• 111
  • lang
  • lang

Một số dấu hiệu trẻ đang gặp phải bạo lực mạng và cách hỗ trợ kịp thời (Phần 2)

Khi bị vướng vào bạo lực mạng, trẻ có thể không chủ động nói chuyện với cha mẹ. Nhưng qua một vài dấu hiệu nhất định, cha mẹ có thể nhận ra được con trẻ có đang bị tấn công trên mạng hay không.

Nguyên nhân đằng sau bạo lực mạng

Bạo lực mạng xảy ra có những nguyên nhân nằm sau đó. Có thể dễ dàng thấy được, các trường hợp bạo lực mạng xảy ra càng nhiều bởi người bạo lực không lo sợ danh tính của bản thân bị bại lộ, công kích người khác sau màn hình, qua bàn phím khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Tuy nhiên, không phải tự nhiên lại đi công kích người khác, đúng không? Theo trang Very well family, nguyên nhân sâu xa có thể bao gồm một số điều sau:

+ Hình thức "trả đòn" gián tiếp: Một số người khi bị cuộc sống dồn ép, mỗi ngày đều chật vật, vất vả để sống hoặc bản thân từng trải qua sự bắt nạt để lại ám ảnh tâm lý, họ có xu hướng trút sự giận dữ của bản thân lên người khác, bao gồm những đối tượng đã gián tiếp làm tổn thương họ. Bởi vì cuộc sống của họ đã quá khổ sở, họ chọn biện pháp tiêu cực, muốn người khác cũng phải chịu khổ giống mình.

+ Khao khát "quyền lực": Đối tượng này luôn có suy nghĩ bản thân luôn đúng, họ tự cho mình cái quyền chỉ trích người khác, quyền phán xét đúng sai hoặc đôi khi họ cho rằng những nạn nhân đáng phải chịu đựng những điều đó. Bên cạnh đó, một số người bạo lực mạng mang theo tâm lý "Ai cũng vậy. Mình không làm người khác cũng làm" và ngang nhiên thực hiện hành vi đó.

+ Trò tiêu khiển mạng: Có một số người lại không ý thức được việc công kích người khác qua mạng sẽ gây tổn thương tinh thần một người nhiều đến thế nào. Ở phương diện là người công kích, cũng như những kẻ bắt nạt khác, họ cho rằng việc này là một trò tiêu khiển, tạo drama và tìm kiếm sự chú ý. Có thể do trong cuộc sống những người này quá mờ nhạt, không được quan tâm để ý nên việc "chửi bới" một ai đó và được để ý khiến họ có cảm giác thành công.

 

Tác động của bạo lực mạng với sức khỏe tinh thần

Một nghiên cứu Sức khỏe trẻ em (Kidshealth) thực hiện năm 2012 cho thấy tác động tiêu cực của bạo lực mạng lên sức khỏe tinh thần của những người trẻ, kể cả trẻ em, là không hề nhỏ. Nạn nhân phải hứng chịu sự phủ nhận của một nhóm người trong thời gian dài, kéo theo đó là cảm giác cô độc, tách biệt xã hội, tự tôn sụt giảm và trầm cảm. Những hệ quả của bạo lực mạng gồm có:

+ Rối loạn liên quan căng thẳng: Những người là nạn nhân của bạo lực mạng dễ cảm thấy bất an, suy sụp hơn. Những đối tượng này dễ lạc lõng và phiền muộn vì họ cảm thấy cuộc sống xung quanh như sụp đổ. Nạn nhân của những trò bắt nạt này có nguy cơ cao sẽ mắc chứng trầm cảm hay các triệu chứng căng thẳng thần kinh khác như đau đầu, đau bụng, mất ngủ...

+ Vấn đề cảm xúc: Một trong những điều mà người bị bạo lực mạng chịu đựng chính là khuyết thiếu cảm giác an toàn và họ gần như luôn trong tình trạng sợ hãi. Máy tính, điện thoại hay một thư mới trong hộp thư cũng sẽ khiến nạn nhân nảy sinh sợ hãi.

+ Tự tử: Sau vô vàn chịu đựng đè nén, hệ quả cuối cùng và cũng nghiêm trọng nhất của bạo lực mạng chính là những cái chết trẻ. Những nạn nhân của sự bắt nạt này thường nghĩ đến cái chết từ 2 - 9 lần so với người khác. 

 

Vậy cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ như thế nào?

Nếu bạo lực mạng không được dừng lại, bạo lực mạng có thể mang đến nguy cơ cao dẫn đến những căn bệnh tâm thần, sự căng thẳng, trầm cảm cho trẻ. Ngoài ra nếu cha mẹ làm ngơ trước việc trẻ đang bị tổn thương bởi bạo lực mạng, trẻ sẽ dần mất tập trung vào chuyện học ở trường và sao nhãng việc hoàn thành bài tập. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách thức sau đây nếu cha mẹ nghĩ trẻ đang là nạn nhân của bạo lực mạng.

- Bắt đầu bằng một buổi trò chuyện thân thiện, cởi mở với trẻ, cha mẹ có thể dẫn dắt bằng một câu chuyện của chính mình khi còn nhỏ, kể về kỷ niệm từng bị bắt nạt, hoặc một câu chuyện bạo lực mạng mà cha mẹ có đọc được gần đây. 

- Nếu trẻ vẫn chưa sẵn sàng kể cho cha mẹ, hãy bảo trẻ rằng cha mẹ sẽ thực hiện quyền kiểm soát bằng cách đọc những tin nhắn, xem lịch sử trang web của con để biết con đang nói chuyện với ai, truy cập vào những trang web hay ứng dụng nào.

Sau đó, nếu cha mẹ đã xác định được trẻ đang là nạn nhân của bạo lực mạng, có rất nhiều cách cha mẹ có thể giúp trẻ chấm dứt được tình trạng này. Cha mẹ và trẻ có thể cùng thử nói cho kẻ bắt nạt biết rằng cha mẹ đã biết được chuyện gì đang xảy ra vì cha mẹ đã truy cập được máy tính và điện thoại của trẻ.

Tuy nhiên, nếu việc bắt nạt vẫn diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, phụ huynh nên cân nhắc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn

- Trò chuyện trực tiếp với cha mẹ của đứa trẻ bắt nạt. Hãy cho phụ huynh đó biết những gì đã và đang xảy ra, cùng với bằng chứng thu được trên thiết bị điện tử và nói về hậu quả mà con trẻ của mình đang phải chịu đựng.

- Trao đổi với thầy cô tư vấn trong trường, thầy cô chủ nhiệm hoặc thầy cô hiệu trưởng về vấn đề này, ngay cả khi đã trò chuyện với phụ huynh của học sinh bắt nạt.

- Và khi mà một trong hai cách trên không hiệu quả, đã đến lúc cần pháp luật can thiệp. Cha mẹ hãy lưu giữ bằng chứng, chuẩn bị giấy tờ và đêm đến trình diện với cơ quan chính quyền. Một số điều luật của Việt Nam đã cố gắng bao quát các hành vi phỉ báng, làm nhục người khác, lan truyền thông tin giả, sai sự thật để có thể bảo vệ những người dùng lành mạnh khác. 

- Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ đang phải trải qua giai đoạn tâm lý bất ổn: luôn cảm thấy cô đơn, trống trải, trầm cảm… vì bị bạo lực mạng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên gia. Có nhiều cách sẽ giúp trẻ vượt qua được trạng thái bất ổn hiện tại và cha mẹ không cần phải cố gắng một mình.

-------------

Nguồn tham khảo:  

https://tuoitre.vn/mang-xa-hoi-dang-dan-tro-thanh-noi-cua-bao-luc-va-rui-ro-20200224112347956.htm

https://www.understood.org/en/friends-feelings/child-social-situations/online-activities-social-media/how-to-tell-if-your-child-is-being-bullied-online

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616