• 111
  • lang
  • lang

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con

Cảm xúc tích cực là những trạng thái tâm trạng mang tính tích cực, giúp tăng cường sự hạnh phúc, sự hài lòng và sự thăng hoa trong cuộc sống.

 Suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu để phát triển khả năng thích ứng, giúp trẻ tránh bị trầm cảm khi trưởng thành. Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ là một nghệ thuật, rất cần sự sáng tạo linh hoạt từ phía cha mẹ.

Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn rằng, trẻ con giờ hay suy nghĩ tiêu cực. Hơi tí là thất vọng, bất mãn, bi quan, chán đời… Trong khi đó, cha mẹ nào cũng mong con luôn suy nghĩ tích cực bởi thái độ tích cực có thể giúp trẻ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Tương tác với thiên nhiên giúp trẻ hoàn thiện sức khỏe, kĩ năng sống.

Một đứa trẻ suy nghĩ tích cực, vấn đề con gặp phải sẽ nhanh chóng được giải quyết theo chiều hướng tốt hơn. Tư duy và lối sống tích cực được hình thành trong suốt quá trình trẻ trưởng thành.

Vì thế, trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ hãy cùng con rèn luyện thái độ sống tích cực mỗi ngày. Dưới đây là một số bí kíp khơi dậy cảm xúc tích cực trong trẻ.

Dạy trẻ về những giá trị đạo đức: Cha mẹ nên dạy trẻ về những giá trị đạo đức ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bởi hiểu rõ về những điều đúng - sai, trẻ sẽ hình thành tư duy tích cực. Khi con biết được những điều gì là đúng đắn, nên làm, những ai cần được tôn trọng, ưu tiên thì sẽ hướng đến những điều đúng đắn và tuân thủ đạo đức.

Điều này sẽ khiến con luôn vui vẻ, hạn chế cảm giác tội lỗi, nghi ngờ hay hối tiếc vì đã làm điều gì sai trái. Từ đó, trẻ sẽ dễ dàng phát triển thái độ tích cực hơn.

Khuyến khích và động viên con: Nếu trẻ cảm thấy chán nản hoặc mất tinh thần, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ nhìn vào những điều tích cực trong cuộc sống. Cha mẹ đừng quên đánh giá cao khi trẻ thành công một việc gì đó. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ không nên quát mắng, xúc phạm con.

Thay vào đó, nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu rằng, hành vi này là không thể chấp nhận. Sau đó, dạy con cách sửa chữa lỗi lầm, khuyến khích con tìm giải pháp thay vì lo lắng. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu mọi vấn đề đều có cách giải quyết và như vậy sẽ sớm học cách nhìn mọi thứ tích cực.

Luôn lắng nghe trẻ: Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ đều cần quan tâm, chia sẻ, học hỏi và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Hãy lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trong cuộc sống.

Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về quan điểm hay vấn đề của con, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị.

Cho trẻ được tự do trong suy nghĩ và cuộc sống: Thay vì lo sợ con chịu tổn thương hoặc con gặp nguy hiểm, cha mẹ có thể để trẻ được tự do trải nghiệm mọi thứ. Sau mỗi tình huống, cha mẹ có thể giúp con rút ra những bài học cho bản thân.

Cha mẹ hãy cho trẻ được lựa chọn và làm mọi thứ theo cách mà trẻ muốn. Hãy để trẻ được nói ra, được ước mơ, theo đuổi những gì mà con thích. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ cần được tự do trải nghiệm để lớn lên trong môi trường có tính kỷ luật.

Làm gương cho con: Sự lạc quan của cha mẹ sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về nguyên tắc suy nghĩ tích cực. Hãy đánh giá mọi việc một cách lạc quan, cởi mở trò chuyện và chia sẻ với con. Ví dụ trước ngày đầu con đi học, hãy hỏi: “Mai là ngày đầu con lên lớp, chắc sẽ có nhiều chuyện thú vị lắm nhỉ?”.

Nếu trẻ tỏ ra lo lắng, hãy giúp con điều chỉnh suy nghĩ: “Nếu con lo lắng, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sao con không nghĩ tới những chuyện vui có thể xảy ra ở trường nhỉ?”. Trẻ học cách suy nghĩ tích cực càng sớm sẽ sử dụng chúng càng hiệu quả.

Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng trẻ thảo luận một số vấn đề trẻ quan tâm, giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống.

Cho con tiếp xúc với những điều tích cực: Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ. Vì thế để hình thành thái độ sống lạc quan ở trẻ, cha mẹ nên để trẻ tiếp xúc với những điều tích cực. Mỗi ngày được tiếp xúc với những năng lượng tích cực và lạc quan, sống trong môi trường hạnh phúc, trẻ sẽ hình thành lối suy nghĩ linh hoạt trong mọi tình huống.

Việc khuyến khích trẻ nhìn nhận vào những điều tích cực sẽ giúp trẻ không còn căng thẳng trong mọi tình huống. Thường xuyên rèn luyện điều này sẽ giúp trẻ hình thành được thói quen sống tích cực hơn.

 Điều chỉnh cảm xúc tốt có thể giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn

Kết nối với thiên nhiên và vận động ngoài trời: Điều này mang lại nhiều lợi ích vượt trội về sức khỏe thể chất, phát triển tư duy và nhất là hoàn thiện cảm xúc cũng như chiều sâu tâm hồn trẻ. Theo các chuyên gia y tế, về mặt thể chất, sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ cung cấp vitaminD cho sự phát triển của xương và hệ miễn dịch ở trẻ.

Vui chơi ngoài trời cũng cho trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn chơi trong nhà, có khả năng đốt cháy nhiều calo hơn và đóng góp tích cực vào thể chất tổng thể của trẻ.

Việc trẻ em tìm hiểu về cây cỏ, loài động vật và quan sát các hiện tượng tự nhiên giúp phát triển khả năng quan sát, tư duy logic và tăng cường trí tuệ tự nhiên của trẻ.

Hoạt động ngoài trời cũng cung cấp cho trẻ cơ hội sáng tạo và khám phá. Về mặt cảm xúc, môi trường thiên nhiên yên tĩnh và trong lành giúp trẻ thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng. 

Hoạt động ngoài trời như đi dạo trong công viên, ngắm cảnh hoặc thả mình giữa thiên nhiên giúp tinh thần của trẻ được làm mới, nâng cao tinh thần lạc quan và tạo cảm giác hạnh phúc.

Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra, việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng tăng động giảm chú ý, trầm cảm và rối loạn lo âu ở trẻ.

Các chuyên gia đã làm những thử nghiệm như cho trẻ có vấn đề về tâm lý thử một số hoạt động đơn giản như xem rùa bò trên mặt đất, ngắm ốc sên ăn lá cây hay đếm hạt mưa rơi... cũng giúp trẻ này lắng lại, giảm bớt một số xung động tiêu cực của não bộ.

Trẻ biết sống chung hòa thuận với tự nhiên, yêu thiên nhiên chắc chắn sẽ là đứa trẻ khỏe mạnh, hiểu biết, nhân hậu, có tâm hồn, có nhiều chất liệu để sống hạnh phúc, bình yên hơn.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/nuoi-duong-cam-xuc-tich-cuc-cho-con-20240412154343204.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.