• 111
  • lang
  • lang

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Thiếu nhi được bắt nguồn từ một sự kiện thảm khốc. Rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Chúng tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. 

Ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng phóng hỏa đốt cháy 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em. Đến năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi (năm 1949). Qua việc này, họ mong muốn chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, giảm bớt ngân sách chi cho quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.

Một số món quà ý nghĩa dành tặng thiếu nhi trong mùa dịch Covid-19

Trẻ em với tâm hồn trong sáng, hồn nhiên cần phải được giáo dục, bảo vệ, tạo điều kiện và môi trường tốt giúp các em phát triển toàn diện. Chính vì thế, các món quà cho bé cũng nên mang thông điệp thể hiện tình yêu thương, quan tâm từ gia đình mình.

Thông thường vào ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), phụ huynh thường sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức buổi tiệc kỷ niệm nhỏ, quây quần bên gia đình, tặng quà hoặc sắp xếp lịch để cho trẻ vui chơi, giúp trẻ có những kỷ niệm. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp năm nay, các bậc bố mẹ nên chú ý đến các biện pháp an toàn phòng dịch.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi trẻ em rất thích được bố mẹ, gia đình, người thân tặng quà. Đặc biệt hơn là những món đồ chơi, tùy thuộc vào giới tính bé trai hay gái và sở thích mà bạn lựa chọn cho phù hợp. 

Một số hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Luật Trẻ em Việt Nam quy định tháng 6 hàng năm là tháng hành động Vì trẻ em nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ dương tính với COVID-19, hoặc trở thành F1, F2, phải sống trong các khu cách ly hoặc các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Cục Trẻ em đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em ... đa dạng các hình thức truyền thông các hoạt động trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021: Truyền thông về chủ đề, thông điệp Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 trên băng rôn, poster treo tại một số tuyến phố của thành phố Hà Nội và hệ thống bưu cục, điểm văn hóa xã; Hàng tuần tổ chức tọa đàm với các chủ đề: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn giãn cách, trong khu cách ly COVID-19; nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em; SNET - Online chuẩn, mùa hè vui; con là ai trong gia đình - chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

Với những trẻ em phải cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19,  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80.000 đồng/ ngày/ cháu trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. 

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn số 217/TE-CSTE gửi tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm  an toàn cho trẻ em trong đại dịch. 

Ngày 31/5/2021, tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19" được tổ chức nhằm tập trung chia sẻ, trao đổi về những thực trạng, trải nghiệm của trẻ em sống trong khu cách ly, giãn cách và những tác động tới thể chất và tinh thần của trẻ em, đồng thời mang tới những lời khuyên hữu ích để chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian dịch bệnh. Đây là sự kiện mở đầu nằm trong khuôn khổ Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 được thực hiện bởi Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children). 

Link xem chương trình tọa đàm: https://fb.watch/5Qhkci2gvy/

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061