Năm 2020 Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 687.750 cuộc gọi, tăng 180.793 cuộc so với năm 2019. Nội dung, vấn đề nổi bật trong năm được ghi nhận như sau:
Bức xúc của người dân ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội trước tình trạng trẻ em ăn xin không giải quyết được dứt điểm. Việc trẻ em bị sử dụng vào mục đích ăn xin cũng được người dân quan tâm từ năm 2019.
Cuộc gọi của phụ huynh và trẻ em liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tăng lên so với cùng kỳ các năm trước. Phụ huynh và trẻ em mong muốn được Tổng đài hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng và cách giải quyết khi trẻ em bị XHTD, bắt nạt, nói xấu, xúc phạm trên mạng. Tỉ lệ trẻ em phát sinh các mối quan hệ tình cảm và bị XHTD với bạn quen qua mạng tăng lên. Gia tăng các vụ việc giao cấu và trẻ em bị XHTD bởi bạn bè/ người yêu, đặc biệt trong số đó thủ phạm là những người bạn quen qua mạng xã hội. Bé gái 12 tuổi ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã bị thanh niên 18 tuổi quen qua mạng dụ dỗ và đưa về nhà XHTD là ví dụ điển hình.
Phát sinh các vấn đề do ảnh hưởng từ dịch Covid-19: Trẻ em không phải đi học, không được giao lưu với bạn bè, ít vận động, vui chơi ngoài trời khiến các em nhàm chán và có những dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính bảng, laptop, điện thoại để giải trí và không hoàn thành công việc được giao. Bố mẹ lúng túng trong việc lên thời gian biểu cho con, thiếu kỹ năng tương tác với trẻ em lớn và kỹ năng chơi với trẻ em nhỏ, từ đó mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái tăng lên.
Cán bộ địa phương lúng túng trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong xử lý các vụ việc về tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và vi phạm quyền trẻ em. Nhiều trường hợp người giám hộ trẻ em vi phạm quyền trẻ em hoặc không thực hiện đúng quyết định của Tòa án nhưng không được giải quyết.
Trong năm 2020 số lượng các ca can thiệp về trẻ em bị bạo lực cao nhất trong các năm qua, có 623 ca bạo lực trẻ em, chiếm 48,11% tổng số ca can thiệp (cao hơn năm 2019 là 217 ca). Trong đó trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất. Vụ việc bé gái sinh năm 2004 ở thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị bố đẻ bạo lực dẫn đến phải đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh là một ví dụ. Bên cạnh đó các vụ việc liên quan đến trẻ em bị đánh hội đồng cũng được nhiều người dân quan tâm.
Ca hỗ trợ, can thiệp (1.295 ca)
Năm 2020, Tổng đài 111 kết nối, can thiệp 1.295 ca (tăng 311 ca, tăng 31,61% so với năm 2019). Trong đó có 623 ca bạo lực trẻ em, chiếm 48,11% tổng số ca can thiệp (cao hơn năm 2019 là 217 ca); 307 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 23,71% (giảm hơn năm trước là 15 ca); 122 ca về trẻ em bị bóc lột, chiếm 9,42% (cao hơn năm trước là 42 ca); 55 ca trẻ em bị bỏ rơi, tăng 27 ca so với 2019; 30 ca trẻ em bị mua bán, tăng 22 ca so với 2019; những ca hỗ trợ chính sách và liên quan đến pháp luật và vấn đề khó khăn ở trường học giảm so với năm 2019.
Đối tượng trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp
Trong số 623 ca bạo lực trẻ em thì số ca trẻ em bị bạo lực về thể chất là nhiều nhất, chiếm 89,73%; tiếp đó là bạo lực tinh thần chiếm 9,31%, chứng kiến bạo lực có 06 ca chiếm 0,96%. Tỉ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất, chiếm 67,58% (trong đó người bố là thủ phạm gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 33,87%; tiếp đó là mẹ, chiếm 23,27%; các đối tượng còn lại là ông bà, bố/mẹ kế, anh chị em, họ hàng chiếm 10,43%). Thứ hai là trẻ bị bạo lực từ trường học với 12,04% (cao nhất là từ chính giáo viên, cán bộ nhà trường chiếm 6,58%, tiếp đến là bạn bè/người yêu của trẻ chiếm 5,46%,). Trẻ em bị bạo lực từ môi trường cộng đồng như hàng xóm, người qua đường… chiếm 20,39%. Nhóm trẻ em có độ tuổi từ 0-6 tuổi bị bạo lực nhiều nhất, chiếm 32,71%; tiếp đó đến nhóm trẻ em từ 11-14 tuổi, chiếm 29,21%; trẻ em từ 7 đến 10 tuổi, chiếm 27.77%; trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi, chiếm 6,90%; trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 3,37%. Trẻ em nam bị bạo lực cao hơn trẻ em nữ (51,04% so với 47,92%); có 0,96% không xác định được giới tính của trẻ.
