• 111
  • lang
  • lang

Nguy cơ từ các hành vi xâm hại tình dục qua mạng xã hội ngày càng gia tăng

Theo báo cáo của phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), tình hình tội phạm xâm hại trẻ em từ đầu năm đến nay đang ở mức đáng lo ngại. Đặc biệt, nguy cơ từ các hành vi xâm hại tình dục qua mạng xã hội đang ngày càng gia tăng.

Tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hiện nay trên địa bàn có hơn 1,9 triệu trẻ em. Trong đó, có 9.804 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 25.503 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố thời gian qua dù giảm về số vụ, nhưng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em phổ biến là xâm hại tình dục, đánh đập, chửi bới.

Thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận trẻ em ngày càng tăng (Ảnh minh họa: CC).

Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ em gái.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin thêm, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, gồm cả người lao động phổ thông, trình độ dân trí thấp cho tới những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.

Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình. Đặc biệt nguy hiểm, một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm.

Thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận trẻ em

Theo báo cáo của phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), tình hình tội phạm xâm hại trẻ em từ đầu năm đến nay đang ở mức đáng lo ngại.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 45 vụ bạo lực được ghi nhận, với 46 nạn nhân. Trong đó, 4 nạn nhân là nam, 42 nạn nhân là nữ và có tới 40 vụ thuộc nhóm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục.

Mặc dù con số này giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nguy cơ từ các hành vi xâm hại tình dục qua mạng xã hội đang ngày càng gia tăng.

Cũng theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng thời gian rất lâu sau đó mới được phát hiện.

Nguy hiểm hơn nữa, tội phạm xâm hại trẻ em ngày nay còn lợi dụng mạng xã hội bằng các thủ đoạn lập phòng chat ảo, game online, diễn đàn để thu thập thông tin cá nhân của trẻ em. Sau khi tiếp cận, làm quen, chúng đánh vào tâm lý, khiến trẻ em tin tưởng, thậm chí coi như chúng thần tượng.

Sau đó, chúng sẽ dụ dỗ các em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động...

Giả danh và tạo hình ảnh giảTội phạm giả danh là người cùng giới, cùng tuổi, hoặc tạo ra các thông tin ảo trên mạng xã hội về tên, tuổi, địa chỉ, và hình ảnh giàu sang, học thức để dễ dàng tiếp cận và lừa gạt trẻ.

Dụ dỗ và đe dọa: Sau khi có được hình ảnh nhạy cảm của trẻ, tội phạm đe dọa phát tán nếu trẻ không chịu quan hệ tình dục hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của chúng.

Gạ gẫm và dụ dỗ bằng vật chất: Tội phạm dụ dỗ trẻ bằng các phần quà, tài khoản game ảo để trẻ gửi hình ảnh khỏa thân hoặc video clip nhạy cảm, sau đó thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, cưỡng đoạt tài sản, môi giới mại dâm hoặc mua bán trẻ em.

Để phòng ngừa tình trạng này, Công an TPHCM đang tăng cường các hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm và phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương xây dựng các mô hình “Phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục” và “Phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, mua bán”. 

Các chương trình này nhằm tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm qua mạng xã hội.

Đồng thời cơ quan chức năng cũng đã có khuyến cáo cho phụ huynh và người giám hộ trong đó có việc  giám sát hoạt động trực tuyến: Luôn giám sát và nắm bắt hoạt động trực tuyến của con em, đặc biệt là khi các em tham gia các phòng chat, game online và mạng xã hội.

Thường xuyên giáo dục con em về nguy cơ và thủ đoạn của tội phạm mạng, khuyến khích các em không chia sẻ thông tin cá nhân và hình ảnh nhạy cảm.

Nếu phát hiện con em có dấu hiệu bị đe dọa, xâm hại, lập tức liên hệ với cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/nguy-co-tu-cac-hanh-vi-xam-hai-tinh-duc-qua-mang-xa-hoi-ngay-cang-gia-tang-20240518105754397.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.