• 111
  • lang
  • lang

Nội dung cuộc gọi năm 2020 của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111.

Trong năm 2020, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111 tiếp nhận 2.388 cuộc gọi cung cấp thông tin chiếm 84,5% trong tổng cuộc gọi đến. Trong đó 94,3% là cuộc gọi cung cấp thông tin về chức năng hoạt động, các dịch vụ cuả Đường dây nóng. Còn lại là các cuộc gọi cung cấp thông tin về tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm. 

Trong năm 2020, Đường dây nóng tiếp nhận 379 cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người chiếm 13,4% trong tổng cuộc gọi đến. Trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu là: tư vấn về phòng chống mua bán người, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ tài chính, y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…

Cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến

Số lượng cuộc gọi chuyển tuyến của năm 2020 là 59 trường hợp với 85 nạn nhân trong đó có 14 nạn nhân là nam (chiếm 16,5%), 71 nạn nhân là nữ (chiếm 83,5%); 14 nạn nhân là người dân tộc thiểu số (chiếm 16,5%) và 71 nạn nhân là người dân tộc Kinh (chiếm 83,5%).

Có 31 trường hợp bị mua bán ở trong nước (chiếm 52,5%), 28 trường hợp bị mua bán ra nước ngoài, chiếm 47,5% (trong đó có 24 trường hợp bị mua bán sang Trung Quốc, 02 trường hợp sang Myanmar, 01 trường hợp sang Colombia và 01 trường hợp sang Malaysia). Mua bán người trong nước năm nay chiếm tỉ lệ cao hơn năm những năm trước đây (2019 có 11/35 ca chiếm 31,4%; 2018 có 09/30 ca chiếm 30%)

Có 27 trường hợp chuyển tuyến sang các tổ chức Phi Chính phủ, 20 trường hợp chuyển tuyến sang Công an; 27 trường hợp chuyển tuyến đến ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; 03 trường hợp chuyển tuyến đến Bộ đội biên phòng.

Nội dung các ca chuyển tuyến: có 38 ca có nội dung liên quan đến giải cứu nạn nhân; 12 ca liên quan đến thông báo và tìm kiếm người bị bắt cóc và mất tích; 09 ca can thiệp liên quan đến hỗ trợ nạn nhân trở về.

Loại hình mua bán người: có 18 ca về kết hôn bất hợp pháp; 13 ca nhằm khai thác tình dục; 07 ca về bóc lột sức lao động; 08 ca bị mất tích; 04 ca bị bắt cóc; 02 ca liên quan đến cho nhận con nuôi và 07 ca về các mục đích khác.

Kết quả hỗ trợ: Có 06 trường hợp nạn nhân được giải cứu an toàn, 01 trường hợp nạn nhân được hỗ trợ về y tế, 14 trường hợp hỗ trợ về tâm lý, 03 trường hợp được hỗ trợ về tài chính, 05 trường hợp được hỗ trợ về pháp lý.

Khó khăn trong quá trình hỗ trợ nạn nhân

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến quá trình giải cứu nạn nhân gặp khó khăn và kéo dài, đặc biệt các ca bị mua bán ở ngoài nước.

Một số trường hợp nạn nhân cũng như gia đình, người thân của nạn nhân không xác định được vị trí chính xác của nạn nhân dẫn đến các cơ quan chức năng không thể tiến hành giải cứu và hỗ trợ cho nạn nhân được.

Vẫn còn tình trạng cán bộ địa phương không hợp tác với Tổng đài trong việc xác minh thông tin và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Cụ thể, cán bộ trẻ em xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghê An không cung cấp thông tin của trẻ em bị mua bán với lí do không biết Tổng đài 111, trưởng công an xã Châu Cường cho biết cần xin ý kiến chỉ đạo mới cung cấp thông tin về nạn nhân.

Ca điển hình

Người dân thông báo 02 em trai tên là Y. và N. (dân tộc Ê - Đê), đều 15 tuổi bị buộc phải đánh bắt cá ở trên tàu có kí hiệu KG941 và không được vào đất liền, trong quá trình ở tàu thì các em bị đánh, chửi. Người dân chỉ biết tàu đánh bắt cá ở vùng biển gần với Malaysia và không biết chủ tàu là ai. Điểm xuất phát của tàu ở Tắc Cậu, Kiên Giang và hiện tại tàu đang ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Sau khi tiếp nhận thông tin Tổng đài đã kết nối với phòng Phòng, chống mua bán người thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân; kết nối với cán bộ trẻ em địa phương để xác minh tình trạng của trẻ. Kết quả 02 em đã được đưa về địa phương an toàn và sống cùng với gia đình.

Hoạt động khác:

Trong năm 2020, Cục Trẻ em tiếp tục phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với các hoạt động chính sau:

1. Tổ chức họp Nhóm công tác liên ngành Đường dây nóng vào ngày 20 tháng 01 năm 2020 tại Hà Nội để thông qua Kế hoạch dự án năm 2020.

2. Hỗ trợ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 09/2013/NĐ-CP và thuê chuyên gia xây dựng Nghị định mới sửa đổi/thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP

3. Hỗ trợ Khảo sát công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, mua bán trở về do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện và xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển tuyến về mua bán người do Cục Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng thực hiện

4. Hoàn thành lắp đặt trang thiết bị cho Đường dây nóng tại An Giang, Đà Nẵng và nâng cấp hệ thống, đào tạo sử dụng phần mềm mới của Đường dây nóng cho các nhân viên tư vấn.

5. Xây dựng và phân phối các sản phẩm truyền thông về Đường dây nóng phòng chống mua bán người gồm: Lịch Tết, banner, quạt cầm tay phân phối tới các địa bàn trọng điểm về mua bán người trên cả nước; Biển truyền thông phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (230 biển đặt tại các cửa khẩu tại 19 tỉnh).

6. Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các nhân viên tư vấn của các Tổng đài và đại diện các trung tâm công tác xã hội trên toàn quốc.

-----------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616