• 111
  • lang
  • lang

Ngôi trường nâng đỡ trẻ có “vết xước tinh thần”

Nhiều phiên tòa ở Đà Nẵng có bị cáo vẫn ở độ tuổi chưa thành niên. Một trợ giúp viên pháp lý nói rằng hình như những đứa trẻ vi phạm pháp luật đều có “vết xước tinh thần”. Sau cú vấp ngã đầu đời, tương lai của những đứa trẻ “cá biệt” này sẽ ra sao? Trăn trở ấy đưa PV Pháp Luật TP.HCM tìm đến Trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nơi tiếp nhận, giáo dục người chưa thành niên có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, từ đó cảm hóa, từng bước giúp các em sống một cuộc đời có ích.

Tú và Tài tập múa lân trong sân trường. Ảnh: TÂM AN

Ước mẹ không phải khóc

Gần 17 giờ, hai em Tú và Tài vẫn đang say sưa tập múa lân để chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ. Ngơi tay tập luyện, Tài (16 tuổi, quê Quảng Trị) chia sẻ mẹ làm nông, cha làm xây dựng, thường xa nhà nên ít có thời gian bảo ban con. Vừa mới lên lớp 9, em đánh bạn nên bỏ trốn và dở dang học hành. Sau đó, em còn gây rối và trộm tiền của người khác để chơi game nên được đưa vào trường.

“Bữa lên thăm em, mẹ em khóc nhiều lắm. Vào đây em mới nhận ra nhiều điều và tự hứa phải thay đổi. Hồi em ở nhà, mẹ hay nấu món thịt kho tàu cho em ăn nhưng em không quan tâm, giờ em lại thấy rất nhớ. Nếu có một điều ước, em ước lúc ở nhà không cãi ba mẹ, không khiến mẹ phải khóc vì em” - Tài thỏ thẻ.

Vào trường, học lại lớp 9, lần đầu tiên em cảm nhận ý nghĩa đặc biệt của ngày khai giảng và bắt đầu thói quen đọc sách, em rất thích học vật lý. Tài ấp ủ ra trường sẽ vào làm trong garage ô tô của một người anh ở quê.

Cô và trò trong một giờ học chữ.

Ngồi kế bên, Tú (17 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng nhoẻn miệng cười khoe tài nấu nướng của mẹ, trong đó “đỉnh” nhất là món thịt kho tàu với canh rau cải. Vào trường một năm nay, em chia sẻ thấy chín chắn hơn so với khi ở nhà.

“Ba em mất sớm, mẹ đi xuất khẩu lao động nên em ở với dì, được chiều nên sinh hư. Ở đây thầy cô đều tận tình, dễ gần, giảng bài cũng dễ hiểu. Vì trường ở xa nên em không muốn người nhà vất vả đến thăm nhiều. Em sẽ cố gắng để được ra trường trước thời hạn vì mẹ, dì và em gái đang chờ em ở nhà” - Tú tâm sự.

Giám đốc, giảng viên trưởng thành từ trường

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, Trung tá Đặng Thị Hải Vân cho biết học sinh được đưa vào trường thường có hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, trộm cắp, thậm chí giết người. Có em chỉ mới 12 tuổi ở Đắk Lắk đã lấy đá làm chết ông nội vì xin tiền không được. “Do đó, nhiều người nghĩ học sinh ở đây hư hỏng nhưng qua quá trình rèn luyện, các em đều có sự chuyển biến rõ nét về hành vi, suy nghĩ. Mừng nhất là nhiều em được tiếp tục học hành và thành công, trở thành những giám đốc, giảng viên hoặc đơn giản là một công dân tốt, sống có ích cho xã hội” - cô Vân chia sẻ.

Theo cô Vân, nhiều trường hợp do đường xá xa xôi nên người thân không có điều kiện đến thăm. Thế nên mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn coi các em như con mình để gần gũi, động viên, đặc biệt không bao giờ phán xét, chê bai dù học trò từng phạm sai lầm gì đi chăng nữa.

