• 111
  • lang
  • lang

Những điều cha mẹ nên biết về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

     Tình hình xâm hại tình dục và buôn bán trẻ em đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng, gây tác hại xấu về nhiều mặt trong xã hội, làm suy đồi đạo đức, thuần phong mỹ tục và sức khỏe của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, làm tăng nguy cơ  lây nhiễm HIV/AIDS.

      Rất nhiều trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục bởi một hình thức nào đó. Số trẻ bị xâm hại tình dục ở nước ta mỗi năm một tăng. Nếu không biết cách phòng ngừa, trẻ em trai cũng như trẻ em gái, ở bất kì độ tuổi nào, trong bất kì gia đình nào cũng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

      Đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ, các ngành chức năng chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn mại dâm, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em. Để giúp các bậc cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ, những cán bộ làm công tác với trẻ em sớm kịp thời phát hiện và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em một cách có hiệu quả, chúng ta hãy cùng tham khảo thêm những thông tin hữu ích về phòng tránh xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em là gì?

      Luật Trẻ em 2016 quy định là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Đó là khi một người nào đó có hành động hay lời nói cố ý làm tổn hại đến sự cân bằng về mặt tinh thần, tình cảm, và xã hội của trẻ, làm hạ thấp nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của trẻ

     Xâm hại trẻ em cũng bao gồm cả việc cố tình tước đoạt những nhu cầu tồn tại cơ bản của trẻ như ăn uống, nhà cửa, làm trẻ bị tổn thương về mặt thể chất đến mức nếu như không được can thiệp ngay thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của trẻ hoặc dẫn tới tàn tất hay tử vong.

     Xâm hại trẻ em là một tội ác, là vi phạm pháp luật.

Các hình thức xâm hại trẻ em: trẻ em có thể bị xâm hại dưới nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Theo Luật Trẻ em 2016, các hình thức xâm hại trẻ em bao gồm:

     Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

     Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

     Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Nghĩa là trẻ không được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành và chăm sóc y tế khi ốm dau.

     Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

     Xâm hại tình dục xảy ra khi một người lớn tuổi hơn, khỏe mạnh hơn sử dụng quyền lực và sức mạnh, có thể là tiền bạc, vật chất của mình, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ em để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục. kẻ xâm hại có thể sử dụng nhiều cách lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, đe dọa hay trấn áp về tinh thần hoặc thể chất đối với trẻ để thực hiện hành vi xấu xa của mình.

     Xâm hại tình dục có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như có những hành vi tự kích thích tình dục trước mặt trẻ, cố tình phô bày những bộ phận kín của cơ thể; Hôn hít hay sờ mó vào bộ phận kín của trẻ hoặc bắt trẻ phải làm như vậy chính mình; Đưa dương vật, ngón tay, hoặc bất kỳ vật gì vào âm đạo hoặc hậu môn của trẻ; Cho trẻ xem sách báo, phim ảnh có tính kích dục.

     Cha mẹ và trẻ cần ghi nhớ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – đây là tổng đài tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho trẻ em; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

     Ngoài ra, những địa chỉ sau cũng trợ giúp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em:

  • Đường dây nóng: Cảnh sát 113.
  • Trung tâm Công tác xã hội trẻ em các tỉnh / thành phố.
  • Phòng trẻ em Trực thuộc các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tình / thành phố.
  • Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận/huyện.
  • Công an các tỉnh địa phương gần nhất.
  • Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam


----

Nguồn tham khảo: Sách: "Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em" của Unicef.

----                    

  •