Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhận định: Vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực trong gia đình, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại trên môi trường mạng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Sáng 27-12, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, trong năm 2023, công tác trẻ em ghi nhận nhiều kết quả tích cực như: Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em tiếp tục được quan tâm rà soát, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu về công tác trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em...
Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh, hình thành băng nhóm kín thông qua mạng xã hội kêu gọi thành viên để giải quyết các mâu thuẫn hoặc chống trả lực lượng chức năng. Cùng với đó, nhiều vấn đề vẫn còn nhức nhối, như tình trạng trẻ em bị đuối nước còn ở mức cao (6 tháng đầu năm, có 758 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước). Nhân lực quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở nhiều địa phương còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã…
Quang cảnh hội nghị
Trong bối cảnh công tác trẻ em gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, điều đáng lo là nhiều địa phương bố trí ngân sách cho công tác trẻ em còn thấp, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ về trẻ em của ngành. Cụ thể, phân bổ kinh phí công tác trẻ em tại các địa phương thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trong năm 2023 là 116,4 tỷ đồng (giảm gần 4 tỷ đồng so với năm 2022).
Năm 2024, mục tiêu đặt ra đối với công tác trẻ em là tăng cường phân bổ nguồn lực địa phương cho việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kiểm soát và giảm số lượng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích trên tất cả loại hình tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, cháy, nổ. Phấn đấu 60% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm, còn 6,7%. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em, nhất chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề về xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà yêu cầu Cục Trẻ em chú trọng tăng cường truyền thông, vận động nhân dân và toàn xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em; tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để hướng dẫn địa phương triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả tại địa phương.
Cục Trẻ em cũng cần đẩy mạnh kết nối liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục theo dõi, thống kê về tình hình trẻ em, xâm hại trẻ em, tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em, tăng cường chỉ đạo, theo dõi việc rà soát, kiểm tra, thanh tra bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Nguồn tham khảo:
https://hanoimoi.vn/nhieu-nguy-co-tiem-an-lam-gia-tang-xam-hai-tre-em-654287.html
----
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn