Năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến, tiếp nhận 1.651 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài. Tổng đài đã tư vấn 35.385 ca (tăng 5.878 ca so với năm 2020); hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca (gồm 1.033 ca tiếp nhận qua điện thoại, 194 ca thông tin từ báo chí, mạng xã hội; 09 ca qua đường công văn; 21 ca người dân gửi đơn thư tới).
MỘT SỐ CA ĐIỂN HÌNH KẾT NỐI, CAN THIỆP TRONG NĂM 2021 CỦA TỔNG ĐÀI QUỐC GIA BẢO VỀ TRẺ EM 111.
1) Các ca kết nối can thiệp trực tiếp từ Tổng đài (1.033 ca)
Anh N.V.T (chú họ) gọi đến Tổng đài trình báo cháu N.V.B (học lớp 8) ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa bị bà Tám ở cùng thôn nghi ngờ cháu lấy trộm tiền nên 4h30 sáng ngày 23/9/2021 khi bố cháu đi biển, mẹ cháu đi chăm em ở bệnh viện, cháu ở nhà một mình, bà Tám đã đến nhà ép cháu lên xe bắt về nhà mình và báo công an là cháu lấy trộm tiền. Anh Thọ, Công an viên đã bắt cháu đưa lên trụ sở công an thị xã. Tại trụ sở công an cháu cho biết đã bị anh Thọ đánh và ép phải khai nhận là lấy trộm. Công an đã nhốt cháu đến 7h sáng mà không thông báo cho người nhà biết. Sau đó người nhà nghe được thông tin nên mới ra UBND thị xã để tìm hiểu sự việc, đón cháu về và đưa đi bệnh viện vì trên người cháu có nhiều thương tích, tâm lý hoảng loạn, người run rẩy. Sau khi Tổng đài kết nối về địa phương, Phòng LĐTBXH thị xã Nghi Sơn đã đến viện thăm cháu và hỗ trợ 1 triệu đồng trích từ nguồn quỹ hỗ trợ đột xuất của UBND thị xã. Theo bệnh án của bệnh viện cháu bị tổn thương đầu, tai, bụng, nghi do bị đánh. Ngày 5/10/2021 cháu được ra viện, nhưng sau đó lại thấy đau ngực nên gia đình đưa đi khám ở viện Nhi Thanh Hóa kết luận cháu bị đau ngực không đặc hiệu. Địa phương tiếp tục đến thăm và hỗ trợ tâm lý cho cháu. Cháu đã đi học trở lại. Công an huyện đang điều tra sự việc. 24/11/2021 Tổng đài nhận được đơn thư của gia đình đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng truy tố hình sự đối với đối tượng. Tổng đài tiếp tục theo dõi ca.
Người dân gọi đến Tổng đài thông báo về trường hợp cháu V.Y.N (sinh năm 2006) ở huyện Quốc Oai, Hà Nội bị bạn trai của mẹ xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Cháu được người bác đưa đến bệnh viện phụ sản Hà Nội để phá thai. Gia đình chưa làm đơn trình báo lên cơ quan công an vì người mẹ sợ mang tiếng. Ngay sau khi nhận thông tin, Tổng đài đã kết nối với Công an phường Ngọc Khánh và Trung tâm CTXH Hà Nội đề nghị xác minh và có biện pháp hỗ trợ cho trẻ theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP. Công an phường Ngọc Khánh đã đến bệnh viện làm việc với trẻ và gia đình, đồng thời thông báo về địa phương (nơi trẻ sinh sống). Trung tâm CTXH Hà Nội đã làm việc với phòng CTXH của bệnh viện tìm hiểu nhu cầu và hỗ trợ cho trẻ trong thời gian trẻ điều trị ở bệnh viện, đồng thời kết nối thăm hỏi, động viên trẻ và gia đình; tư vấn giúp trẻ ổn định tâm lý; tư vấn thủ tục pháp lý cho gia đình trẻ. Hiện tại, trẻ đã phá thai và xuất viện về nhà. Tâm lý, sức khỏe trẻ ổn định, đã quay trở lại học online. Gia đình trẻ chưa có nhu cầu hỗ trợ nên địa phương đã phân công cán bộ lập hồ sơ theo dõi và lên kế hoach can thiệp hỗ trợ trong trường hợp gia đình trẻ có nhu cầu. Thủ phạm đã chết do tự tử.
