Trong bối cảnh sự hiện diện của công nghệ và thiết bị thông minh ngày càng gia tăng, việc có cái nhìn bao quát và toàn diện về vấn đề dụ dỗ để trở thành nạn nhân mua bán người trực tuyến, thông qua các mạng xã hội cần được xem trọng hơn. Một trong những bước quan trọng khi tìm hiểu và ngăn chặn tội ác trực tuyến này đó chính là hiểu được cách mạng xã hội vô tình đã kết nối, tuyển dụng và hỗ trợ cuộc mua bán vô nhân đạo như thế nào.
Những tên tội phạm này luôn là bậc thầy thao túng, chúng có khả năng nắm bắt được các điểm yếu của nạn nhân và sử dụng chiêu trò để kiểm soát được nạn nhân theo ý muốn. Mạng xã hội và các ứng dụng kết bạn vô tình trở thành công cụ hữu ích để chúng đi săn mồi. Nạn nhân thường tiết lộ thông tin quan trọng, thể hiện cảm xúc hay trò chuyện với người lạ qua mạng xã hội mà không hay biết bản thân đang bị kẻ xấu nhắm đến.
Cũng giống như nhiều kẻ dụ dỗ khác, tội phạm mua bán người sẽ cố gắng tạo mối quan hệ thật gần gũi, thân thuộc với nạn nhân để có thể tiến hành dụ dỗ khi nạn nhân không còn khả năng phản kháng. Tội phạm mua bán người sẽ tìm hiểu thông tin thật kỹ về nạn nhân mục tiêu, cho nạn nhân thấy chúng rất thấu hiểu mình, khác hẳn những người khác, khiến nạn nhân cảm thấy mình được trân trọng, có thể dựa dẫm và tin tưởng.
Công nghệ cũng hỗ trợ tội phạm dễ dàng nấp sau lưng các loại quảng cáo trực tuyến để tuyển dụng được những nạn nhân tiềm năng: thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, thiếu tình thương, không có cảm giác an toàn… Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến cũng giúp nhóm tội phạm này tìm đến được những người mua tiềm năng, những kẻ săn đón mặt hàng "người" cho nhiều mục đích.
Dưới đây là miêu tả chung về những điểm thuận lợi mà nhóm tội phạm sẽ tận dụng từ mạng xã hội và Internet
1. Tội phạm mua bán người dễ dàng tiếp cận nạn nhân trực tuyến: Trong quá khứ, nhóm tội phạm cần mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các thông tin về nạn nhân. Nhưng mạng xã hội xuất hiện và trở nên phổ biến, cho phép nhóm tội phạm dễ dàng tiếp cận nạn nhân mục tiêu với nhiều nguy cơ dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em có thể chia sẻ một cách vô tư trên mạng xã hội nếu thiếu sự chú ý từ phụ huynh, thiếu hướng dẫn về cách sử dụng các ứng dụng kết bạn và môi trường Internet. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp người lớn cũng vô tư chia sẻ thông tin về con trẻ quá nhiều trên mạng xã hội, cũng vô tình cung cấp thông tin miễn phí cho nhóm tội phạm này.
2. Dụ dỗ trực tuyến: Nhóm tội phạm rất biết cách cho nạn nhân thấy chúng có thể đáp ứng những mong đợi về mặt tinh thần, thậm chí là vật chất của nạn nhân để nạn nhân hoàn toàn tin tưởng, dựa dẫm, phụ thuộc vào chúng. Bằng cách cho thấy sự thấu hiểu, đồng cảm, ân cần giả tạo, nhóm tội phạm này có thể thuyết phục, dắt mũi, kiểm soát những nạn nhân thiếu cảnh giác. Từ đây, mối liên hệ giữa 2 bên sẽ bị biến chất thành 1 bên có khả năng kiểm soát, bên còn lại bị kiểm soát.
3. Thiết lập mối quan hệ nhanh chóng: Những công cụ trong mạng xã hội vô tình trở nên hữu dụng cho nhóm tội phạm che giấu ý đồ xấu xa, khoác lên mình hình tượng mới để tạo mối quan hệ thân thiết với nạn nhân mục tiêu dễ dàng. Mối quan hệ trực tuyến này càng trở nên thân thiết hơn qua những lần trò chuyện với nạn nhân, khiến nạn nhân càng lọt sâu hơn vào cái bẫy của nhóm tội phạm vì tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân và điểm yếu của bản thân, gia đình.
4. Dễ dàng xoá dấu vết tồn tại của tài khoản trực tuyến và đồng thời xây dựng được tài khoản mới với hình tượng khác: Chính khả năng này của mạng xã hội giúp nhóm tội phạm che dấu danh tính thật, ẩn nấp giữa hàng chục triệu tài khoản đang tồn tại và trốn tránh được sự truy đuổi của các cơ quan an ninh hoặc sự tìm hiểu của bất kỳ ai. Một số bạn nhỏ cũng biết cách tạo thêm một tài khoản với profile hoàn toàn khác để gia đình, bạn bè thân quen không biết đến. Thông qua chính những tài khoản này mà nạn nhân là trẻ em có thể bị dụ dỗ và xâm hại.
5. Không cần thiết phải gặp mặt nạn nhân mục tiêu để khiến họ trở thành nạn nhân mua bán người thực sự: Công nghệ và mạng xã hội trở thành công cụ giúp nhóm tội phạm có thể làm quen, thuyết phục và điều khiển nạn nhân, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào chúng muốn, dễ dàng ẩn danh, khó truy tìm danh tính thật.
6. Thiết lập các mối liên hệ, tuyển dụng và đăng bán: Mạng Internet đã thay đổi chóng mặt cách con người mua bán nhiều loại hàng hoá, trong đó có cả con người. Những nạn nhân của mua bán người được đăng thông tin trên nhiều diễn đàn, website, thậm chí bị quảng cáo trên mạng xã hội để nhóm tội phạm có thể tìm được nhiều khách hàng mục tiêu.
Mời theo dõi phần tiếp theo.
------------
Nguồn tham khảo:
https://www.utoledo.edu/hhs/htsji/pdfs/smr.pdf
https://polarisproject.org/human-trafficking-and-social-media/
------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616