• 111
  • lang
  • lang

Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè 2022.

Hướng tới ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè 2022 được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Buổi lễ do UB Quốc gia vì trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND TP Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức.

Buổi lễ có khoảng 1.200 đại biểu, trong đó có gần 700 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em tham dự.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung... đã trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 (chương trình “Nối vòng tay thương” do Trung ương Đoàn triển khai đến nay đã bảo trợ được 1.908 em); trao quà cho 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho 20 thiếu nhi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid-19 với ý nghĩa là khôi phục môi trường gia đình cho các em (ảnh: Tiến Tuấn).

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chứng kiến việc trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 (ảnh: Tiến Tuấn).

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung... đã trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 (chương trình “Nối vòng tay thương” do Trung ương Đoàn triển khai đến nay đã bảo trợ được 1.908 em); trao quà cho 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho 20 thiếu nhi.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Anh Xuân tặng quà, thiết bị học tập cho nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ảnh: Tiến Tuấn).

Ban Tổ chức cho biết, trong khuôn khổ chương trình phát động Tháng hành động “Vì trẻ em” và Khai mạc hè năm 2022, chiều ngày 30/5, tại trụ sở cơ quan Trung ương Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức gặp mặt 20 em thiếu nhi đại diện cho 160 em được nhận bảo trợ trong đợt 4 của chương trình tại các địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang và TPHCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới người đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (ảnh: Tiến Tuấn).

Bên cạnh chương trình gặp mặt, trao tặng quà cho các em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức cho các em vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và giao lưu, tìm hiểu một số hoạt động văn hóa tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tới tay từng em nhỏ ngồi trên ghế dự khán (ảnh: Tiến Tuấn).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà tới tay từng em nhỏ ngồi trên ghế dự khán (ảnh: Tiến Tuấn).

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt năm nay, khi hàng chục triệu trẻ nhỏ vừa phải trải qua giai đoạn rất khó khăn của đại dịch Covid-19.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc 700 thiếu niên, nhi đồng có mặt đại diện tại buổi lễ và 25 triệu trẻ em trên toàn quốc cùng gia đình, các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, các cháu một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, vui tươi, bổ ích.

“Chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước. Bác căn dặn: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”- Thủ tướng nói.

Ông nhận định, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bản Hiến pháp Việt Nam ngay từ năm 1959 cho đến nay đều có nội dung về trẻ em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Thủ tướng khẳng định, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine và hiện đang tích cực triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các cháu từ 5-12 tuổi.

Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội rất quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực.

“Tháng 5 vừa qua, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc đánh giá cao những chủ trương, chính sách của Việt Nam về chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia”- Thủ tướng nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương; trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nói chung.

Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Thủ tướng cho rằng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước và tất cả chúng ta đã cố gắng nhưng không hết trăn trở, day dứt khi vẫn còn một số cháu phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu Covid 19 vẫn còn xảy ra trong xã hội.

Để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội.

“Mỗi cá nhân trong cộng đồng có ý thức trách nhiệm với trẻ em thì điều tốt đẹp hơn sẽ đến với các em. Tôi muốn nêu vấn đề này vì chỉ giải quyết được vấn đề khi chúng ta tìm được nguyên nhân, giải pháp và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em”- ông nói.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội.

Đối với gia đình, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi, mỗi gia đình hãy là “ngôi nhà xanh” hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Thực tế nhiều cháu đã bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, do chính người thân gây ra. Gia đình quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch Covid 19, tránh gây áp lực cho các em.

Đối với nhà trường, Thủ tướng mong mỏi, đó là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó các cháu không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn.

“Thậm chí đã có lần tôi nói cần cải thiện lại hệ thống nhà vệ sinh của trường học để các cháu được hưởng môi trường sạch sẽ. Hay nhà trường cần chú ý đến tâm lý, vấn an và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch Covid-19 vì các cháu đã học online quá lâu, tiếp xúc bạn bè bị hạn chế”- Thủ tướng nói.

Đối với xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cụm từ “trách nhiệm và yêu thương trẻ”. Đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em. Đối với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, nhân ái… Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục đào tạo nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi cho trẻ em…

Chương trình văn nghệ tại lễ phát động do chính các em thiếu nhi biểu diễn (ảnh: Tiến Tuấn).

Thủ tướng nhắc Bộ LĐ-TB&XH chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em ảnh hưởng dịch Covid-19. Bộ Y tế nghiên cứu và có hướng dẫn về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ em, sớm hoàn thành việc tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho trẻ em, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các hiệp hội để có những chính sách bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, lưu ý trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

“Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến trẻ em cần đặt sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ lên hàng đầu. Để tạo “môi trường xanh” phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ, tôi kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng nói ông biết trong hội trường hôm nay và rất nhiều cháu trên toàn quốc đã vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của dịch Covid-19, nỗ lực vượt lên chính mình đạt các danh hiệu “con ngoan, trò giỏi”, “cháu ngoan Bác Hồ”.

“Bác biết, các cháu đã rất khó khăn do phải học trực tuyến, không được gặp bạn bè, thầy cô, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hơn do thu nhập bị sụt giảm…Vượt qua tất cả, Bác tin hơn 25 triệu cháu hiểu được tấm lòng của gia đình, thầy cô, và sự quan tâm của xã hội để luôn cố gắng thực hiện khát vọng, giấc mơ của riêng mình… để không phụ tình yêu thương và trách nhiệm đó, để trở thành những người con, học trò, công dân có trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội”- Thủ tướng tâm sự.

