• 111
  • lang
  • lang

Những phương pháp giúp trẻ đối mặt với bạo lực học đường mà cha mẹ cần biết

Sau khi đã có được các thông tin cơ bản về 4 loại bạo lực học đường (BLHĐ), cha mẹ, thầy cô và nhà trường có thể hình dung ra được những vấn đề, khó khăn mà trẻ có thể phải đối mặt tại trường học. Do đó, việc tìm kiếm những giải pháp phù hợp với trẻ để giải quyết dứt điểm được tình trạng BLHĐ rất cấp thiết, cần sự nỗ lực từ cha mẹ, nhà trường và nhiều bên liên quan cùng chung tay. Cha mẹ hoặc người lớn mà trẻ thường tâm sự có thể áp dụng những giải pháp sau đây để hỗ trợ trẻ đối mặt với hành vi BLHĐ

Đối mặt với bạo lực bằng lời nói:
Đầu tiên, cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ về việc tôn trọng. Hãy giúp trẻ hiểu rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử tốt: biết cám ơn, biết khen ngợi, biết tốt bụng. Đồng thời việc tự tôn trọng và yêu quý bản thân cũng rất cần thiết, và nhất là hiểu rõ điểm mạnh của mình. Một lời khuyên từ chuyên gia cho biết: "Cách bảo vệ tốt nhất mà cha mẹ có thể làm đó chính là hãy giúp trẻ tự tin hơn và tăng khả năng độc lập của trẻ. Ngoài ra trẻ cũng cần được hướng dẫn khi nào nên hành động và lên tiếng vì bản thân mình. Hãy nói chuyện và luyện tập cùng trẻ những cách phản ứng mang tính xây dựng và an toàn. Giúp trẻ ghi nhớ những câu trả lời cứng rắn nhưng giọng điệu hoà hoãn khi đối mặt với kẻ bắt nạt, thí dụ: chuyện này không tốt chút nào cả; hãy để mình yên.


Đối mặt với bạo lực thân thể:
Khi nhận thấy con trẻ có khả năng cao đang bị bạo lực thân thể, cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn, chân thành với con: chuyện gì đã xảy ra ở trường, ai là người có mâu thuẫn, cố tình làm đau con? Hãy kiểm soát cảm xúc của bạn, khuyến khích con trẻ mở lòng hơn khi tâm sự cùng bạn về những chuyện đã diễn ra và gợi ý về một buổi trò chuyện cởi mở với giáo viên hoặc tư vấn viên tâm lý của trường.

 

Đồng thời, phụ huynh hãy ghi nhớ ngày tháng của vụ bắt nạt, những lời đáp trả, cách phản ứng của những bên liên quan và những hành động đã được thực hiện. Phụ huynh không nên tự giải quyết riêng với cha mẹ của trẻ đi bắt nạt. Vì nếu con trẻ vẫn còn tiếp tục bị BLHĐ, cha mẹ cần sự hỗ trợ và làm việc với những cơ quan khác ngoài trường học, ví dụ văn phòng luật sư. Hiện chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng chống bạo lực học đường và Quyết định 5886/QĐ-BGDĐT về Ban hành chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021. Do đó, phụ huynh có cơ sở đến bảo vệ con trẻ khỏi BLHĐ bằng pháp luật.


Đối mặt với bạo lực xã hội
Trước hết cha mẹ hãy tạo thói quen trò chuyện với trẻ hàng ngày, trước khi đi ngủ, đặt những câu hỏi cơ bản về việc trẻ đã làm gì hôm nay, học môn gì ở trường, có chuyện gì vui bé muốn kể cho cha mẹ hay không. Cha mẹ cố gắng khơi gợi những điểm tích cực trong ngày, những tích cách tốt của trẻ để trẻ biết rằng luôn có người yêu mến, quan tâm đến trẻ. Luôn khuyến khích các con phát triển tiềm năng và sở thích của bản thân trong các môn học sáng tạo, việc đọc sách, hoặc các hoạt động ngoại khoá ngoài trường học để trẻ có thêm những tình bạn khác.


Đối mặt với bạo lực mạng
Những lời đồn, tin nhắn ác ý trên mạng có thể xuất phát từ những kẻ giấu mặt với tần suất dày đặc, trở thành bạo lực mạng khi con trẻ không hề hay biết. Do đó, cha mẹ hãy đặt ra quy tắc an toàn trên mạng Internet để trẻ làm theo: hạn chế thời gian dùng internet để giải trí; cha mẹ cần biết những ứng dụng/ diễn đàn/ nền tảng trực tuyến tiềm tàng nguy cơ bạo lực mạng; trẻ hiểu rằng cha mẹ sẽ theo dõi và quan sát các hoạt động trực tuyến để đảm bảo trẻ được an toàn khi sử dụng mạng. 


