• 111
  • lang
  • lang

Những kỹ năng mềm có lợi cho trẻ (Phần 1)

Các kỹ năng sống là những bài học cực kỳ hữu ích với trẻ trong quá trình phát triển. Nhưng nhiều bạn trẻ chưa được học những bài học trong cuộc sống cho đến khi trẻ vào trường cấp 3. Cha mẹ hãy cố gắng dạy trẻ những bài học căn bản từ nhỏ, chứ đừng chờ đợi đến khi trẻ đến tuổi thanh thiếu niên.

Một số kỹ năng sống dưới đây cũng có thể là các công việc gia đình hàng ngày, nhưng có thể giúp trẻ tập chủ động, tự lập, biết đưa ra quyết định và xây dựng các kỹ năng mềm khác có ích khi trẻ lớn lên.

1. Kỹ năng ra quyết định

Khả năng đưa ra được những quyết định đúng đắn là một trong những kỹ năng quan trọng mà trẻ nên được học hỏi từ khi trẻ còn nhỏ. Cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ từ một số chuyện đơn giản như chọn vị kem sôcôla hay kem vani, chọn đôi tất trắng hay xanh, chọn đồ chơi là tàu hoả hay xe ô tô. Khi trẻ đến độ tuổi cấp một, trẻ có thể học cách đưa ra quyết định phù hợp để có được phần thưởng hoặc chấp nhận hình hạt nếu quyết định hành động chưa phù hợp.

Cha mẹ hãy cùng nhau hướng dẫn trẻ từng bước một trong quá trình trẻ cố gắng tự đưa ra quyết định: giúp các con so sánh các lựa chọn, cân nhắc lợi và hại của các quyết định và để trẻ tự đưa ra quyết định cuối cùng.

2. Giữ gìn sức khoẻ và vệ sinh răng miệng 

Không khi nào là quá sớm để phụ huynh dạy trẻ về vệ sinh thân thể và răng miệng. Hàng ngày, cha mẹ đều thúc giục các con đi tắm rửa, đánh răng, rửa tay, thay quần áo mà quên mất việc giải thích cho trẻ vì sao chúng cần làm như vậy. 


 
Việc giải thích cho trẻ lý do cần giữ gìn vệ sinh thân thể và răng miệng là một hành động cần thiết trong quá trình trẻ đang học về các kỹ năng sống hàng ngày. Khi cha mẹ bắt đầu hướng dẫn con trẻ về việc giữ gìn về sinh, hãy thử lập một bảng theo dõi, dặn trẻ hãy tự đánh giá bản thân hàng ngày nếu đã hoàn thành xong một nhiệm vụ nào đó.

Khi những thói quen có ích này dần được hình thành sau một khoảng thời gian nhất định, cha mẹ có thể cất bảng theo dõi đi vì khi đó, trẻ đã tự xây dựng một thói quen trong não cho dù không có cha mẹ nhắc nhở hoặc sự hiện diện của bảng theo dõi.

3. Quản lý thời gian

Bất kỳ cha mẹ nào cũng hiểu được rằng kỹ năng quản lý thời gian cực kỳ hữu ích và quan trọng trong việc giúp các thành viên gia đình hoàn thành được công việc. Tuy nhiên, con trẻ cũng nên được tham gia học kỹ năng này khi còn nhỏ tuổi vì những lợi ích mà kỹ năng này mang lại.

Ngoài việc hướng dẫn về cách đong đếm thời gian, thực hiện đúng việc đúng giờ, việc trẻ học hỏi được cách quản lý thời gian cũng giúp trẻ trở nên chủ động quản lý thời gian của bản thân, từ việc tự đặt báo thức dậy từ mấy giờ, trong bao lâu làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo, ăn sáng và đến trường kịp lúc. 

4. Chuẩn bị thức ăn để nấu nướng hoặc mang đến trường.

Quá trình chuẩn bị thức ăn cho những bữa ăn bình thường hàng ngày khá đơn giản, ngay cả đứa con nhỏ tuổi cũng có thể tham gia cùng. Những việc đơn giản như sắp xếp chén bát, chuẩn bị dụng cụ ăn uống, hoặc xếp thức ăn vào hộp mang theo… trẻ con đều có thể làm được. Khi các con càng lớn, mức độ phức tạp của công việc có thể nâng dần lên, trẻ có thể thành trợ thủ của cha mẹ khi cha mẹ nấu nướng.

Khi trẻ bắt đầu tự tin hơn khi hỗ trợ trong bếp, cha mẹ có thể dạy trẻ thêm một vài kỹ năng nấu nướng hoặc chuẩn bị thức ăn, lựa chọn thức ăn phù hợp cho sức khoẻ và sở thích. 

5. Quản lý tiền bạc, chi tiêu 

Cha mẹ hướng dẫn trẻ những việc cơ bản như tập đếm tiền, những con số nhỏ sau đó dần nâng cấp lên thành so sánh giá cả khi cùng đi mua sắm. Hãy cho trẻ có cơ hội tham gia tính toán đơn giản cùng cha mẹ thường xuyên để tạo thói quen cho trẻ. Đồng thời cha mẹ cũng có thể dạy thêm cho trẻ về ý nghĩa của tiền bạc, và tầm quan trọng của việc biết cách quản lý chúng phù hợp. Việc này có thể giúp trẻ dần hiểu được cần thận trọng trong chi tiêu ở tương lai, nhấn mạnh với trẻ về việc cần tiết kiệm hoặc thay đổi việc quản lý tuỳ theo mục tiêu sau này của bản thân chúng. Trẻ cần được biết rằng việc quẹt thẻ cũng là đang tiêu tiền. 

 

Mời theo dõi phần 2 của bài viết.
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/teaching-children-life-skills-early-4144959
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616