động nhập cư bất hợp pháp chật vật sống ở Anh

Bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào nước Anh theo đường dây phi pháp với hy vọng đổi đời.

Một câu chuyện điển hình của người lao động nhập cư bất hợp pháp được đăng trên báo Tuổi Trẻ, được kể bởi nhân vật C., về những khó khăn trong quá trình tìm việc sau khi đến Anh được khoảng hơn ba tháng. Sau khi phải vay gần 900 triệu đồng cho tấm vé vượt biên và có chuẩn bị học nấu ăn từ quê nhà Nghệ An theo lời khuyên của bạn bè, nhưng C. vẫn chưa tìm được việc làm đầu bếp như mong muốn. Thực tế các nhà hàng Việt và chủ cửa hàng làm móng ở London hiện không dám thuê những người lao động nhập cư bất hợp pháp vì họ sẽ phải đóng phạt rất nặng nếu bị phát hiện. Chính phủ Anh đang tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết để dẹp nạn nhập cư lậu vào Anh, một trong những đích nhắm là người Việt làm chui.

Nhóm người lao động nhập cư chui thường sống chung cùng nhau, thường là đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Cuộc đời của họ tại nước Anh chỉ đơn giản là đi “cày” từ sáng đến tối mịt, kiếm tiền gửi về quê cho cha mẹ hoặc vợ con, sống được ngày nào hay ngày đó.

Một câu chuyện khác đến từ chị M. quê ở Nghệ An, chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ về việc đến Anh năm 2009 bằng con đường bất hợp pháp. Trải qua cuộc sống mưu sinh đầy bấp bênh và gian nan trên đất khách quê người, chị nghẹn ngào: “Ngày này qua ngày nọ đều giống nhau là đi làm quần quật, về nhà cố ngủ để lấy lại sức. Đau ốm tự mình phải chịu vì không có giấy tờ nên không dám đến bệnh viện. Có những lúc nghĩ đời bạc quá không muốn sống nữa, nhưng tôi lại nghĩ đến cha mẹ và những đứa em ở quê nhà". 

Đến nước Anh năm 2011, anh AM. quê ở Quảng Bình, tâm sự rằng anh đã quá mệt mỏi với cuộc đời “sống chui sống nhủi” không giấy tờ ở và muốn trở về quê đoàn tụ với cha mẹ, vợ con. "Cuộc sống của tôi chắc chắn khó khăn hơn, nhưng dù sao ở Việt Nam tôi còn có mái ấm của chính mình”. Rồi anh bật khóc.

Hình minh họa về người lao động di cư bất hợp pháp bởi Evangeline Gallangher / ProPublica

Để mồi chài người lao động tham gia con đường di cư bất hợp pháp, những kẻ môi giới đã vẽ nên những viễn cảnh tốt đẹp về các công việc ở nước Anh. Thực tế đã khiến nhiều người lao động vỡ mộng khi phải chật vật với cuộc sống không biết tiếng Anh, ít người giúp đỡ, và phải chịu đựng làm những công việc nguy hiểm để gửi tiền về trả nợ. Tuy nhiên những tấm gương này vẫn chưa thể thức tỉnh được ước mơ đổi đời của nhiều người. Không ít gia đình bất chấp những nguy cơ mà người thân phải chịu đựng khi ra đi bằng con đường bất hợp pháp. Người lao động cần nhận thức được rằng một cuộc sống bất hợp pháp sẽ mang đến nhiều thiệt thòi về tinh thần, thể xác không chỉ một vài ngày mà có thể ảnh hưởng lâu dài. Hãy chủ động tìm hiểu và cân nhắc thêm những lựa chọn an toàn hơn để bản thân không phải hối hận.

----------------------------

Nguồn tham khảo: 

https://tuoitre.vn/phan-nguoi-rom-o-anh-1330602.htm

----------------------------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616