Trong 307 ca can thiệp trẻ em bị XHTD có 171 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 55,70% tổng số ca trẻ em bị XHTD được Tổng đài kết nối, can thiệp, thấp hơn năm trước 04 ca (tương ứng giảm 2,29%); 81 ca dâm ô trẻ em, chiếm 26,38%, giảm 17 ca so với năm 2019 (tương ứng 17,35%); 52 ca giao cấu với trẻ em chiếm 16,94%, tăng 04 ca so với năm 2019 (tương ứng 8,33%) và 03 ca cưỡng dâm trẻ em chiếm 0,98%, tăng 02 ca so với năm 2019. Tỉ lệ trẻ em bị XHTD ngoài cộng đồng là cao nhất, chiếm 65,80%; trẻ em bị XHTD trong gia đình chiếm 28,01% và trẻ em bị XHTD trong nhà trường chiếm 6,19%. Bạn bè/người yêu chính là thủ phạm XHTD trẻ em nhiều nhất, chiếm 30,29%; tiếp đến là hàng xóm, chiếm 23,13%; người lạ 17,92%; người thân/họ hàng của trẻ 12,70%; bố dượng 7,49%; bố đẻ chiếm đến 4,23% (13 trường hợp); giáo viên/người trong nhà trường 2,61%; 01 trường hợp mẹ đẻ có hành vi XHTD trẻ em (chiếm 0,33%). 99,67% thủ phạm XHTD trẻ em là nam giới; 0,33% thủ phạm XHTD là nữ giới. 6,19% thủ phạm XHTD trẻ em chính là trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 2,69% so với năm 2019); 6,51% thủ phạm XHTD trẻ em là người từ 16-18 tuổi (tăng 3,51% so với năm 2019) và 87,29% là người trên 18 tuổi. Năm 2020 số trẻ em trai bị XHTD tăng so với các năm trước, có 09 trường hợp trẻ trai bị XHTD, chiếm 2,93% (năm 2015 và 2018 đều có 02 trường hợp; năm 2016 và 2017 không có trường hợp nào, năm 2019 có 06 trường hợp). Trẻ em ở độ tuổi 11-14 tuổi bị XHTD nhiều nhất, chiếm 50,16%; trẻ em từ 7-10 tuổi chiếm 23,71%; trẻ em từ 0-6 tuổi chiếm 9,91%; trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi chiếm 9,45% và người từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 6,84%.
Các vụ việc xảy ra ở các tỉnh/thành phố:
Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thành phố có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất toàn quốc; Tp.HCM 199 ca, chiếm 15,37% tổng số ca can thiệp của Tổng đài, Hà Nội 188 ca, chiếm 14,52 %. Tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đều xảy ra các vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp.
Tình trạng hỗ trợ, can thiệp
Ca đã chuyển hồ sơ cho địa phương: 1.295 ca:
Số ca đã giải quyết: 1.267 ca chiếm 97,8%
Số ca đang trong quá trình giải quyết: 28 ca chiếm 2,2%
Các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em:
Trợ giúp tâm lý: 525 ca (40,5%)
Trợ giúp xã hội: 174 ca (13,4%)
Trợ giúp pháp lý: 491 ca (37,9%)
Trợ giúp y tế: 70 ca (5,4%)
Trợ giúp giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: 22 ca (1,7%)
Trong số 623 ca bạo lực trẻ em, có 562 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 51 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 246/307 ca can thiệp trẻ em bị XHTD được nhận dịch vụ hỗ trợ, 53 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Lý do trẻ không được nhận hỗ trợ là: gia đình từ chối nhận hỗ trợ, gia đình không hợp tác, trẻ chuyển đi nơi khác, địa phương đợi kết quả điều tra từ công an hoặc xác minh không có vụ việc.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061