• 111
  • lang
  • lang

Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em

Sau gần 3 năm triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em" tại huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) và các huyện Ngân Sơn, Na Rì (tỉnh Bắc Kạn), 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại các địa phương này đã được rà soát, quản lý và hỗ trợ.

Sau gần 3 năm triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em", có 15.822 trẻ được tuyên truyền về các hình thức xâm hại trẻ em

Dự án "Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em" được triển khai tại các địa phương trên từ tháng 11/2019 đến tháng 6/2022, do tổ chức ChildFund Việt Nam hỗ trợ.

Tại hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá dự án, được tổ chức ngày 24/6, đại diện ChildFund cho biết, với mục tiêu nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo vệ trẻ em chính thức và hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, cũng như tăng cường khả năng thích ứng của trẻ em và thanh niên trong các vùng của dự án, trong gần 3 năm năm triển khai, dự án đã thực hiện hàng loạt hoạt động tập trung vào việc nâng cao năng lực của cán bộ cấp xã trong hệ thống bảo vệ trẻ em, để ứng phó với các vấn đề bảo vệ trẻ em.

Dự án tăng cường và cải thiện năng lực của hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và hệ thống không chính thức, thông qua việc thu hút cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vì một cộng đồng an toàn; xây dựng và phát triển khả năng tự thích ứng của trẻ trai, trẻ gái và thanh niên nam nữ thông qua việc lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào trong các sáng kiến cộng đồng.

Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được một số kết quả ban đầu như: 6 tổ dự án cấp huyện và 36 ban bảo vệ trẻ em hoặc nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã được thành lập; 29 người làm công tác bảo vệ trẻ em được tập huấn, kiểm huấn nâng cao năng lực; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được rà soát, quản lý và hỗ trợ; 15.822 trẻ em (trong đó có 8.069 trẻ em gái) được tuyên truyền về các hình thức xâm hại trẻ em thông qua 62 sự kiện truyền thông; đặc biệt có 170 đầu mối bảo vệ trẻ em là các giáo viên trong trường học có khả năng nhận biết và phát hiện các trường hợp quan ngại của trẻ.

Tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã chia sẻ các định hướng về công tác bảo vệ trẻ em và hệ thống bảo vệ trẻ em, cũng như khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bảo vệ trẻ em. 

Đại diện nhóm tư vấn độc lập, đối tác kỹ thuật dự án, đối tác địa phương và các đại biểu cũng đã đánh giá tính hiệu quả, bền vững của dự án, đồng thời đưa ra những khuyến nghị giúp việc xây dựng dự án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Hiền Minh

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616