• 111
  • lang
  • lang

Những "thành tích" của trẻ em trong các kỳ Diễn đàn trẻ em.

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8/2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, đưa quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được trình bày đưa ra ý kiến, nguyện vọng với các cơ quan, tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016, Diễn đàn trẻ em quốc gia được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan đến tổ chức. Đây là nơi trẻ em được cung cấp thông tin, được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình, để các cơ quan, tổ chức lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng trẻ em.

Sáu diễn đàn với nhiều vấn đề được thảo luận

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, 6 kỳ Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức rất thành công.

Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội năm 2009, với sự tham gia của 126 trẻ em đến từ 21 tỉnh, thành phố với Chủ đề: “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em”, Diễn đàn đã tạo cơ hội để trẻ em cả nước tham gia ý kiến, nêu kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 và chuẩn bị xây dựng Chương trình có tính chiến lược này cho 10 năm tiếp theo.

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 2 năm 2011 được tổ chức với chủ đề Trẻ em với môi trường an toàn & thân thiện” với sự tham gia của 188 trẻ em tiêu biểu được lựa chọn từ 31 tỉnh, thành phố đã về tham dự Diễn đàn. Thông điệp của trẻ em tham gia Diễn đàn đề cập tới 11 vấn đề liên quan đến việc xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em.

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 3 năm 2013 được tổ chức với chủ đề: “Trẻ em tham gia sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” với sự tham gia của 171 trẻ em được lựa chọn từ hơn 2.000 trẻ em tại 35 tỉnh, thành phố đã tổ chức Diễn đàn trẻ em. Tại Diễn đàn trẻ em đã thảo luận các nội dung liên quan đến Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và khuyến nghị những nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong Luật này và trong các luật có liên quan.

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 4 năm 2015 được tổ chức với chủ đề: ‘‘Lắng nghe trẻ em nói’’ với sự tham gia của 192 trẻ em đến từ 30 tỉnh, thành phố. Ý kiến, khuyến nghị của trẻ em đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng nội dung về quyền tham gia của trẻ em trong Luật trẻ em năm 2016.

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 5 năm 2017, có chủ đề: “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” với sự tham gia của 200 trẻ em từ 48 tỉnh, thành phố. Thông điệp của Diễn đàn tập trung  vào 04 vấn đề được trẻ em và xã hội quan tâm:

- Phòng, chống bạo lực trẻ em;

- Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn;

- Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em;

- Phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 năm 2019 được được tổ chức với chủ đề: “Trẻ em với các vấn đề trẻ em” với sự tham gia của 169 trẻ em đại diện cho trẻ em của 42 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và Hội đồng trẻ em của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định tham dự. Diễn đàn trẻ em đã đưa ra các thông điệp, kiến nghị về các nội dung:

- Phòng, chống xâm hại trẻ em;

- Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em;

- An toàn trên môi trường mạng.

Tại Diễn đàn, các em đã được gặp gỡ, đối thoại và trao các thông điệp, kiến nghị của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 đến lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức. 

12 năm với 6 kỳ Diễn đàn trẻ em Quốc gia cho thấy tiến trình phát triển quyền tham gia của trẻ em ở Việt Nam. Tiếng nói của trẻ em được tôn trọng, được lắng nghe, được phản hồi và có vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo, thực thi các quyết định, qui định của luật pháp, chính sách về trẻ em. Đây là cơ sở để trẻ em tự tin phát huy Quyền tham gia của mình. 

Sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID19, năm 2023 này trẻ em cả nước lại có dịp hội tụ tại Thủ đô Hà Nội tham dự Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 7. Diễn đàn trẻ em năm 2023 được tổ chức với chủ đề: “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” với sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố vô cùng xúc động và tự hào thay mặt hơn 25 triệu trẻ em trên cả nước.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Diễn đàn trẻ em quốc gia) chia sẻ, sau Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6, các bộ, ngành đều có ý kiến phản hồi về các khuyến nghị, nội dung mà trẻ em nêu ra tại diễn đàn. Ban Tổ chức nhận được những ý kiến rất cụ thể từ quá trình xây dựng văn bản đến việc triển khai các công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho lực lượng của ngành; phát triển các dịch vụ để có thể cung cấp, hỗ trợ cho trẻ em ở các địa phương ngày càng tốt hơn…

Qua 6 lần tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia, có thể nói rằng, quyền tham gia của trẻ em đang ngày càng được thúc đẩy. Tiếng nói của trẻ em được tôn trọng, được lắng nghe, được phản hồi và có vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo, thực thi các quyết định, quy định của luật pháp, chính sách về trẻ em. Đây là cơ sở để trẻ em tự tin phát huy quyền tham gia của mình. 

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, từ sự lan tỏa của diễn đàn, đến nay rất nhiều địa phương, ngoài tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí, nhân lực triển khai Diễn đàn trẻ em cấp huyện, xã. HĐND của một số tỉnh, thành phố đã trực tiếp gặp mặt trẻ em để có thể lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của các em. Điều đó cho thấy, từ quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016 và qua các Diễn đàn trẻ em thì đến nay quyền tham gia của trẻ em luôn nhận được sự đồng hành không chỉ của riêng các bộ ngành mà ngay cả các tổ chức, địa phương.

Năm 2023, Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Diễn đàn có sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trên cả nước. Các em sẽ chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, đóng góp các giải pháp, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em với tinh thần trẻ em cùng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc trẻ em được tham gia vào quá trình xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có ý nghĩa rất to lớn. Đó là một trong những “đỉnh cao” của quyền tham gia của trẻ em. Ngoài việc trẻ em được tiếp nhận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng thì bây giờ trước các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật; trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, những vấn đề từ thực tiễn của địa phương…, các em có thể chủ động đề xuất với các bộ, ngành, tổ chức theo các góc nhìn của mình ở từng vấn đề, góc độ phù hợp với sự trưởng thành của các em.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, trẻ em tham gia diễn đàn năm nay được trẻ em bình chọn từ diễn đàn trẻ em địa phương. Đặc biệt, Diễn đàn lần thứ 7 có sự tham gia của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ một số đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật hay trẻ em khiếm thị được bình chọn thông qua Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam. Nét đổi mới của diễn đàn này so với các diễn đàn trẻ em quốc gia trước là trẻ em được lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn trực tiếp gặp gỡ tại cơ quan, đơn vị mình để các em chủ động đóng góp những vấn đề theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nói trên từ góc độ của các em. Ban Tổ chức hy vọng những ý kiến, giải pháp, nguyện vọng của các em sẽ được các cơ quan, tổ chức thực sự nghiên cứu, tiếp thu và cụ thể hóa thành các kế hoạch trong thời gian tới.

Nguồn tham khảo:

https://baotintuc.vn/xa-hoi/dien-dan-tre-em-quoc-gia-lan-toa-tieng-noi-cua-tre-em-20230806162147538.htm

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:      https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111      https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:    Tongdai111.vn