“Phán xét sẽ khiến các em tự ti và khép mình. Chúng tôi thường cố gắng lôi cuốn tất cả học sinh tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của trường. Như vậy các em sẽ cảm thấy không bị bỏ rơi, thấy mình được quan tâm, thấy mình có ích. Cũng có em đang tuổi dậy thì nên tính cách có phần ngang bướng. Nhưng hãy cứ đối xử với các em chân thành, mang tình thương của mình để phân tích đúng sai, từ đó uốn ắn, cảm hóa thì cô sẽ hiểu trò mà trò cũng hiểu và thương cô”- cô Vân tâm sự.

Còn đối với học sinh “bướng ơi là bướng”, cô Vân chia sẻ bí quyết không nên la mắng la mà phải nhẹ nhàng hơn với các em, cương quyết nhưng đôi khi cần mềm dẻo để xử lý. Ví như mỗi khi nhận lớp, thấy em nào cá biệt nhất, cô sẽ giao em đó làm lớp trưởng để “lấy độc trị độc”. Cô Vân tin, khi được tin tưởng giao trách nhiệm, điều mà có thể các em chưa bao giờ có, học sinh sẽ lấy lại sự tự tin, cảm thấy mình có ích chứ không phải vô dụng.

Hơn 20 năm gắn bó với trường, Thiếu tá Nguyễn Duy Chung cho biết phần nhiều trẻ có gia đình khiếm khuyết, phát sinh tâm lý chống đối, phá phách hoặc có suy nghĩ rất tiêu cực. Có em mới đầu vô trường còn bỡ ngỡ, thấy công an thì tưởng là đi tù, tâm lý bị rối loạn nên phát sinh ý nghĩ làm sao để trốn thoát được “nhà tù” này. Có em lại đòi yêu sách, không được đáp ứng thì bỏ ăn. Tùy nỗ lực phấn đấu, có em rèn luyện tại trường lâu nhất là hai năm, nhanh nhất là sáu tháng.

Thầy Chung chia sẻ đôi khi cũng nghe ngóng cuộc sống của học trò mình sau khi ra trường, mừng khi không phải bất đắc dĩ đón em nào trở lại trường hoặc đọc thấy tin tức học trò của mình vào tù.

Thầy Chung bồi hồi nhớ lại cậu học trò tên Hải, quê ở Huế, người bé xíu, đôi mắt hay buồn và ít chịu mở lòng với bạn bè, thầy cô. Hải vào trường theo học lớp 6 được vài ngày nhưng lên lớp không chịu học, cứ nghịch ngợm, hết trêu bạn này lại chọc bạn kia. Có cô giáo trẻ khóc hết nước mắt cũng vì sự bướng bỉnh của Hải.

Vào tiết học của mình, thầy Chung bị Hải trêu đùa ném cơn mưa phấn lên bảng. “Thầy biết bạn nào vừa ném phấn lên bảng. Em nghịch vậy đủ rồi, giờ ngoan để lớp mình cùng học bài”- thầy Chung nhỏ nhẹ nói và đưa mắt nhìn lớp một lượt.

Kết thúc buổi học hôm ấy, thầy Chung gặp riêng Hải nói chuyện tìm hiểu lý do. Ban đầu, Hải im lặng nhưng nhờ sự kiên trì và cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô, em dần mở lòng.

“Bố mẹ ly dị hết rồi, em không muốn sống nữa!”- em khóc, nỗi buồn dồn nén lâu nay vỡ òa trong tiếng nấc.

Hóa ra cậu bé ấy mang trong lòng nhiều vết xước vì thiếu thốn tình cảm cha mẹ, ở với ông bà nghèo khó. Hải chán nản, thậm chí chán ghét người thân và bỏ học, trộm cắp lấy tiền chơi game. Em được chuyển vào trường giáo dưỡng để rèn luyện.

“Sau này em về cũng không biết làm gì hết. Em chán nên dễ vô lại trường lắm thầy!”- Hải tâm sự.

Cầm tay học trò, thầy Chung động viên: “Thầy không biết vì sao cha mẹ em ly hôn nhưng chắc chắn họ có nỗi khổ tâm riêng, không ai sinh con ra lại ghét con mình hết. Mấy bữa ba mẹ lên thăm nhưng em thờ ơ, không muốn gặp, có gặp cũng mặt nặng mày nhẹ. Nhưng họ vẫn lên trường chỉ để nhìn thấy con mình giây lát rồi lủi thủi ra về. Em có thương ba mẹ, thương ông bà, thương thầy cô thì cố gắng phấn đấu, rèn luyện để về với gia đình. Họ vẫn đang đợi em”.

