Mặc dù nhiều người lao động có những trải nghiệm di cư tích cực nhưng cũng có những trường hợp người lao động di cư Việt Nam trong quá trình di cư có trải nghiệm bị lạm dụng và bóc lột. Lao động di cư không chính thống là một trong những con đường có thể khiến người lao động phổ thông rơi vào tình huống trớ trêu kể trên, phải gánh nợ nần hoặc thậm chí rơi vào nguy cơ bị mua bán.
Lao động di cư bất hợp phát sang các nước phát triển là một xu hướng nổi bật trong những năm gần đây tại một số tỉnh thành ở Việt Nam. Điều kiện gia cảnh của nhóm người di cư này thường có phần khá giả hơn so với mặt bằng mức sống chung của nơi họ ở hoặc trong gia đình đã có người di cư thành công theo con đường bất hợp pháp. Bên cạnh đó, họ cũng tình nguyện chi trả chi phí cao cho những đường dây môi giới lậu. Quan trọng hơn, họ đều biết về những nguy hiểm, rủi ro có thể sẽ gặp phải. Tuy nhiên đa số đều cho rằng những nguy hiểm đó chỉ là việc không may, ít khi gặp phải. Họ tin những người thất bại chỉ là số ít vì có quá nhiều người đã thành công vượt cửa ải này.
Khi phải thực sự tham gia vào đường dây di cư lao động bất hợp pháp, họ mới trải qua những giây phút đầy ám ảnh. Ví dụ, với những người di cư bất hợp pháp sang Anh, trước khi đến được nước Anh, những người tham gia đường dây lao động nhập cư trái phép phải sống chui lủi, lén lút ở các khu rừng tị nạn, chấp nhận đốt, xé bỏ các giấy tờ cá nhân và từ chối được nhận dạng. Hằng ngày nhóm người này phải đối mặt với nguy cơ bị cướp bóc, bị giết, sống thấp thỏm trong một cộng đồng hỗn tạp, vô chính phủ và không ai bảo vệ. Và khi màn đêm buông xuống, nhóm người này tranh thủ lẻn vào các bãi xe hàng tìm các container đông lạnh có lộ trình hướng về nước Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào.
Chiếc xe tải chở 39 người Việt xấu số tại Essex, Anh. Ảnh Daily Mail.
Dù được chính quyền địa phương, các tổ chức y tế từ thiện cung cấp nước, thức ăn và đến thăm nơi này hàng tuần nhưng cuộc sống của nhóm người nhập cư trái phép vẫn rất tạm bợ. Phần lớn nhóm người này đều tin rằng sẽ tìm được một công việc dễ dàng ở Anh và bỏ qua những thông tin về người Việt bị bóc lột sức lao động trong các trang trại cần sa. Họ vẫn quyết tâm đi đến cùng cuộc hành trình mạo hiểm này vì cho rằng điều đó chắc chắn không xảy ra với bản thân mình.
Ngoài những khó khăn trên, họ còn phải đối mặt với loại “thuế thân”, một loại thuế gây sợ hãi cho nhiều người đang sống trong khu rừng tị nạn. Nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ sẽ thường bị những kẻ mafia, côn đồ, những kẻ chăn dắt đường dây bắt buộc quan hệ thân xác, bị lạm dụng tình dục không chỉ một lần. Bên cạnh đó, việc không được tắm rửa vệ sinh thường xuyên trong điều kiện sống khắc nghiệt trở thành chuyện bình thường.
Tại một trại di dân Việt Nam ở Angres, Pháp, năm 2017. Ảnh: Mimi Vũ
Tuy điều kiện và môi trường sống nguy hiểm là vậy, những người trẻ và thậm chí một vài người 50, 60 tuổi vẫn kiên trì cắm trại để ở lại. Giấc mơ lao động có được thu nhập vài chục triệu đồng hàng tháng vẫn ở đấy. Với họ chỉ có cách tiếp tục chịu đựng mới có thể trả được nợ, chuộc lại những quyển sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng, đổi đời cho gia đình hoặc cả dòng họ đang ở quê nhà Việt Nam.
--------------
Nguồn tham khảo:
--------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng.. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111 về BVTE và MBN: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của tổng đài: Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616