• 111
  • lang
  • lang

Những dự báo thay đổi trong hành lang di cư đến khu vực châu Âu và các nước thuộc Tổ chức hợp tác phát triển (OECD)

Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu kinh khủng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Đại dịch này tạo ra những chấn động tiêu cực và sâu sắc trong xã hội, kinh tế cũng như chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Và di cư cũng không ngoại lệ.

Đại dịch làm đứt gãy hành lang di cư, khiến người lao động di cư bị mắc kẹt, bị mất việc làm, mất thu nhập, giảm lượng kiều hối và đẩy hàng triệu người di cư và người dễ bị tổn thương vào cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, không vì thế hành lang di cư sẽ bị dừng hoàn toàn. Những nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia đang cố gắng lập kế hoạch để đưa di cư trở lại với những thay đổi và chính sách mới, giúp phục hồi các nền kinh tế xã hội. Những thay đổi trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến quy mô, định hướng của di cư chính thống và di cư không chính thống trong các năm tới đây.

Do hầu hết các quốc gia trên thế giới đều siết chặt thủ tục nhập cảnh và di chuyển nội địa cũng như quốc tế, số lượt di chuyển quốc tế đã giảm khoảng 65% trong nửa đầu năm 2020, ảnh hưởng đến việc giao thương cũng như di cư. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết có khoảng 160 triệu người di cư đã bị mắc kẹt bởi các sắc lệnh hạn chế di chuyển trong khoảng thời gian này. Cùng lúc, có khoảng 3 triệu người lao động di cư bị mắc kẹt ngay tại nơi cư trú hiện tại và không thể trở về quê hương do các biện pháp hạn chế di chuyển. Họ phải đối mặt với các nguy cơ về sức khoẻ vì phải làm ở các vị trí, ngành nghề tuyến đầu cũng như phải sống trong môi trường thiếu thốn hơn.

Theo truyền thông Pháp, trong năm 2020, khi các quốc gia phát triển buộc phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, số người nhập cư vào các nước thuộc Tổ chức hợp tác phát triển (OECD) đã giảm một nửa. Ngay cả ở những nước vốn dựa nhiều vào lao động nhập cư như Canada và Úc, tỷ lệ nhập cư cũng lần lượt giảm 45% và 70%. Các lãnh đạo và nhà chính sách châu Âu cho biết: châu Âu cần thống nhất chính sách di cư, quản lý người di cư và kiểm soát biên giới. Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh, châu Âu cần lập một cơ chế tập trung về hồi hương người di cư và cơ chế này sẽ do Ủy ban châu Âu (EC) điều phối.

Khả năng tiếp cận vaccine không đồng đều tại nhiều quốc gia cũng như sự phục hồi khác nhau của các nền kinh tế cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy việc di cư trong tương lai. Truyền thông Pháp nhận định, thời gian tới, nhất là sau năm 2021, làn sóng nhập cư sẽ sôi động trở lại do người di cư không còn bị cản trở bởi các rào cản hiện nay.

Ðối phó các dòng người di cư bất hợp pháp sẽ lại trở thành gánh nặng cho nhiều nước phát triển, nhất là các quốc gia châu Âu, nơi từng là “tâm bão” của khủng hoảng nhập cư trong suốt 10 năm vừa qua. Cùng lúc đó, lực lượng hải quân của Vương quốc Anh đã nhận bàn giao siêu tàu robot Madfox để thử nghiệm thực tế trong một năm nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng di cư bất hợp pháp. Báo chí Anh cho biết, siêu tàu Madfox được trang bị các công nghệ giám sát tiên tiến, có khả năng phát hiện nhanh các loại tàu, trong đó cả dạng thuyền bơm hơi mà người di cư sử dụng khi cố gắng vượt qua eo biển dài 20 dặm giữa Pháp và Anh.

Hoạt động di cư chính thống được nối lại sẽ có tác động tích cực với thị trường lao động toàn cầu, nhất là tại các quốc gia phát triển. Thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu lao động nhập cư ở nhiều nước sẽ tăng mạnh. Theo người đứng đầu bộ phận Di cư quốc tế tại OECD, ở các nước phát triển, nhiều lĩnh vực không thể thiếu lao động nhập cư như sản xuất nông nghiệp, y tế, dịch vụ. Theo thống kê, trong khối OECD, 25% số người làm việc ở các lĩnh vực kể trên là lao động nhập cư.

Sẽ có nhiều áp lực lên các nhà hoạch định chính sách hơn để giải quyết các thủ tục di cư hậu đại dịch. Các hoạt động phục hồi kinh tế sau COVID-19 có thể sẽ tác động tích cực lên hành lang di cư đến châu Âu, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho những lao động di cư hơn là người bản xứ, kể cả đối với di cư không giấy tờ.

Tuy nhiên vẫn còn những cố gắng chưa đạt được trong quá trình hợp tác với các nước đối tác ngoài khối EU về di cư. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hầu như tất cả các quốc gia, trong đó các quốc gia, khu vực xuất xứ của người lao động di cư đến châu Âu cũng không thể tránh khỏi các tác động tiêu cực lên xã hội, kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh này, những quốc gia đối tác có thể gặp khó khăn hơn trong việc hợp tác khi quản lý việc di cư cũng như đón người hồi hương. Các quốc gia EU được hi vọng sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách và hoạt động hỗ trợ hơn cho những quốc gia đang phát triển trong hành trình này.

Trong bối cảnh dòng người di cư trên toàn cầu chuẩn bị được nối lại nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, chính phủ các nước, nhất là các quốc gia OECD cần sớm phối hợp, hoạch định chính sách hợp lý để một mặt ngăn chặn được làn sóng di cư bất hợp pháp, mặt khác tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực nhập cư cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế thời kỳ “hậu Covid-19”. Bên cạnh đó, một loạt câu hỏi chính sách cũng đang cần được các chính phủ đưa ra lời giải đáp như: có nên cấp giấy phép cư trú cho người lao động làm việc từ xa không và xử lý thế nào đối với thuế của người nhập cư có trình độ cao, nhưng làm việc từ xa.

----------

Nguồn tham khảo:

https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_808937/lang--vi/index.htm

https://www.icmpd.org/file/download/50542/file/ICMPD_Migration_Outlook_2021_final.pdf

https://news.un.org/en/story/2021/06/1093182

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/lan-song-di-cu-sau-dich-benh-640928/

----------