• 111
  • lang
  • lang

Nhức nhối bạo lực học đường ngày càng "trẻ hóa"

Thời gian gần đây độ tuổi vi phạm bạo lực học đường đang ngày càng trẻ hóa, đối tượng vi phạm có người còn ở độ tuổi rất nhỏ nhưng đã có những hành vi bạo lực nghiêm trọng, có đối tượng còn bị xử lý hình sự.

Hồi chuông cảnh báo 

Bạo lực học đường ở Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn nghiệm trọng, việc mô tả hay dẫn chứng có lẽ không còn cần thiết nữa khi chỉ cần gõ cụm từ này vào Google, chỉ trong 0,31 giây đã cho ra khoảng 26.900.000 kết quả (gần 27 triệu). 

Số vụ bạo lực học đường gia tăng đáng báo động (Ảnh minh họa)

Theo số liệu Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. 

Đáng lo ngại hơn, thống kê của Bộ Công An cho thấy, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Chưa hết, mới đây nhất một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị 2 nữ sinh khác lột áo rồi đấm, đá tới tấp vào người. Dù nữ sinh này đã xin đừng đánh nhưng 2 nữ sinh kia vẫn tiếp tục đánh. 

Bên cạnh đó, một nam sinh đứng xem, quay lại clip trên và có những lời lẽ tục tĩu., một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết về tính chất dã man của loại tệ nạn này trong nhà trường.

Ở độ tuổi chưa trưởng thành về tâm lý và nhận thức, hành động các bạn học sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ mà các em tiếp xúc, trong đó có thể kể đến là các trò chơi giải trí mang tính bạo lực và mạng xã hội. Những trò chơi điện tử không đơn thuần là giải trí mà đã ít nhiều tác động đến tâm lý các em. 

Mạng xã hội cũng là một môi trường thiếu lành mạnh khi hằng ngày lại có những video bạo lực một cách man rợ được đăng tải, phát tán những hình ảnh đánh nhau, kèm theo đó là những tiếng reo hò cổ vũ của mọi người xung quanh…

Không những vậy, môi trường gia đình và xã hội là cũng là yếu tố tác động rất nhiều đến việc hình thành tâm lý trường học của các em. Cha mẹ ngày càng dành ít thời gian cho con, mối quan hệ trong gia đình đổ vỡ,… khiến nhiều trẻ không làm chủ được bản thân, dễ sa ngã vào những con đường lệch lạc, hình thành bản chất xã hội từ sớm. 

Ở những gia đình khác, tâm lý con trẻ bị sứt mẻ có thể đến từ cách giáo dục sai như thường xuyên quát mắng, cha mẹ trút giận lên con cái hoặc xảy ra bạo lực trước mặt con cũng gây ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của trẻ.

Nỗi lo bệnh tâm lý từ bạo lực học đường

Hiện nay, đa số các trường học đều bổ sung hệ thống camera an ninh ở tất cả các vị trí xung quanh khuôn viên trường để phát hiện kịp thời những vụ bạo lực xảy ra trong nhà trường. Đồng thời, tổ chức những buổi chia sẻ, răn đe và khuyến khích trẻ kịp thời, đúng lúc, thúc đẩy môi trường an toàn trong nhà trường. 

Không có một đáp án chính xác nào về lý do của các vụ bạo lực học đường vậy nên cha mẹ đang có con em trong độ tuổi đến trường cần dành nhiều thời gian, quan tâm và phối hợp cùng thầy, cô để nhận ra những dấu hiệu sớm nhất trong trường hợp con em mình có liên quan đến bạo lực học đường.

Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp... Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.

Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi. Đồng thời nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này. Thậm chí có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.

Là nạn nhân bị bạo lực học đường từ những năm học cấp II, bạn Tuyết Mai (16 tuổi), Hải Dương đã mất hai năm chuyển sang một ngôi trường mới để tự chữa lành khủng hoảng tâm lý. 

“Đó là ngày năm tháng đáng sợ và kinh khủng nhất thời học sinh của em, các bạn nữ trong lớp đã cô lập em khỏi tập thể, thậm chí các anh chị lớp trên mỗi lần nhìn thấy em đều chửi mắng, buông lời tục tĩu rất khó nghe và đôi lúc còn tác động lên cơ thể em”, Mai nói. 

Điều đó khiến em nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời nhưng may mắn được gia đình kịp thời phát hiện. Đến nay, tuy đã ổn hơn những em vẫn sợ những nơi đông đúc và khó hòa đồng với các bạn hơn”, Mai chia sẻ thêm.

Cùng hoàn cảnh với Tuyết Mai, bạn Nguyễn Thị Ngọc (14 tuổi), Hải Dương xót xa kể lại: "Em từng bị các bạn lột đồ, xé sách vở, bị mắng chửi bằng những từ ngữ miệt thị vô cùng xấu xa. Em là nạn nhân của bạo lực học đường, nhưng lại phải đối diện với những câu hỏi mang tính chất chất vấn "phải làm gì thì mới bị các bạn đối xử như vậy".

Thực trạng và mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường là vấn nạn được quan tâm hơn cả trong môi trường giáo dục hiện nay. Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/nhuc-nhoi-bao-luc-hoc-duong-ngay-cang-tre-hoa-20240413151856210.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.