Đồng thời cha mẹ cần hướng dẫn trẻ không nên đáp trả, tham gia hoặc chuyển tiếp những tin nhắn ác ý nếu không may trẻ phải trải nghiệm bạo lực mạng. Thay vào đó, trẻ hãy nói cho bạn biết chuyện gì đang xảy ra, thu thập nội dung, thông tin ngày giờ của những tin nhắn trẻ nhận được và in chúng ra. Cha mẹ sẽ giúp trẻ báo cáo với thầy cô nếu những tin nhắn ác ý kia đến từ phạm vi trường học. Với những vụ việc nghiêm trọng hơn như đe doạ tính mạng, khiêu dâm, cha mẹ có thể báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương.
 


 

Nếu con trẻ tâm sự với cha mẹ về việc con hoặc bạn bè của con bị bắt nạt tại trường lớp, hãy cố gắng giúp trẻ bằng cách:
- Cám ơn trẻ đã tin tưởng và kể cho bạn biết

- Trò chuyện với trẻ để hiểu rõ hơn về vụ việc, thu thập thông tin cần thiết. Phụ huynh hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc, không nên quá nóng nảy và giận dữ.

- Động viên trẻ rằng hành động báo với người lớn mà con tin tưởng để có thể giúp đỡ ngăn chặn hành vi BLHĐ là đúng, nó khác với việc kể cho người khác biết một bí mật giữa con với bạn của con.

- Dành cho con những lời khen ngợi đúng với những gì trẻ nên có, để có thể tăng sự tự tin và lòng tự trọng của bản thân. Hãy tập trung vào những hành vi và đức tính tốt của trẻ. 

- Cùng trẻ nghĩ ra các giải pháp khả thi, phù hợp với trẻ để trẻ có thể phản ứng khi bị bắt nạt tại trường bằng cách tạo ra một danh sách các câu trả lời như "Sao cũng được", "Tớ thấy đủ rồi đấy" hoặc đơn giản là bỏ đi. Khi trẻ đáp trả không nên khiêu khích kẻ bắt nạt vì có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn.  

- Thử diễn tập cùng trẻ với trò chơi nhập vai: kẻ bắt nạt và bản thân trẻ. Phương pháp này có thể tăng khả năng tự tin và tiếp sức mạnh cho con trẻ. Cha mẹ đóng vai kẻ bắt nạt có thể gợi ý trẻ các cách ứng xử khác nhau cho đến khi trẻ đủ tự tin để tự đối mặt với rắc rối. Khuyến khích trẻ dùng giọng điệu rõ ràng, cứng rắn thay vì khóc lóc sẽ khiến kẻ bắt nạt lấn tới.

- Cho trẻ biết rằng, nếu có thể hãy nói thẳng với kẻ bắt nạt về những gì con đang cảm thấy và cách đối xử mà con muốn. Ví dụ "mình cảm thấy không vui chút nào khi các bạn gọi mình bằng tên gọi đó. Mình có tên họ và mình muốn các bạn hãy gọi đúng tên của mình".

- Nhắc nhở con trẻ rằng không phải ai cũng có ý định bắt nạt con. Hãy đối xử chân thành và tốt bụng với những người xung quanh như cách con mong muốn được đối xử. Con có thể đứng lên bảo vệ bạn nếu bạn bị bắt nạt thì còn cũng có quyền được các bạn bảo vệ.

- Nếu kẻ bắt nạt muốn lấy bài tập của con bằng cách đe doạ, hãy cứ đưa cho bạn ấy và con có thể nói chuyện với giáo viên về vấn đề này.
 


Phụ huynh hãy hành động để ngăn chặn các hành vi bắt nạt, BLHĐ. Đặc biệt khi BLHĐ trở nên nghiêm trọng, xảy ra liên tục, cha mẹ liên lạc ngay với giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng để có thể giải quyết tình huống hiệu quả. Phải ngăn chặn các hành vi BLHĐ cho đến khi những hành vi ấy dừng lại hoàn toàn.

 

-------------

Nguồn tham khảo: 

https://www.unicef.org/end-violence/how-to-stop-cyberbullying

https://www.parents.com/kids/problems/bullying/common-types-of-bullying/ 

https://www.ncab.org.au/bullying-advice/bullying-for-parents/types-of-bullying/ 

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111

- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 

+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616