• 111
  • lang
  • lang

Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2020

     Sáng ngày 30/7/2020,  tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An (số 6, đường Lê Mao, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2020. Tham dự lễ mít tinh có hơn 800 đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các sở, ngành tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo UBND, công an các huyện, thành, thị; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cán bộ, hội viên phụ nữ, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân tỉnh Nghệ An. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP dự và phát biểu chỉ đạo.

 Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 138/CP  dự và phát biểu chỉ đạo

     Trên bình diện thế giới, mua bán người là loại tội phạm đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ 3 sau buôn ma túy và vũ khí. Trong bối cảnh đại dịch covid-19 hiện nay, tội phạm mua bán người càng thêm phức tạp. Trong thông điệp về ngày Phòng chống mua bán người năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, tạo ra nhiều rào cản trên con đường đạt Mục tiêu phát triển bền vững và khiến hàng triệu người có nguy cơ bị mua bán vì mục đích mại dâm, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng ép và các tội phạm khác. Phụ nữ và trẻ em đã chiếm hơn 70% nạn nhân mua bán người được phát hiện và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch. Các cuộc suy thoái trước đây đã cho thấy phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm sau khủng hoảng, vì vậy đây là thời điểm cần hết sức cảnh giác”.

     Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em. Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng; việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều; một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh, đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.

      Năm 2020 là năm thứ 05 Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” nhằm cụ thể các hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam nỗ lực trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người. Hưởng ứng chủ đề phòng, chống mua bán người năm nay là “Cam kết hết mình, chung lưng cùng tuyến đầu xoá bỏ nạn mua bán người”  Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh việc thi hành các điều ước quốc tế cũng như tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động ngăn ngừa tội phạm và hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mua bán người.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc tại lễ mít-tinh

      Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân ngày càng đổi mới, phù hợp với nhận thức, trình độ của các tầng lớp nhân dân, các địa phương luôn chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại quê nhà, giảm các nguy cơ phát sinh do di cư thiếu an toàn. Các cơ quan tư pháp cũng đã đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an đã đi đầu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác điều tra tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với những đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm mua bán người trong phạm vi toàn quốc.

     Về phía mình, Hội LHPN Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát huy thế mạnh của tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức như tổ chức các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm, các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, truyền thông chung giữa các tỉnh/huyện hai bên biên giới… ; chủ động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Nổi bật là mô hình Ngôi nhà bình yên được thành lập từ năm 2007 cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, là điểm sáng về bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.

     Phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng và diễn biến tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người thời gian gần đây và kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay hành động vì một xã hội không có tội phạm mua bán người, một xã hội an toàn, lành mạnh, phát triển, bình đẳng, hạnh phúc.

     Tại lễ mít tinh, đối thoại về công tác phòng, chống mua bán người với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Công an, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cùng đẩy lùi và xóa bỏ nạn  mua bán người.

     Trước đó, cũng trong khuôn khổ Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2020, sáng ngày 29/7, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã diễn ra sự kiện truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người dành cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn.

     Thông qua hình thức “Phiên toà giả định” với sự tham gia chủ đạo của nhóm luật sư đến từ Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là ý tưởng đạo diễn mới mẻ của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - người được mệnh danh là “nữ luật sư của người nghèo” trong những vụ án đòi công lý và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em trong nhiều năm qua, hội viên, phụ nữ và nhân dân được trang bị thêm kiến thức, nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng cũng như những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người và toàn xã hội.

Ông Brett Dickson - Quyền tưởng đại diện cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại lễ mít tinh

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Lễ mít tinh.

Các đại biểu thực hiện cam kết chung tay hành động, giải quyết tận gốc vấn đề, ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người. 

Các đồng chí: Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đặng Minh Khôi – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu đi bộ hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.