Hải im lặng, đôi mắt đỏ hoe. Hai thầy trò đi bộ về khu nội trú của trường. Những ngày sau, các giáo viên thay nhau cố gắng gặp gỡ, động viên, quan tâm Hải nhiều hơn để em không còn cảm thấy đơn độc.

Học sinh được rèn luyện tại Trường Giáo dưỡng số 3.

Nói như thầy Chung, tâm hồn em lúc ấy như cây non héo úa mọc trên mảnh đất cằn cỗi. Nhưng chỉ cần kiên trì chăm sóc, tưới nước hàng ngày thì một lúc nào đó cây sẽ vươn xanh.

Niềm tin của người thầy giáo thành hiện thực sau khoảng 6 tháng. Từ cậu bé tiêu cực, Hải bắt đầu thay đổi, sống cởi mở hơn với mọi người xung quanh. Em chịu học hành, không còn chọc phá, đôi khi còn giành chổi quét lớp, lau bảng với các bạn.

“Mình thấy vậy thì rất mừng, cảm thấy khí thế trong cuộc đời giáo viên. Vì Hải là cậu học trò đặc biệt, chưa bao giờ thấy em nào cá biệt như vậy cả. Thành công này không phải riêng mình đâu mà của nhiều giáo viên khác nữa. Mọi người cùng tác động từng chút để em thay đổi. Điều phấn khởi nhất là em đã chịu mở lòng đón nhận cha mẹ, người thân”- thầy Chung cho hay.

Nhờ rèn luyện tốt, Hải được ra trường trước thời hạn mấy tháng. Tiễn em rời trường, thầy mong cậu học trò nhỏ cố gắng phấn đấu, không vi phạm pháp luật nữa. Nếu có điều kiện thì tiếp tục theo đuổi con chữ, còn không, hãy kiếm một công việc lương thiện để nuôi sống bản thân, sau là gia đình. Hải nhận lời, trở về quê cùng với lời hứa sống một cuộc đời tử tế, có ích.

Thiếu tá Nguyễn Duy Chung nhớ lại câu chuyện về những học trò đặc biệt

Thầy Chung cho hay một cựu học sinh hiện là giám đốc của một công ty ở Đà Nẵng cũng thường xuyên đến thăm trường vào các dịp lễ, tết. Có trường hợp sau khi rời trường thì đi nghĩa vụ quân sự và phát triển sự nghiệp trong môi trường quân ngũ.

Mới nhất là trường hợp của cậu học trò tên Mạnh, vào trường năm 2013 vì hành vi cướp tài sản. Như bao học sinh khác, khi mới vào trường Mạnh cũng bị khủng hoảng tâm lý vì nghĩ mình phải “đi tù”. Sau vài tháng được thầy cô tư vấn, liên tục động viên, Mạnh đã dần lấy lại tinh thần và quyết tâm học tập, rèn luyện tốt. Mạnh được nhà trường đề nghị giảm thời hạn chấp hành ba tháng. Sau khi ra trường, với quyết tâm tiếp tục con đường học vấn, Mạnh đi nước ngoài học thêm bốn năm và lấy được bằng thạc sĩ kinh tế. Hiện Mạnh là giám đốc chiến lược, phó chủ tịch của một công ty lớn ở Hà Nội. Hằng năm, anh đều tham gia chương trình từ thiện, tặng sách và học bổng nhân ngày khai trường cho học sinh miền núi, hoàn cảnh khó khăn.

“Vừa rồi nhà trường tổ chức hội nghị gia đình học sinh để phụ huynh tận mắt xem nơi ăn chốn ở, quá trình học văn hóa, học nghề của các em như thế nào. Mạnh có đến thăm trường và tặng quà cho các em học sinh. Đây là một trong những tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên của học trò nhà trường.

Day dứt vì không thể giúp được trò

Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những niềm vui và nỗi buồn song hành. “Có một cô học trò khác, không bướng bỉnh, không cá biệt như Hải nhưng khiến mình day dứt mỗi khi nghĩ đến”- thầy Chung trầm ngâm nhắc về Giang.

