• 111
  • lang
  • lang

Một số câu hỏi - đáp về Quyền trẻ em.

Tôn trọng và thực hiện quyền trẻ em là trách nhiệm của mọi gia đình và của toàn xã hội. Để hiểu rõ hơn về Quyền trẻ em, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số nội dung về Quyền trẻ em.

Người lớn và trẻ em có giống nhau không?

Trẻ em và người lớn giống nhau ở chỗ họ đều là con người, họ đều có chung những đặc điểm là yêu thương, giúp đỡ mọi người, tích cực học tập, lao động cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ cùng có các khả năng như làm việc sáng tao, đóng góp sức lực và trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. 

Tuy vậy, người lớn và trẻ em cũng khác nhau nhiểu. Trẻ em là những người dưới 16 tuổi (Luật trẻ em 2016) đang trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Các em cần sự chăm sóc, giúp đỡ và hướng dẫn của người lớn trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

Nhu cầu của người lớn và trẻ em có như nhau không?

Có, là con người, cả trẻ em và người lớn đều có các nhu cầu như nhau về vật chất như ăn, mặc, ở, học tập, lao động, nhu cầu về tinh thần như: vui chơi, giải tri, và cần sự yêu thương, đùm bọc của người thân.

Nhưng, vì trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý, tình cảm, thiếu kinh nghiệm sống nên sự phát triển của các em phần lớn phụ thuộc vào sự chăm sóc, nuôi nấng dạy bảo của người lớn.

Quyền trẻ em là gì? Tại sao lại phải tôn trọng quyền của trẻ em?

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên Tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình.

Quyền trẻ em là một bộ phận không thể thiếu của quyền con người.

Quyền của trẻ em có giống quyền của người lớn không?

Có, vì trẻ em cũng là con người, là thành viên của xã hội, là công dân của đất nước nên các em có quyền được hưởng các quyền mà người lớn có.

Tuy nhiên, vì trẻ em còn non nớt cả về thể chất, trí tuệ nên có một số quyền chưa được hưởng đầy đủ và phải dựa vào người lớn. Ví dụ, trẻ em dưới 1 tuổi không thể tự do đi lại; trẻ em chưa được phép tham gia bầu cử..

Người lớn, trước hết là cha mẹ, có trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em được pháp luật qui định. Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn do còn non nớt về thể lực, trí tuệ để xử lí các tình huống và để tự bảo vệ bản thân. Hơn nữa, trẻ em có những nhu cầu đặc biệt của lứa tuổi nên quyền được bảo vệ đặc biệt là chính đáng và cần thiết đối với trẻ.

Trẻ em làm việc giúp đỡ cha mẹ là đúng hay sai? 

 Trẻ em sẽ được bảo vệ khỏi bóc lột về kinh tế và lao động nặng nhọc một khi nó có hại hay ảnh hưởng tới việc học tập và phát triển bình thường của các em. Quyền trẻ em không ngăn cản cha mẹ yêu cầu con con cái giúp đỡ các công việc gia đình, nhưng công việc đó phải an toàn và phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Công việc mà trẻ tham gia không được ảnh hưởng đến bất cứ một quyền nào khác; đặc biệt quyền được học tập, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí.

Khi đảm bảo được những yêu cầu trên, trẻ tham gia giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà hay sản xuất, kinh doanh có thể là một phương pháp giáo dục trẻ em về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cha mẹ và gia đình.

Khi trẻ em mắc lỗi, cha mẹ có quyền được đanh đập, trừng phạt hay không?

Trẻ em cần được bảo vệ không bị các hình thức bạo lực và đối xử tàn nhẫn về thể xác và tinh thần. Do đó, cha mẹ hay bất cứ người nào khác đều không có quyền đánh đập, trừng phạt hoặc xúc phạm đến nhân phẩm và thân thể trẻ.

Có nhiều phương pháp giáo dục trẻ không mang tính bạo lực, phù hợp với nhận thức và có tính đến quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Những hình thức như vậy có hiệu quả, giúp trẻ em biết cách ứng xử như thế nào để đáp ứng sự mong mỏi của gia đình và xã hội.

Tôn trọng và thực hiện quyền trẻ em là trách nhiệm của mọi gia đình và của toàn xã hội.

Để được hỗ trợ trong việc hiểu và thực hiện quyền trẻ em, chúng ta hãy ghi nhớ các địa chỉ sau:

  • Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - tổng đài hoạt động 24/7, hoàn toàn miễn phí.
  • Đường dây nóng: Cảnh sát 113.
  • Trung tâm Công tác xã hội trẻ em các tỉnh / thành phố.
  • Phòng trẻ em Trực thuộc các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tình / thành phố.
  • Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận/huyện.
  • Công an các tỉnh địa phương gần nhất.
  • Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

----

Nguồn tham khảo: Những điều cha mẹ cần biết về Quyền trẻ em - Unicef

----