• 111
  • lang
  • lang

Nâng cao nhận thức về hậu di cư cho người lao động và cộng đồng (Phần 3)

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng và một số địa phương đã cho thấy những nỗ lực trong việc giới thiệu và tạo việc làm cho NLĐ sau khi về nước, như tổ chức hội chợ việc làm và sàn giao dịch việc làm cho NLĐ trở về từ Hàn Quốc, sự kiện do Bộ LĐTB&XH Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn tổ chức ở một số địa bàn trọng điểm cùng với việc triển khai chương trình hỗ trợ bổ túc tiếng Hàn và dạy nghề ngắn hạn miễn phí để NLĐ tìm việc làm mới.

Hệ thống các Trung tâm Giới thiệu Việc làm thuộc Ngành Lao động, trung tâm việc làm của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tại các địa phương cũng đã chú trọng đến việc hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp cho NLĐ sau khi trở về. Tuy nhiên, các hoạt động này có thể chưa phù hợp với nhu cầu của NLĐ. Bên cạnh đó,thông tin về thị trường lao động ở Việt Nam cũng còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao khiến nhiều NLĐ chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ này.

Các phương án/ chính sách tái hoà nhập đã được thảo luận

1/ Chính sách thông tin khi lao động di cư vừa về và sau khi trở về: Chính phủ nước phái cử có thể cung cấp thông tin tại quầy thông tin tại các sân bay lớn nơi NLĐ trở về. Các trung tâm tái hòa nhập cũng có thể hướng dẫn NLĐ tới các chương trình và sự hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập kinh tế và xã hội tại quê hương. Khi chương trình được áp dụng cho lao động quay vòng, biện pháp thể chế nên được tăng cường để cho phép các chính phủ cung cấp thông tin và hỗ trợ cho số lượng NLĐ trở về nước lớn hơn.

2/ Chính sách về ưu đãi kinh tế/ tài chính: Một người đi lao động có đầy đủ thông tin sẽ có thể đưa ra quyết định chính xác để thúc đẩy hiệu quả kinh tế của họ và tái hòa nhập vào thị trường lao động tại quê hương họ tốt hơn. Tiếp theo việc cung cấp thông tin, chính phủ có NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng có thể xây dựng các biện pháp khuyến khích kinh tế để tăng cường các lợi ích vật chất và việc làm cho NLĐ khi họ trở về. Tái hòa nhập kinh tế là một yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của cả gia đình của NLĐ và thúc đẩy trở về bền vững.

Một số ý tưởng như: 
- Các chương trình phúc lợi: hệ thống lương hưu hoặc bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hoàn trả trong trường hợp NLĐ trở về. NLĐ có thể tiếp cận các quỹ này hoặc một phần của quỹ khi họ trở về nước, không phụ thuộc vào thời gian trở về. Để giảm nguy cơ nợ nần sau khi trở về, các khoản tiết kiệm của NLĐ có thể được sử dụng hiệu quả hơn cho việc trở về và tái hòa nhập.

- Tạo điều kiện cho việc chuyển tiền với chi phí thấp khi gửi tiền tại các tổ chức tài chính ở nước tiếp nhận về tài khoản trong nước. Việc này có thể được thực hiện giữa hai tổ chức ngân hàng riêng hoặc luân chuyển quỹ giữa các chi nhánh ngân hàng. 

- Trực tiếp hỗ trợ cá nhân NLĐ khi họ trở về, hoặc là liên kết NLĐ với các dự án phát triển cụ thể tại quê hương họ. Hỗ trợ cá nhân có thể được cung cấp thông qua các khoản tài trợ hoặc cho vay ưu đãi cho NLĐ trở về. 

3/ Chính sách về thể chế: thể chế có thể thay đổi như thế nào để tối đa hóa sự đóng góp cho phát triển của NLĐ trở về cho bản thân, cộng đồng và xã hội.

Có 3 phương án được thảo luận trong "Vấn đề hậu di cư lao động, chính sách và thực tiễn, 2010": 

- Tái hòa nhập thị trường lao động: phương án này đòi hỏi các cơ quan phải công nhận kỹ năng NLĐ có được ở nước ngoài cho các nhà tuyển dụng lao động trong nước và cơ chế tìm việc liên kết NLĐ trở về với người sử dụng lao động. Sự hỗ trợ chủ động như vậy có thể kết nối với các chương trình định hướng tại nước tiếp nhận trước khi họ trở về. Khi lao động không được nâng cao kỹ năng đáp ứng điều kiện cho nhu cầu thị trường lao động trong nước trong quá trình di cư thì cần thiết phải xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể để cải thiện cơ hội có việc làm cho họ.

- Trở về thành người đào tạo hướng dẫn: Khi NLĐ với tay nghề thấp trở về, gần như chắc chắn họ phải làm việc với mức lương thấp hơn nhiều. Biện pháp khả thi hơn là khai thác các kỹ năng mà những NLĐ này có để tạo điều kiện cho họ làm người đào tạo nghề. Các chương trình này có thể liên kết việc ký kết các hợp đồng tạm thời với cam kết tự nguyện trở về nước nhằm chuyển giao kỹ năng cho lực lượng lao động trong nước

- Tầm quan trọng của cải cách pháp luật: Thúc đẩy cải cách pháp luật như: đề xuất di cư quay vòng cần được khuyến khích bằng cách liên kết quyền quay lại nước tiếp nhận với những người trở về đúng thời hạn sau khi họ đã hoàn thành hợp đồng của họ; được tham gia các chương trình học tập ngôn ngữ, tiếp cận dễ dàng hơn đến các cơ quan liên lạc khẩn cấp; các khoá đào tạo, học bổng có sự hợp tác với các công ty công nghệ… Những đề xuất thay đổi này có thể giúp cải thiện năng lực, kỹ năng, mức lương và điều kiện làm việc tốn hơn cho di cư lao động. Chính phủ cần khuyến khích xây dựng các khuôn khổ thể chế mạnh mẽ nhằm liên kết NLĐ và người sử dụng lao động Những sự kết nối càng mang tính cá nhân kèm theo việc người sử dụng lao động và các nhóm lao động càng tham gia vào việc phát triển các chương trình thì khả năng thành công của lao động di cư quay vòng càng cao. Với những người dễ bị tổn thương có tay nghề thấp, như người đi giúp việc trong gia đình, có thể xây dựng một hệ thống phục hồi và tái hòa nhập cho các nạn nhân bị buôn người.

Các chính sách này cần được xây dựng và áp dụng cho người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài trước khi họ khởi hành lần đầu tiên. Khi có nhận thức tốt, đầy đủ thông tin, người đi làm việc ở nước ngoài sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu cá nhân của họ tại nước họ đến làm việc và do đó họ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình trở về an toàn và tái hòa nhập thành công. Các rủi ro về việc làm, tài chính trong quá trình di cư lao động có thể được giảm bớt thông qua việc thiết kế các gói bảo hiểm như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm việc làm...và thiết lập các quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để NLĐ tự nguyện hoặc bắt buộc tham gia trước khi họ xuất cảnh.

 

-------------------

Nguồn tham khảo:  Báo cáo "Vấn đề hậu di cư lao động, chính sách và thực tiễn" - 2010: https://vietnam.iom.int/sites/default/files/IOM_Files/Projects/Labour_Migration/RMW_vi.pdf  

-------------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616