• 111
  • lang
  • lang

Những quan điểm sai lầm về thừa cân, béo phì ở trẻ

Chỉ cần trẻ ăn ít và vận động nhiều hơn là hết béo phì, tình trạng này không liên quan đến gene… là những lầm tưởng thường gặp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì, trong đó, gene là yếu tố ngày càng được các nhà khoa học và nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh (tư vấn di truyền tại công ty Genetica) cho biết, yếu tố di truyền đóng góp 50% vào khuynh hướng khó kiểm soát cân nặng của trẻ. 50% còn lại phụ thuộc vào chế độ ăn và tần suất hoạt động thể chất. Mặc dù béo phì rất phổ biến, nhưng có nhiều quan niệm chưa đúng liên quan đến tình trạng này.

Trẻ mập mạp là đủ chất, không đáng lo

Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, các ông bố, bà mẹ Việt Nam thường có tâm lý lấy cân nặng của trẻ để so sánh với nhau. Họ thường quan niệm rằng, trẻ mập mạp mới khỏe mạnh nên cố gắng cho con ăn nhiều. Nếu trẻ mũm mĩm, không đến nỗi thừa cân, béo phì thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi trẻ vượt quá cân nặng chuẩn, cha mẹ nên lưu ý.

Bởi thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển. Tình trạng này có thể khiến trẻ nặng nề, phản xạ kém, khó thở hay có những cơn ngừng thở lúc ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Trẻ còn có thể bị dậy thì sớm, kìm hãm sự tăng trưởng chiều cao. Con còn có nguy cơ cao các bệnh như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, tiểu đường type 2, đột quỵ, tim mạch, ung thư... khi trưởng thành, làm làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

Ngay cả khi trẻ thừa cân, béo phì cũng có thể thiếu chất dinh dưỡng. Bác sĩ Mỹ Hạnh giải thích, trẻ có cân nặng vượt chuẩn thường thích ăn nhiều loại chất béo, ít ăn rau xanh. Điều này có thể làm mất cân bằng các nhóm chất, gây ra tình trạng thiếu vi chất. Nếu con thừa cân, béo phì, phụ huynh nên cho bé ăn uống điều độ, cân bằng các nhóm chất. Trẻ nhỏ không nên áp dụng chế ăn uống kiêng khem để giảm cân mà cần chú trọng tập thể dục để giảm lượng mỡ dư thừa.

Chỉ cần ăn ít và vận động nhiều là hết béo phì

Nhiều người thường nghĩ rằng béo phì là do chế độ ăn uống nhiều chất béo và thiếu hoạt động thể chất. Chúng ta thường nghe nói rằng người béo phì thường "lười biếng". Trong nhiều trường hợp, tiêu thụ nhiều calo hơn cơ thể cần trong một thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Phần lớn các biện pháp giảm béo phì nhằm mục đích giảm lượng calo, tăng hoạt động thể chất hoặc cả hai.

Theo bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết, mặc dù chế độ ăn uống và tập thể dục là những yếu tố quan trọng, nhưng một số yếu tố không liên quan cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong bệnh béo phì. Những yếu tố mà chưa được chú ý đến như ngủ không đủ giấc, căng thẳng tâm lý, đau mạn tính, rối loạn nội tiết (hormone), sử dụng một số loại thuốc... Trong những trường hợp này, ăn quá nhiều có thể là một triệu chứng hơn là một nguyên nhân. Vận động nhiều hơn và ăn ít hơn không phải là lời khuyên đầy đủ.

Một số yếu tố này kết hợp với nhau làm tăng khả năng béo phì. Ví dụ, căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra tình trạng thiếu ngủ. Đây là một yếu tố khác làm phát triển béo phì.

Trẻ béo phì thường do dư thừa năng lượng, lười vận động và có liên quan đến gene. Ảnh: Freepik

 

Béo phì là do ăn uống, không liên quan đến gene

Chế độ dinh dưỡng và vận động là hai yếu tố quan trọng hàng đầu khi nhắc tới nguyên nhân béo phì. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy, tỷ lệ béo phì tăng cao ở những trẻ có bố mẹ béo phì, sự giống nhau về tình trạng dư thừa cân nặng ở các cặp song sinh cùng trứng. Mối quan hệ giữa béo phì và di truyền rất phức tạp, nhưng khi trẻ có người thân bị béo phì không nhất thiết sẽ phát triển tình trạng này. Tuy nhiên, trẻ có thể thuộc nhóm nguy cơ cao hơn người bình thường.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ thừa cân, béo phì là do gene. Theo thông tin đăng tải trên Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, các nghiên cứu về sự liên kết trên toàn bộ bộ gene đã phát hiện ra hơn 50 liên quan đến béo phì. Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, những gene hoặc đột biến của gene như CADM2, PPARGC1A, FMO3, AMY1, FTO, LEPR.... làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Một trong những gene có liên quan nhiều nhất đến thừa cân, béo phì là FTO, LEPR.

Khối lượng chất béo và protein béo phì (FTO) có liên quan đến việc điều chỉnh năng lượng và béo phì. Vai trò của FTO trong béo phì đã được nghiên cứu rộng rãi. Những thay đổi di truyền này bị ảnh hưởng bởi bột đường và chất xơ mà trẻ tiêu thụ như một phần của chế độ ăn uống, cũng như lối sống ít vận động.

Thiếu hụt thụ thể leptin là tình trạng gây béo phì nghiêm trọng bắt đầu trong vài tháng đầu đời. Những trẻ bị ảnh hưởng có cân nặng bình thường khi sinh, nhưng trẻ liên tục đói và nhanh chóng tăng cân. Cơn đói cùng cực dẫn đến ăn uống quá mức mạn tính và béo phì.

Xét nghiệm gene béo phì cho trẻ có thể là gợi ý để xây dựng chế độ ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp với gene của con. Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, xét nghiệm gene để xác định nguy cơ béo phì ở trẻ em ngày càng được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Qua phân tích gene, cha mẹ có thể biết được trẻ có mức độ cảm nhận vị ngọt cao hoặc thấp. Nếu trẻ có mức cảm nhận vị ngọt cao thì hương vị ngọt có sức hấp dẫn rất lớn và tạo khoái cảm khi ăn. Trẻ có sở thích ăn thực phẩm ngọt và đồ uống liên quan đến trọng lượng cơ thể và béo phì.

Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, các món chiên rán, thức uống có ga và hướng dẫn con cách kiểm soát hành vi ăn uống. Khuyến khích và cùng con tham gia các hoạt động thể chất để tăng cường tiêu hao năng lượng dư thừa cũng rất cần thiết.

Kim Uyên

 

Ngọc An

Xem thêm: Lễ phát động Cuộc thi Sáng tạo Ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn