• 111
  • lang
  • lang

Nâng cao nhận thức về hậu di cư cho người lao động và cộng đồng (Phần 2)

Theo một số nghiên cứu chính thống về tình hình NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về,hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hầu hết NLĐ trở về. Số tiền tích lũy tỷ lệ thuận với thời gian làm việc ở nước ngoài và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài có thời gian hoàn vốn nhanh hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lao động phổ thông. Lao động trẻ trong khoảng tuổi dưới 35 tuổi thì hiệu quả cao hơn các nhóm tuổi lớn hơn. Tuy nhiên khi trở về quê hương, NLĐ vẫn có nguy cơ gặp phải một số khó khăn khi cố gắng tái hoà nhập.

Các thách thức, vấn đề mà di cư lao động dễ gặp phải sau khi trở về nước thường rơi vào các trường hợp sau:

- Việc làm, sử dụng vốn và phát huy tay nghề

+ NLĐ trở về chưa phát huy được tay nghề và ngoại ngữ để tìm việc phù hợp trong nước do khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ việc làm hoặc không muốn làm việc với mức lương và điều kiện làm việc kém hơn khi ở nước ngoài. Họ thường làm công việc khác với công việc khi làm ở nước ngoài, có một số người sử dụng tiền tiết kiệm được để tự kinh doanh nhỏ.

+ Đối với lao động giản đơn, chưa hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng lao động: NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc có khoảng 60% lao động phổ thông nên điều kiện để trau dồi thêm kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng nghề hạn chế, ngay cả chính bản thân NLĐ trước khi đi cũng chưa quan tâm đến việc cần phải học hỏi nâng cao kỹ năng và trình độ để phát triển sinh kế khi trở về mà chủ yếu đi là vì mục tiêu có thu nhập trước mắt.

- Các mối quan hệ gia đình, xã hội, cộng đồng và văn hóa

+ Định kiến giới và phân biệt đối xử về giới còn tồn tại ở nông thôn, về cách nhìn nhận khác nhau giữa nữ giới và nam giới khi đi làm việc ở nước ngoài;

+ Sự khác biệt về văn hóa của người trở về đối với gia đình: có trường hợp có tác động tiêu cực cho việc tái hòa nhập do chưa có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho cả người đi làm việc ở nước ngoài và người ở nhà đối với các vấn đề trong quan hệ gia đình như sự trống vắng, xa cách, gián đoạn trong nuôi dạy, chăm sóc con cái.

- Vấn đề về sức khỏe: Một số người lao động gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe do làm thêm giờ kéo dài ở nước ngoài để tăng thu nhập hoặc do điều kiện khí hậu khác biệt hoặc dịch bệnh. Đặt trong bối cảnh COVID-19, người lao động khó mà tiếp cận được với các dịch vụ y tế công tại nước sở tại (do rào cản ngôn ngữ, mức độ ưu tiên của chính quyền sở tại, thiếu thông tin…).

Các nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi tái hoà nhập

+ NLĐ không trang bị đầy đủ thông tin trước khi đi nên định hướng nghề nghiệp tương lai chưa rõ ràng, đối với một bộ phận lao động đi làm các công việc giản đơn chưa quan tâm đến việc học hỏi nâng cao trình độ; thiếu thông tin và kiến thức về cách phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe khi làm việc ở nước ngoài.

+ NLĐ chưa có kế hoạch và thiếu kinh nghiệm quản lý và sử dụng vốn tích lũy được.

+ Doanh nghiệp dịch vụ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người trở về và chưa cập nhật đầy đủ thông tin về họ.

+ Nhà nước chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người trở về.

Các thách thức cho việc tái hòa nhập của NLĐ trở về theo hình thức trở về khác nhau:

Với mỗi hình thức trở về, NLĐ sẽ có những lợi thế và những nhu cầu khác nhau và gặp những thách thức khác nhau khi muốn tái hòa nhập. Cần quan tâm đến những đặc điểm của người trở về theo các yếu tố như: về tự nguyện đúng hạn; về tự nguyện trước hạn; Về không tự nguyện trước hạn.

+ Trở về tự nguyện khi hợp đồng kết thúc: Đây là các lao động phần lớn là mục tiêu đi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được và sự hỗ trợ cần tập trung vào việc tái hòa nhập về việc làm và sử dụng hiệu quả tiền tích lũy được.

+ Trở về tự nguyện trước khi hợp đồng kết thúc: Trong trường hợp này, NLĐ có thể gặp phải công việc với điều kiện làm việc không mong muốn hoặc không thể chấp nhận, hoặc những thay đổi động lực hay các lý do cá nhân khác dẫn đến quyết định hủy bỏ kế hoạch đi lao động ban đầu. Trở về trước khi kết thúc hợp đồng có thể dẫn đến khó khăn kinh tế hoặc nợ nần do chưa có đủ tiền tích lũy như mục đích ban đầu. Trong một số trường hợp, người đi lao động có tay nghề cao muốn chuyển đổi công việc sang thị trường lao động khác có thu nhập cao hơn.

+ Trở về không tự nguyện khi hợp đồng kết thúc: Khi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo đuổi kế hoạch tài chính của mình, họ thường tìm kiếm cơ hội kéo dài hợp đồng lao động để có thêm thu nhập và nếu không có chính sách cho số này đi làm việc ở nước ngoài lần thứ hai hoặc tiếp cận việc làm trong nước, dễ dẫn đến tình trạng họ có thể bỏ hợp đồng ra ngoài và ở lại làm việc trái phép và tự đẩy mình vào các rủi ro của việc làm không an toàn, thậm chí còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của lao động Việt Nam.

+ Trở về không tự nguyện trước khi hợp đồng kết thúc: Trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế và chính trị hay thiên tai mà lao động mất việc hoặc phải di tản khẩn cấp là điều không tránh khỏi. Bởi vì việc cần phải trở về thường không thể dự đoán trước khi khủng hoảng xảy ra, do đó chính phủ nước phái cử cần tính đến các hỗ trợ và chuẩn bị cho việc tổ chức trở về an toàn cho NLĐ. Hình thức trở về trước hạn này có thể để lại những trải nghiệm nặng nề cho người đi lao động và gây ra khó khăn về kinh tế cho họ khi trở về

 

-------------------

Nguồn tham khảo:  Báo cáo "Vấn đề hậu di cư lao động, chính sách và thực tiễn" - 2010: https://vietnam.iom.int/sites/default/files/IOM_Files/Projects/Labour_Migration/RMW_vi.pdf  

-------------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616