Gia đình Giang ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Cha em chạy xe ôm, mẹ buôn bán nhỏ. Tuổi thơ của em sớm vơi tiếng cười sau mỗi lần chứng kiến cha mẹ chửi mắng, đánh nhau. Một ngày nọ, cha em bỏ vợ con để theo người phụ nữ khác. Giang chuyển về sống với ông bà ngoại và trượt dần từ đó. Em bị bắt và đưa vào trường giáo dưỡng cũng vì trộm cắp.

Thầy Chung nhớ về cô học trò có gương mặt dễ thương, lúc ở trường rất ngoan, đặc biệt tiếp thu kiến thức rất nhanh nên thường bày bài cho các bạn trong lớp. “Lúc đó mình nghĩ con bé này khá, sau ra trường nếu có điều kiện tiếp tục học thì sẽ phát triển tốt. Vậy mà… Có lẽ do tiếp xúc với bạn xấu, thêm chán chường chuyện gia đình nên em tiếp tục sa ngã. Bữa mình vô tình đọc báo thì biết em đang đi tù vì nhiều lần trộm cắp”- thầy nói.

Thầy Chung có một người bạn thân là lãnh đạo phường nơi gia đình Giang sinh sống nên rất hiểu hoàn cảnh của em. Họ đã cố gắng động viên, khuyên nhủ và nhờ những người có uy tín đến tác động để giúp em thay đổi nhưng bất lực. Một lần nọ, thầy đang mua đồ ở chợ thì thấy Giang đang rập rình, ngó nghiêng thứ gì đó rồi đột ngột rẽ vô hẻm. Thầy Chung đuổi theo nhưng tiếc là không kịp.

“Năm nay hình như Giang 32, 33 tuổi gì đó, có một đứa con nhưng không có chồng. Mình với ông bạn thỉnh thoảng vẫn nhắc đến con bé ấy, cảm thấy tiếc và day dứt vì không thể giúp em thay đổi. Nếu em sinh ra ở gia đình khác, hoàn cảnh khác thì có lẽ…”- thầy nén tiếng thở dài.

Hạnh phúc khi học trò biết đọc, biết viết

Là giáo viên đứng lớp xóa mù chữ, Thượng úy Hoàng Trọng Nghĩa chia sẻ, trường có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp thu còn kém. Nhiều em bỏ học lâu, không còn nhớ mặt chữ, phải học lại từ đầu nên rất cực.

Học sinh luyện đọc, luyện viết tại Trường Giáo dưỡng số 3.

“Vui và hạnh phúc nhất là thấy học sinh người dân tộc thiếu số, khi vào trường các em như tờ giấy trắng, chưa biết gì hết, đến khi hết 2 năm thì biết đọc, biết viết, biết phân biệt cái gì đúng, cái gì sai. Có em vừa về đến nhà liền gọi điện khoe với cô là đã về đến nơi an toàn, rồi kể về niềm vui được gặp ba mẹ, bạn bè ra sao”- cô Nghĩa cho hay.

Rồi ngưng lại giây lát, cô Nghĩa trầm tư: “Nhưng khi ra trường các em sẽ được cộng đồng tiếp nhận, hỗ trợ ra sao để không quay lại con đường cũ? Đó là điều chúng tôi luôn trăn trở”.

Các học sinh trong một buổi thực hành học nghề tại Trường Giáo dưỡng số 3. Ảnh: TÂM AN

Dạy nghề phù hợp

Trường đang quản lý, giáo dục 64 học sinh, chủ yếu 14-16 tuổi, trong đó phần nhiều là người dân tộc thiểu số. Ngoài học văn hóa, học sinh của trường còn được dạy nghề phù hợp với điều kiện, trình độ văn hóa và độ tuổi của các em. Vì điều kiện hoàn cảnh ở xa, gia đình các em cơ bản đều khó khăn nên rất ít có điều kiện đến thăm, chủ yếu liên lạc qua điện thoại.

Những gia đình không có điện thoại thì nhà trường sẽ liên lạc qua chính quyền địa phương. Đây là biện pháp hữu hiệu để học sinh yên tâm tư tưởng học tập, rèn luyện tại trường.

Trung tá TRẦN THỊ BÍCH NGỌC, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3

Nguồn tham khảo: https://plo.vn/ngoi-truong-nang-do-tre-co-vet-xuoc-tinh-than-post701477.html

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn