• 111
  • lang
  • lang

Nếu bạn muốn con trở thành người bạo lực, thì hãy làm những việc sau.

Nếu bạn muốn con trở thành người bạo lực, thì hãy làm những việc sau:

1, Dạy con giải quyết vấn đề bằng bạo lực: Khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của trẻ như: bị điểm thấp, bị bạn đánh, bị mắng chửi... cha mẹ không phân tích vấn đề đúng sai cho trẻ hiểu và cùng trẻ suy nghĩ cách giải quyết hợp lý mà thường dùng bạo lực để giải quyết. Hoặc khi con có hành vi bạo lực với người khác, cha mẹ không cần hỏi han mà lại dùng hình thức mắng, đánh chửi con thay vì giải thích cho con đúng sai và nên xin lỗi người bị con đánh.

2, Cho trẻ muốn gì được nấy:  Khi trẻ có đòi hỏi (đồ chơi mới, xin tiền, đi chơi..) cho dù là hợp lí hay không hợp lí thì bố mẹ thường đáp ứng ngay hoặc bắt người khác chiều theo ý của trẻ, điều này khiến trẻ có xu hướng ra yêu sách với người khác. Cha mẹ thiếu dứt khoát, không kiên quyết với trẻ trong việc đáp ứng những điều đó có thể không có lợi cho trẻ. Dần dần trẻ sẽ coi mình là trung tâm và tự cho mình quyền được người khác phục vụ. Đó là cách dễ nhất để cha mẹ làm hại trẻ.

3, ít khen, hay phạt, quan tâm nhiều đến lỗi lầm của con: Khi đứa trẻ mắc lỗi, không những cha mẹ không chỉ cho trẻ biết điều hay lẽ phải, nên hay không nên làm những gì mà ngược lại cha mẹ thường chỉ nhấn mạnh vào những hành vi sai trái của con. Đặc biệt, cha mẹ thường xuyên chỉ trích, nhắc đi nhắc lại hành vi sai đó để trẻ cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Đôi khi cha mẹ có những hình phạt thô bạo đối với những lỗi lầm của trẻ, làm tăng tính rụt rè và thiếu tự tin ở trẻ. Mặt khác, cha mẹ cũng tạo cơ hội cho con luôn nhìn vào những sai trái của bản thân, người khác, có những hành vi thô bạo với những người xung quanh.

4, Không cho trẻ được phép lựa chọn, áp đặt trẻ theo ý muốn chủ quan của cha mẹ: Dù còn nhỏ nhưng bản thân đứa trẻ đều tiềm ẩn khả năng đưa ra quyết định xem mình phải làm gì trước một tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đã tước mất khả năng  vốn có của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ đã quyết định và áp đặt trẻ phải làm theo mà không có những giải thích hoặc cho trẻ được phép lựa chọn. Hành động này sẽ tạo nên một đứa trẻ có tính cách lệ thuộc, đồng thời trẻ học được từ cha mẹ việc tự cho mình cái quyền được ra lệnh và áp đặt người khác. Tính cách này là gốc rễ để khi trưởng thành, trẻ có những hành vi bạo lực với người xung quanh.

5, Hạn chế sự lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng của trẻ: trong một gia đình bình thường, cha mẹ là nơi để trẻ sẻ chia, trẻ cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Đôi khi cha mẹ đang thực hiện những hành vi mang tính “bạo lực” đối với trẻ mà cha mẹ không nhận thức được. VD: thướng xuyên dùng lời lẽ xúc phạm, mắng chửi trẻ; không quan tâm đến nhu cầu, sở thích của trẻ...

6, Không có hoặc hạn chế sự quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con, làm trẻ cô đơn và cảm thấy mình bị bỏ rơi, khiến trẻ tìm đến nhóm bạn xấu, chơi game.. hậu quả là hành vi bạo lực học đường ngày càng tăng.

7, Phản chiếu tấm gương khi chứng kiến hành vi bạo lực của cha mẹ: trong gia đình nếu trẻ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng chứng kiến cảnh bố đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại) thì với bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng: làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và rồi khi trở thành người chồng thì chàng trai cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ hay bạn tình. Bé trai đó cũng quan niệm rằng “kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng” và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội. Theo đó có sự chuyển giao “hành vi bạo lực” giữa các thế hệ mà người ta vẫn quen gọi là “di truyền”. Còn các bé gái thấy mẹ chịu đựng, cam chịu thì cũng cho rằng: “phụ nữ phải chịu đựng và đàn ông có quyền đánh”, vì thế khi lập gia đình trẻ dễ trở thành một người thụ động, chấp nhận mọi hành vi của chồng đối xử với mình.

-----

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.