• 111
  • lang
  • lang

Một số dấu hiệu trẻ đang gặp phải bạo lực mạng và cách hỗ trợ kịp thời (Phần 1)

Bạo lực mạng cũng có tác động tiêu cực không kém gì bạo lực thân thể, nhất là với trẻ em. Những đứa trẻ có lối suy nghĩ hoặc cách học, giao tiếp khác biệt có thể có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực mạng hơn những trẻ khác. Khi bị vướng vào bạo lực mạng, trẻ có thể không chủ động nói chuyện với cha mẹ. Nhưng qua một vài dấu hiệu nhất định, cha mẹ có thể nhận ra được con trẻ có đang bị tấn công trên mạng hay không.

1/ Vậy bạo lực mạng là gì?

Bạo lực mạng/bắt nạt mạng (cyber bullying) hay quấy rối mạng (cyber harassment) là một hình thức bắt nạt, quấy rối thông qua phương tiện điện tử. Khi lĩnh vực kỹ thuật số ngày càng phát triển, tình trạng bạo lực mạng xảy ra ở đối tượng thanh thiếu niên ngày càng tăng. Hành vi bắt nạt này bao gồm đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân và cả dùng từ ngữ thù ghét dán nhãn cho đối tượng. Những hành vi bắt nạt này được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an và có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.

Theo báo Tuổi Trẻ online, văn minh trên mạng là lĩnh vực khó kiểm soát bằng luật pháp, tương tự các lĩnh vực khó xác định hành vi như quấy rối tình dục hay bạo lực trong gia đình. Bởi vậy, theo nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang, giải pháp chính hiện nay vẫn là giáo dục. "Từ nhỏ, trẻ em cần được giáo dục để lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng sự khác biệt và luôn tâm niệm mình không độc quyền sự thật. Đáng tiếc, nhiều cha mẹ và thầy cô giáo không phải là tấm gương tốt trong chuyện này".

Tác giả Nguyễn Quốc Vương cũng nêu ý  kiến trên Tuổi Trẻ online rằng "Khả năng ẩn danh của Internet và giao tiếp cách mặt (tạo cảm giác an toàn và vô trách nhiệm giả tạo) đã kích hoạt sự hung hãn phi chuẩn mực nói trên".

Giáo dục Internet trong trường học nên được coi trọng hơn thay vì trẻ chỉ được nhắc nhở bởi cha mẹ. Khi nhiều người dùng Internet lành mạnh, họ sẽ làm ra các nội dung lành mạnh, lấn át nội dung xấu.

2/ Các dấu hiệu cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ đang bị bắt nạt trên mạng:

Vì nhiều trẻ có xu hướng che giấu việc bị bắt nạt, nên việc cha mẹ có thể nhận ra được các biểu hiện bất thường sẽ rất quan trọng, vì cha mẹ biết được càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm khả năng bị tổn thương nghiêm trọng. Con trẻ có thể đang là đối tượng bị tấn công, bắt nạt trên mạng nếu trẻ:

- Đột nhiên ngừng sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử, đồ công nghệ dù trước đó trẻ rất thích dùng chúng

- Hoặc trẻ sẽ chỉ dùng máy tính hay thiết bị điện tử ở chỗ cha mẹ không thể thấy được 

- Khi cha mẹ đến gần hoặc đi ngang lúc trẻ đang dùng máy tính hoặc điện thoại, trẻ liền lập tức tắt màn hình.

- Khi con trẻ đột nhiên nhận được tin nhắn, email, chúng liền trở nên lo lắng, giật mình, bồn chồn.

- Con trẻ ám chỉ việc bị bắt nạt bằng cách nói những câu như "trong trường con có nhiều chuyện kịch tích lắm ạ" hoặc "con không có ai chơi cùng cả".

- Nhiều lúc trẻ không muốn phải đến trường hoặc tỏ ra khó chịu, dè dặt khi đến lúc đi học.

- Đột nhiên trẻ trở nên tách biệt khỏi gia đình và nhóm bạn bè xung quanh trẻ 

3/ Tại sao một số trẻ không dám kể cho cha mẹ nghe về việc bị bạo lực trên mạng?

Không phải trẻ nào cũng sẽ kể cho cha mẹ nghe về chuyện chúng đang bị bắt nạt, cụ thể là bắt nạt trên mạng. Hoặc thậm chí, trẻ không biết những hành vi đó là hành vi bắt nạt trên mạng. Do đó, cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn về cách ứng xử văn minh và dấu hiệu của bắt nạt trên mạng để trẻ có thể báo ngay cho cha mẹ: có ai đó lan truyền tin đồn về con, dùng hình ảnh con làm ảnh đại diện của họ và tự nhận là con, hoặc ai đó gửi tin nhắn chửi bới, trách mắng con về những chuyện con không làm.

Cũng có trường hợp, trẻ biết rằng bản thân đang bị bắt nạt trên mạng và trẻ bối rối khi không biết giải quyết tình huống này như thế nào. Trẻ nghĩ thay vì nói với bố mẹ hoặc kể cho bạn bè nghe, trẻ quyết định im lặng và tự tìm cách xử lý. Trẻ lo sợ nếu trẻ lên tiếng, những kẻ bắt nạt có thể làm ra chuyện kinh khủng hơn. Hoặc thậm chí, trẻ lại nghĩ mình đang có được sự chú ý, dù là tiêu cực, còn hay hơn là không ai để ý đến trẻ.

Ngoài ra, trẻ cũng lo sợ nếu phải tạm dừng dùng internet hay các thiết bị công nghệ thông minh. Các con lo rằng cha mẹ sau khi biết được việc mình bị bắt nạt trên mạng sẽ tạm thời thu lại điện thoại và máy tính hoặc hạn chế việc sử dụng trong ngày.

-------------

Nguồn tham khảo:  

https://tuoitre.vn/mang-xa-hoi-dang-dan-tro-thanh-noi-cua-bao-luc-va-rui-ro-20200224112347956.htm

https://www.understood.org/en/friends-feelings/child-social-situations/online-activities-social-media/how-to-tell-if-your-child-is-being-bullied-online

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616