• 111
  • lang
  • lang

Nâng cao nhận thức về hậu di cư cho người lao động và cộng đồng (Phần 1)

Thực trạng việc tái hòa nhập khi những người di cư lao động nước ngoài trở về ít được chú ý hơn quá trình chuẩn bị di cư hoặc khi đang làm việc ở nước ngoài, đã gây ra không ít khó khăn cho người di cư lao động và địa phương nơi họ trở về.

Những người di cư trở về có thể phải đối mặt với một loạt các thách thức, bao gồm tình trạng thiếu việc làm, nợ nần, mâu thuẫn trong gia đình, và một số vấn đề liên quan đến sức khỏe. Theo một số nghiên cứu nhỏ, những người di cư Việt Nam sau khi trở về thường quay lại làm các công việc không có kĩ năng hoặc những công việc họ đã từng làm trước khi di cư, và những công việc này không tương thích với kiến thức hay kĩ năng họ tích lũy trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Những khó khăn trên có thể nằm trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số NLĐ quyết định ở lại quá thời hạn hợp đồng và làm việc trái phép bởi họ chưa nhìn thấy tương lai rõ ràng sau khi trở về Việt Nam. Việc ở lại quá thời hạn làm tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương của những người lao động di cư khi họ không được hưởng các dịch vụ xã hội, sức khỏe, pháp lý, v.v, và đặc biệt ảnh hưởng lớn đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường lao động nước ngoài.

Tình hình của người lao động di cư sau khi trở về nước 

Tuy phần lớn người lao động sau khi về nước đã rất nỗ lực tìm kiếm việc làm, 86.7% người lao động có việc làm (theo Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Viện KH-LĐ&XH, 2011), nhưng trong đó có 66,33% là các công việc giản đơn (giảm khá nhiều so với trước khi đi là 79,1%); số người mở doanh nghiệp, làm nghề “quản lý” chỉ chiếm 0,8%; những người có việc làm với tay nghề “công nhân kỹ thuật bậc cao” chỉ có 0,3%; còn một bộ phận không nhỏ ngưởi trở về vẫn làm các công việc trước kia của họ.

Điểm nổi bật của nhóm người di cư lao động trở về là sự dịch chuyển tích cực trong nhóm việc làm, chuyển từ các ngành nông lâm nghiệp sang nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, theo báo cáo của nghiên cứu "Vấn đề hậu di cư lao động, chính sách và thực tiễn, 2010". Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lao động nữ vẫn khó khăn hơn so với lao động nam trong việc tiếp cận đến việc làm có vị thế cao: tỷ lệ làm công việc giản đơn ở phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới (78,9% so với 47,8%). Không có lao động nữ nào làm các nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc cao và phần lớn những lao động trở về không hoạt động kinh tế. Nói cách khác, các lao động nữ không tìm việc làm, do phụ nữ lớn tuổi khó tìm việc làm và có xu hướng về làm việc nhà và chăm sóc gia đình sau trở về từ nước ngoài. 

Tỉ lệ NLĐ trở về sử dụng số tiền tích luỹ được để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng rất thấp. Phần lớn NLĐ sử dụng số tiền tích luỹ được để trả nợ, xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong gia đình và đầu tư cho con cái học hành. Bênh cạnh đó, mức độ cải thiện tình trạng việc làm của NLĐ sau khi trở về xảy ra rất chậm. Sự hỗ trợ của địa phương cũng như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) đối với lao động trở về trong việc tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập thị trường lao động còn rất hạn chế. Hầu hết NLĐ, tương tự như trước khi đi, phải tự bươn chải, tạo dựng cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc tìm việc làm mới.


 

Mời theo dõi phần tiếp theo

-------------------

Nguồn tham khảo:  Báo cáo "Vấn đề hậu di cư lao động, chính sách và thực tiễn" - 2010: https://vietnam.iom.int/sites/default/files/IOM_Files/Projects/Labour_Migration/RMW_vi.pdf  

-------------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616