• 111
  • lang
  • lang

Ngăn chặn việc trẻ bị bắt nạt nghĩ đến việc tự tổn thương bản thân (Phần 2)

Việc cha mẹ tìm kiếm thông tin để biết cách trò chuyện với các con về bắt nạt, phục hồi sau khi bị bạo lực có thể không dễ dàng, thậm chí là quá khả năng của họ. Tuy nhiên có rất nhiều tổ chức, đơn vị sẵn sàng giúp đỡ trong việc tư vấn, điều trị vấn đề trẻ và gia đình đang phải đối mặt (trường học, các tổ chức bảo vệ, tư vấn tâm lý trẻ em, học đường)

Một số chuyên gia về sức khoẻ và tinh thần trẻ em đã đưa ra một số lời khuyên hành động dành cho cha mẹ nếu phát hiện con trẻ đang bị bắt nạt. Cùng theo dõi phần 2 sau đây.

Hãy là người tin tưởng và ủng hộ con trẻ

Nhiều chuyên gia cho rằng khi con trẻ tâm sự với cha mẹ về việc bị bắt nạt, việc cha mẹ thể hiện sự tin tưởng, thái độ nhìn nhận vấn đề nghiêm túc rất quan trọng và cần thiết. Do hành động này từ phụ huynh có thể có tác dụng chữa lành sự tổn thương cho trẻ ở mức độ nhất định, khi trẻ nhận ra mình được lắng nghe, được ủng hộ, được bên cạnh. Đồng thời, chuyên gia cũng nhắc nhở cha mẹ rằng giải quyết vấn đề bị bạo lực, bắt nạt không thể để con trẻ tự giải quyết. Mọi hành động giúp đỡ của người lớn mà con tin tưởng thực sự cần thiết.

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách: thu thập thông tin từ các câu chuyện con kể, cho con biết cha mẹ rất biết ơn vì con có thể trò chuyện, nói về những gì con đã trải qua. Đồng thời cha mẹ cũng gợi ý để có thể giúp tình trạng con tốt hơn, việc gặp gỡ các chuyên gia là điều cần thiết.

Nắm bắt tình hình thường xuyên và có cuộc đối thoại rõ ràng với trường học của trẻ 

Phụ huynh cũng hãy thường xuyên liên hệ, trao đổi với trường học về tình hình con trẻ, nhất là khi cha mẹ nhận thấy nhiều dấu hiệu không ổn khi trẻ đến trường. Thầy cô, nhân viên trong trường có thể có một vài thông tin có ích trong việc giúp trẻ thoát khỏi suy nghĩ muốn tổn thương bản thân.

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách: Cha mẹ có thể tìm hiểu và trao đổi với thầy cô mà trẻ tin tưởng, thân thiết, và hiểu về con trẻ. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ khi phải nói về việc bản thân bị bạo lực, tuy nhiên khi trẻ biết được thầy cô sẵn sàng đứng lên bảo vệ trẻ, trẻ sẽ mở lòng hơn.

Quản lý việc con trẻ dùng mạng internet.

Hãy thoả thuận với trẻ về việc cha mẹ có thể kiểm tra các tài khoản mạng xã hội, thiết bị điện tử trẻ đang dùng vài lần trong tháng. Đảm bảo với trẻ rằng cha mẹ đang cố gắng giúp trẻ không bị kẻ xấu lợi dụng qua môi trường mạng và sẽ không can thiệp với các câu chuyện riêng tư của trẻ ở mức độ nhất định. Đồng thời, cha mẹ tiếp tục dùng các thiết lập "An toàn cho trẻ em" ở các thiết bị điện tử trong gia đình.


Hàng ngày, các em học sinh đang phải đối mặt với nhiều loại nguy hiểm khác nhau, bao gồm việc dùng vũ lực, lời mời tham gia phe phái, uy hiếp bắt nạt, có thể xảy ra trên mạng hoặc ngoài đời thường. Ngoài ra, những vấn đề như kỷ luật dùng bạo lực, lạm dụng, bóc lột tình dục… trong một khoảng thời gian đều có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và việc tự vẫn. Trải nghiệm bạo lực là một bài học mà không trẻ em nào cần phải trải qua. Với tình hình COVID-19 vẫn đang diễn ra, việc tiếp tục thực hiện những nỗ lực bảo vệ tinh thần, thân thể trẻ em trên toàn thế giới cần được coi trọng hơn.  

-------------
Nguồn tham khảo: https://www.parents.com/kids/problems/bullying/bullying-and-suicide/
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616