Trong bối cảnh xã hội hiện đại, bảo vệ trẻ em (BVTE) trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Để đảm bảo an toàn và hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện, điều kiện tiên quyết là phải có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm trong lĩnh vực này.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ BVTE, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu hụt nhân lực chuyên trách, chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn và nhận thức cộng đồng còn hạn chế.
Thực trạng và khó khăn trong phát triển đội ngũ cán bộ BVTE
Hiện nay, số lượng nhân viên làm việc trong lĩnh vực BVTE tại Việt Nam còn hạn chế. Tại nhiều địa phương, công việc này chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm từ các bộ phận khác, thiếu đội ngũ chuyên biệt với các kỹ năng và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực BVTE.
Sở LĐ-TB&XH Sơn La tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho cán bộ làm công tác BVTE trên địa bàn huyện Mường La và TP Sơn La. Ảnh: Mạnh Hùng
Trước năm 2007, Việt Nam có khoảng 160.000 cộng tác viên BVTE cấp xã dưới sự điều phối của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Tuy nhiên, sau khi cơ quan này giải thể, phần lớn cộng tác viên lĩnh vực này được phân về sở y tế và chi cục dân số địa phương. Đến năm 2009, số lượng nhân lực giảm còn khoảng 7.000 người làm trong lĩnh vực phúc lợi xã hội.
Thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (nay là Cục Trẻ em) thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, thời điểm tháng 6/2013, đội ngũ cộng tác viên làm công tác BVTE trên toàn quốc có khoảng 61.800 người.
Đến tháng 4/2023, cả nước chỉ còn khoảng hơn 11.500 cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, trong đó chưa đến 800 người chuyên trách, chiếm 7%. Số cán bộ còn lại phải làm kiêm nhiệm các công việc khác liên quan đến bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội…
Mặc dù đã có các chương trình đào tạo về BVTE, nhưng nội dung đào tạo tại nhiều nơi còn chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ. Nhiều nhân viên BVTE chỉ được trang bị kiến thức sơ lược, thiếu kỹ năng chuyên môn sâu về tư vấn tâm lý và can thiệp trong các tình huống khẩn cấp.
Điều này khiến việc xử lý các tình huống phức tạp như bạo hành, xâm hại hay các vấn đề về tâm lý của trẻ em trở nên khó khăn.
Một thách thức khác là thiếu hụt nguồn lực tài chính để phát triển đội ngũ BVTE. Ngân sách dành cho công tác BVTE chủ yếu được phân bổ ở các thành phố lớn, còn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có đủ nguồn lực để phát triển đội ngũ chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng BVTE giữa các khu vực, trẻ em ở các địa bàn khó khăn chưa nhận được sự bảo vệ đầy đủ.
Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng cũng là một thách thức trong phát triển đội ngũ làm công tác BVTE. Những người làm công tác BVTE phải đối mặt với áp lực cao nhưng mức lương và các chế độ phúc lợi lại không thực sự đảm bảo. Điều này làm giảm động lực làm việc, đồng thời khó thu hút người trẻ tham gia vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về vai trò của các nhân viên BVTE vẫn chưa cao. Nhiều người coi đây là công việc phụ, không đánh giá đúng mức trách nhiệm của những người làm công tác BVTE. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến động lực làm việc của các nhân viên mà còn làm giảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em.
Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình phối hợp với Tổ chức Trẻ em không hút thuốc lá hướng dẫn cán bộ BVTE triển khai Dự án Phòng, chống đuối nước năm 2024. Ảnh: Quốc Khánh
Những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong việc phát triển đội ngũ BVTE
Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển đội ngũ BVTE các cấp. Những nỗ lực này không chỉ tăng cường số lượng và năng lực của đội ngũ BVTE, mà còn tập trung cải thiện chính sách và nhận thức cộng đồng về công tác này.
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và phát triển mạng lưới BVTE từ cấp huyện đến cấp xã. Các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng công an và cán bộ xã, thôn được huy động phối hợp chặt chẽ với cán bộ BVTE. Mô hình này giúp đảm bảo trẻ em tại các địa phương, đặc biệt là khu vực khó khăn, được giám sát và bảo vệ kịp thời.
Bộ cũng đề xuất và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, tăng cường chế độ phúc lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVTE. Điều này bao gồm việc cải thiện tiền lương, chế độ nghỉ nhằm thu hút và giữ chân nhân lực trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Bộ đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF, UN Women, Plan International, Save the children,… để tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Các khóa học này giúp nâng cao năng lực về tư vấn tâm lý, xử lý tình huống, nhận diện các dấu hiệu bạo lực và xâm hại trẻ em.
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã phát động nhiều chiến dịch truyền thông, sử dụng các phương tiện như truyền hình, báo chí, mạng xã hội và các sự kiện cộng đồng để nâng cao hiểu biết của người dân về BVTE.
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, phát triển Tổng đài quốc gia BVTE 111, hoạt động 24/7. Đây là một kênh quan trọng giúp trẻ em và gia đình có thể nhanh chóng tiếp cận dịch vụ tư vấn và hỗ trợ khi gặp phải các vấn đề như bạo hành, xâm hại.
Tổng đài 111 cũng tiếp nhận các báo cáo và phản hồi từ cộng đồng, giúp Bộ có thể nắm bắt và xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em một cách nhanh chóng.
Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham gia xây dựng và cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến BVTE như Luật Trẻ em, các nghị định và thông tư hướng dẫn BVTE.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các chính sách này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý các vi phạm quyền trẻ em, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên BVTE thực hiện nhiệm vụ.
Những nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ BVTE tại Việt Nam. Tuy nhiên, để công tác BVTE đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn xã hội.
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/nhung-thach-thuc-trong-phat-trien-doi-ngu-bao-ve-tre-em-cac-cap-20241116110708211.htm
___
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.