• 111
  • lang
  • lang

Nên nói gì với trẻ về bạo lực học đường?

Việc đề cập với trẻ về bạo lực học đường (BLHĐ) có vẻ là một nỗ lực rất lớn và hơi khó khăn với một số cha mẹ. Làm sao biết đó chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu câu chuyện? Có cách nào giúp cha mẹ nhận ra được con trẻ đang bị bắt nạt ở trường? Hoặc ngược lại, nếu con trẻ là người đi bắt nạt bạn khác thì sao? Cha mẹ không thể trông chờ vào việc con trẻ sẽ luôn hành xử đúng đắn một cách tự nhiên mà không cần những lời khuyên và hướng dẫn từ người lớn.

Trước sự bùng nổ của các hành vi bạo lực, đặc biệt là trong trường học, nhiều học sinh có thể cảm thấy trường lớp không còn là nơi an toàn và lo lắng cho bản thân, bạn bè. Học sinh cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cha mẹ và thầy cô trong trường để có thể tránh được các tổn thương khi đi học. Do đó, cha mẹ và thầy cô hãy tích cực trò chuyện với trẻ về nỗi sợ BLHĐ và trấn an trẻ rằng trường học vẫn là một nơi trẻ có thể an tâm học tập và phát triển bản thân. Quý vị phụ huynh có thể tham khảo các gợi ý sau khi trao đổi cùng con trẻ:

Nhấn mạnh rằng trẻ vẫn an toàn trong trường học: Đảm bảo với trẻ trường học đủ an toàn để trẻ có thể thoải mái kết bạn, học tập. Hãy giúp trẻ xác nhận cảm giác an toàn bằng cách giải thích rằng việc bộc lộ sự lo lắng, sợ hãi và đưa ra những thắc mắc với người lớn mà chúng tin tưởng là điều đúng đắn. Tuy nhiên, sẽ có các phương thức hợp lý để biểu lộ sự không an tâm thay vì từ chối đến trường và trốn tránh việc học. BLHĐ là vô nghĩa và khó hiểu với nhiều người. Nên trẻ hãy cố gắng tiếp tục các hoạt động mà trẻ đang yêu thích tham gia, giữ thói quen sinh hoạt hằng ngày như bình thường, chia sẻ với bạn bè, cha mẹ một cách chân thành sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn.

Hãy dành thời gian thực sự trò chuyện với trẻ: Việc lắng nghe tất cả các câu hỏi của trẻ sẽ giúp cha mẹ cân nhắc xem những thông tin nào cần đưa vào câu trả lời để giải đáp cho trẻ. Cha mẹ hãy kiên nhẫn khi gợi chuyện với trẻ vì con trẻ thường không sẵn sàng tiết lộ những bí mật như vậy. Hãy quan sát xem những biểu hiện trẻ đang muốn trò chuyện với cha mẹ (như lượn lờ xung quanh khi cha mẹ đang làm việc nhà). Hoặc trẻ có thể muốn viết ra giấy, chơi một bản nhạc, hay vẽ để tiết lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình. Cha mẹ hãy kiên nhẫn và tìm hiểu một cách chân thành.

Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, cách cha mẹ giải thích và trao đổi về BLHĐ sẽ cần được điều chỉnh thích hợp: 
- Độ tuổi mẫu giáo: Ở độ tuổi này, con trẻ sẽ tiếp thu được lượng thông tin cơ bản, đơn giản, đồng thời cần được cha mẹ động viên rằng trường học, gia đình, thầy cô và cha mẹ đều đáng tiin cậy, đều có thể bảo vệ trẻ và trẻ có thể dựa vào. Hãy dẫn ra một vài ví dụ về các biện pháp bảo vệ như cổng nhà luôn được khoá kỹ càng, cổng trường có bộ phận bảo vệ thay phiên trực, thầy cô luôn cố gắng theo dõi sự an toàn của học sinh và những buổi diễn tập trong hoàn cảnh khẩn cấp tại trường vẫn được thực hiện đầy đủ. 

- Độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở: Trẻ em ở độ tuổi này sẽ nêu ý kiến, đặt câu hỏi nhiều hơn về mức độ an toàn thực sự tại trường học. Phụ huynh hãy nhắc trẻ rằng nhà trường, cộng đồng xung quanh luôn cố gắng giữ an toàn cho các con. Tuy nhiên không nên đánh giá thấp hoặc nghi ngờ về những gì trẻ chia sẻ với người lớn. Giúp các con phân biệt như thế nào là báo cáo, thế nào là bịa chuyện và loan tin tức thiếu xác thực. Củng cố rằng báo cáo với người lớn, thầy cô là cần thiết nếu con cảm thấy sự việc nghiêm trọng.

- Độ tuổi trung học phổ thông: Khi ở độ tuổi này, trẻ ở độ tuổi vị thành niên, thiếu niên đã có những quan điểm mạnh mẽ và khác nhau về trường học, về xã hội. Trẻ sẽ chia sẻ thẳng thắn những ý tưởng mà trẻ cho là khả thi về việc khiến trường học an toàn hơn, cách ngăn chặn những thảm hoạ trong xã hội. Do đó, cha mẹ có thể nhấn mạnh với trẻ về một số quy tắc mà trẻ có thể thực hiện để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh: không đưa người lạ vào trường mà không thông báo, báo cáo khi thấy kẻ gian, báo cáo khi thấy một số nguy hiểm tiềm ẩn, mối đe doạ, chủ động đối thoại với ban giám hiệu nhà trường về những lo lắng nếu trẻ không cảm thấy an tâm. Đồng thời trẻ cũng nên được khuyến khích tham vấn chuyên gia tâm lý nếu trẻ cảm thấy cần thiết. 

Xem lại cách thức đảm bảo an toàn cho trẻ: Hãy giúp trẻ cụ thể hoá những biện pháp trẻ có thể áp dụng để bảo vệ bản thân tại trường và tại gia đình khi cần thiết. Gợi ý, trao đổi với trẻ về ít nhất một người lớn trẻ có thể tin tưởng và có khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ tại trường, tại cộng đồng nếu trẻ phải đối mặt với bất kỳ đe doạ nào. 

Quan sát các trạng thái cảm xúc của trẻ: Như đã đề cập, nhiều trẻ sẽ không bày tỏ lo lắng bằng lời. Nếu thấy trẻ có thay đổi về thái độ, cảm giác thèm ăn, thói quen nghỉ ngơi cũng có thể là lời nhắc nhở về mức độ căng thẳng hay khó chịu của trẻ. Đa số trẻ sẽ cảm thấy khá hơn nếu có sự vỗ về, quan tâm của cha mẹ sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ có nguy cơ phản ứng dữ dội hơn: nếu con trẻ đã từng trải qua chuyện buồn, thương tâm trong quá khứ, hoặc đã từng bị trầm cảm, một số loại bệnh tâm thần và cần sự chăm sóc đặc biệt. Hãy đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý và bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng. Cần cha mẹ luôn nhắc nhở trẻ rằng bạo lực chưa bao giờ là một cách giải quyết vấn đề cá nhân một cách sáng suốt. Trẻ cũng có thể tham gia việc ngăn chặn bạo lực trong trường học, học cách kỹ năng hoá giải xích mích, hay tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời nếu bản thân trẻ, người trẻ quan tâm đang phải đối mặt với lo lắng, giận dữ và các cảm xúc tiêu cực khác.

Hạn chế cho trẻ xem tin tức TV về những sự kiện BLHĐ: Việc hạn chế trẻ tiếp xúc với những thông tin chưa được kiểm chứng, có khả năng không phù hợp với sự phát triển của trẻ có thể gây sự bối rối hoặc căng thẳng không cần thiết, đặc biệt với trẻ em nhỏ. Cha mẹ cần để ý nhiều hơn đến những nội dung mà người lớn trao đổi với nhau trước mặt trẻ, thậm chí là với trẻ vị thành niên. Cụ thể hơn, phụ huynh cần hạn chế những nội dung mang tính tiêu cực, thù hận, bạo lực, tức giận vì chúng có thể mang đến hiểu lầm cho trẻ về việc thế giới thực đang vận hành như vậy. Cho trẻ biết có nhiều người dùng bạo lực để tổn thương người khác. Những người dùng bạo lực là nhóm người có vấn đề với việc kiểm soát sự giận dữ, và có thể bị ảnh hưởng bởi các chất kích thích hoặc bệnh tâm thần. Đã có những người lớn như công an, bác sĩ, giáo viên… đang cố gắng giúp đỡ và ngăn chặn những người dùng bạo lực có thể tổn thương thêm bất kỳ ai khác. Do đó, việc bản thân con trẻ có thể hiểu rõ tâm trạng, tình trạng sức khoẻ rất quan trọng để có thể tìm đến sự giúp đỡ cần thiết nếu các con cảm thấy cực kỳ giận dữ, đau khổ, tuyệt vọng. Và đặc biệt, cần tránh xa các chất kích thích và vũ khí.

Duy trì thói quen sinh hoạt bình thường: Việc giữ một lịch trình sinh hoạt bình thường có thể giúp vỗ về trẻ đang lo lắng và duy trì được trạng thái sức khoẻ cân bằng. Cha mẹ hãy hỗ trợ trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và luyện tập thể thao. Đồng thời, cha mẹ cũng nhắc nhở trẻ chú ý vào học tập tại trường, làm bài tập về nhà, và tham gia các hoạt động ngoại khoá nếu các con muốn. Không nên ép buộc trẻ quá sức mà hãy để trẻ tham gia một cách tự nguyện.

Việc giao tiếp giữa cha mẹ và con trẻ rất quan trọng nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiết, tôn trọng nhưng đầy tình thân. Nhờ đó cha mẹ có thể trở thành người trẻ tin tưởng và tâm sự về các vấn đề bạo lực, bắt nạt. Hãy luôn nhớ, nếu trẻ bị bắt nạt hoặc trẻ đi bắt nạt người khác, vẫn luôn có cách để ngăn chặn bạo lực tiếp tục diễn ra.

-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.nasponline.org/resources-and-publications/resources-and-podcasts/school-climate-safety-and-crisis/school-violence-resources/talking-to-children-about-violence-tips-for-parents-and-teachers
https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/bullying-safety-privacy/bullying/what-if-i-see-someone-being-bullied
-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616