Thủ tướng nhấn mạnh với các bộ ngành, địa phương: Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Phát biểu phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em được phát động hằng năm mở đầu những ngày hè vui, bổ ích của trẻ em cả nước và đợt cao điểm dành mọi quan tâm chăm lo cho trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn để các em có cơ hội bình đẳng như bao trẻ em khác.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ý nghĩa hơn vì sau rất nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19, trẻ em lại được trở lại trường học, gặp mặt thầy cô giáo, bạn bè thân thương; lại có mùa hè hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Việc phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” là bước khởi động cho những hành động khắc phục những tác động lâu dài của đại dịch đến hàng triệu trẻ em đồng thời tập trung những nỗ lực để bảo đảm về đích các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào năm 2025 và 2030 như Đại hội Đảng lần thứ 13 và Chiến lược phát triển trẻ em của Chính phủ.

Bộ trưởng khái quát, là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tham mưu, ban hành chương trình, chính sách, điều phối, phối hợp thực hiện quyền trẻ em, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia vì trẻ em trong thực hiện quyền trẻ em, phê duyệt các chính sách, chương trình, đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến 2030; kiên trì phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án đã ban hành.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cũng như lâu dài cho trẻ em bị nhiễm Covid-19, trẻ em nguy cơ nhiễm, trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ sơ sinh là con của sản phụ nhiễm Covid-19.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, sự chung tay của toàn xã hội, công tác trẻ em được quan tâm toàn diện, trẻ em mồ côi do đại dịch được sống trong môi trường gia đình; học sinh được hỗ trợ các phương tiện, giải pháp bảo đảm quyền học tập; triển khai tốt việc chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19; khẩn trương tiêm chủng vaccine cho trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho các em.

Trên lĩnh vực bảo vệ trẻ em, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, cả nước đã tập trung thực hiện nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng.

Về thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều mô hình, phương thức, giải pháp sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19, như: Kết nối 24/7 qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, lồng ghép trong học trực tuyến, tổ chức các cuộc thi trực tuyến dành cho trẻ em, các buổi truyền hình trực tiếp tham vấn, tư vấn cho cha mẹ và trẻ em qua môi trường mạng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều khoảng trống và hạn chế về nhận thức và trách nhiệm trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cần phải giải quyết cấp bách, quyết liệt cũng như căn cơ, lâu dài. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, kỹ năng, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần sự chung tay, đồng lòng trong cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân vì hạnh phúc của các em cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người lớn, mỗi gia đình chúng ta.

“Thông qua Tháng hành động này, mỗi bậc cha, mẹ, ông, bà, mỗi gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho con em mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em” - ông nói.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh yêu cầu cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện (ảnh: Tiến Tuấn).

Theo Bộ trưởng, mỗi cá nhân và cộng đồng hãy lên tiếng, tích cực phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng. Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt xâm hại trẻ em, phải được các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở xử lý kịp thời nhất, nghiêm minh nhất và bảo đảm hỗ trợ vì các lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Hơn lúc nào hết, từng bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sự nỗ lực nhiều hơn, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ và kịp thời các chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề về trẻ em.

“Chúng ta cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, được chăm sóc, nuôi dưỡng và được hưởng đầy đủ các quyền của mình... Tôi tin tưởng với quyết tâm của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương, gia đình và toàn xã hội, trẻ em Việt Nam sẽ có một tương lai tốt đẹp, bền vững”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng.

Cuối cùng, Bộ trưởng hi vọng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 sẽ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Ông chúc các cháu thiếu niên, nhi đồng có một mùa hè an toàn, vui tươi, bổ ích.

Dự lễ phát động có 1.200 đại biểu, trong đó có gần 700 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trên khắp cả nước.

Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước có mặt, tham dự buổi lễ, thể hiện sự ưu tiên quan tâm, chăm sóc dành cho thiếu niên, nhi đồng, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến hội trường từ sớm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH... cũng có mặt trước giờ khai mạc chương trình.

Cụ thể, tới dự lễ phát động có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Chu Ngọc Anh, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Rana Flowers…

Trên khu vực bàn danh dự, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn có nhiều đại biểu là các Ủy viên Trung ương Đảng tham dự chương trình. Đó là đại diện các đơn vị tổ chức, lãnh đạo các cơ quan chuyên trách bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng...

Trước khi tới dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và Khai mạc hè năm 2022, các lãnh đạo đã đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân nhi đang điều trị Trung tâm Ung thư và các bệnh nhân nhi đang điều trị sức khỏe tâm lý hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước đó, trong khuôn khổ chương trình phát động Tháng hành động “Vì trẻ em” và Khai mạc hè năm 2022, chiều ngày 30/5/2022, tại trụ sở cơ quan Trung ương Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức gặp mặt 20 em thiếu nhi đại diện cho 160 em được nhận bảo trợ trong đợt 4 của chương trình tại các địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh chương trình gặp mặt, trao tặng quà cho các em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức cho các em vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và giao lưu, tìm hiểu một số hoạt động văn hóa tại Hà Nội.

Tháng hành động vì trẻ em là hoạt động thường niên đã được quy định tại Điều 11, luật Trẻ em. Điều luật nêu rõ, tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em".

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề: "Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hà Nội thăm, tặng quà các em học sinh tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội ngày 31/5 (ảnh: Giáp Tống).

Hướng tới dịp Tết Thiếu nhi cũng như Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành chức năng đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo thế hệ mầm non đất nước.

Trong ngày 31/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tới thăm, tặng quà tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm hỏi, tặng quà bệnh nhi đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có lịch trình dự kiến thăm các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương trước khi tham dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em trong tối cùng ngày…

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616