2) Kết nối can thiệp qua báo chí, internet (194 ca)
Báo Mới đưa tin về trường hợp cháu L.H.B (5 tuổi) ở huyện Củ Chi, T.P.Hồ Chí Minh bị nhiễm Covid-19 đang điều trị tại khu cách ly tập trung, trong thời gian cách ly cháu bị bỏng do bố nấu nước xông hơi cho cháu. Gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện đa khoa huyện Củ Chi điều trị. Cháu đã xuất viện và tiếp tục điều trị ở khu cách ly tập trung tại một trường Tiểu học ở huyện Củ Chi. Gia đình rất khó khăn và cần tiền để điều trị cho cháu. Tổng đài đã kết nối với UBND xã, Phòng LĐTBXH huyện Củ Chi đề nghị xác minh thông tin và có biện pháp hỗ trợ cho cháu B. UBND xã Tân Phú hỗ trợ 1 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em địa phương, Phòng LĐTBXH huyện Củ Chi hỗ trợ 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Tổng đài cũng đã kết nối đến tổ chức GNI để hỗ trợ cho cháu và gia đình 5 triệu đồng. Hiện tại, tâm lý và sức khỏe cháu B đã ổn định. Gia đình cảm ơn Tổng đài, các tổ chức và địa phương đã quan tâm hỗ trợ.
3) Kết nối can thiệp qua công văn, đơn thư (30 ca)
Bộ Tư Pháp gửi công văn số 2711/BTP-PLQT ngày 11/8/2021 và Công hàm số VN0212 ngày 12/7/2021 của Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam đề nghị Cục Trẻ em xác minh thông tin liên quan đến trẻ em có Quốc tịch Đài Bắc đang sinh sống tại Việt Nam. Cháu gái H.Y.T (sinh năm 2015) là con đẻ của công dân Đài Loan là ông H.J.H và mẹ đẻ là công dân Việt Nam là bà N.T.T ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Người mẹ mang trẻ về Việt Nam giao cho bà ngoại nuôi dưỡng vào năm 2017 sau đó quay lại Đài Loan sinh sống và làm việc. Tháng 4/2020 Tòa án địa phương TP.Tân Bắc, Đài Loan ra phán quyết li hôn, ông H được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, tuy nhiên người mẹ không có ý định giao con cho ông H nuôi dưỡng. Ông H đã đề nghị cơ quan chức năng của Đài Loan phối hợp với cơ quan chức năng tại Việt Nam hỗ trợ tìm hiểu tình hình hiện tại của trẻ tại Việt Nam, đồng thời mong muốn đưa con gái về Đài Loan. Tổng đài đã kết nối với UBND xã và Trung tâm CTXH Nghệ An đề nghị xác minh thông tin và có biện pháp hỗ trợ. Hiện tại, trẻ đang ở cùng ông bà ngoại, điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Tình trạng tâm lý, sức khỏe của trẻ ổn định và được chăm sóc tốt. Trẻ đã có giấy khai sinh và có 2 quốc tịch là Quốc tịch Việt Nam và Quốc tịch Đài Loan. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người mẹ chưa về đón trẻ được. Người mẹ cũng muốn thay đổi quyền nuôi con nhưng chưa được do chưa đủ điều kiện về kinh tế.
Nguồn: Báo cáo hoạt động Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 năm 2021.
-------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061
+ Website Tổng đài 111 Tongdai111.vn