Với các thông tin, câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, cách tiếp cận đa dạng, phù hợp, phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi sẽ thực sự là người bạn của trẻ em và người dưới 18 tuổi.
Phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi (Ảnh chụp màn hình).
Phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tình hình tội phạm liên quan tới người dưới 18 tuổi trong những năm qua mặc dù được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Trước thực trạng trên Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã phối hợp cùng các đơn vị tham gia xây dựng phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi được cài trên app điện thoại.
Ứng dụng “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi được thiết kế các bộ câu hỏi liên quan đến lĩnh vực: Xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng, chống ma túy, Căn cước công dân, an toàn giao thông…
Các thông tin ngắn gọn, cụ thể và cách tiếp cận đa dạng, phù hợp với đối tượng phục vụ là người dưới 18 tuổi.
Các câu hỏi đa dạng, phù hợp với đối tượng phục vụ là người dưới 18 tuổi (Ảnh chụp màn hình).
Theo Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng Phòng phòng ngừa điều tra tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Việt Nam là một trong số những quốc gia người dưới 18 tuổi có tốc độ sử dụng Internet nhanh nhất.
Từ thực tiễn này, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho Bộ Công an một giải pháp đưa công tác tuyên truyền từ trực quan tại cộng đồng nâng lên thành phần mềm “Người trợ lý ảo” hay “Người bạn pháp luật của trẻ em và người dưới 18 tuổi”.
Theo Thiếu tá Lại Trung Đông, cán bộ Phòng Phòng ngừa điều tra tội phạm mua bán người, việc cài đặt rất đơn giản vì nó được xây dựng theo hướng thân thiện với mọi người nhất là người dưới 18 tuổi.
Đặc biệt ứng dụng phần mềm được cài đặt chức năng tổng đài khẩn cấp, đường dây nóng của các đơn vị.
Ví dụ: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Cảnh sát 113; phòng cháy 114; Y tế 115 và những câu chuyện liên quan đến tình huống xâm hại trẻ em, nhằm trực quan hóa các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trước các loại tội phạm.
Thiếu tá Lại Trung Đông cho rằng, ứng dụng này tạo sự liên kết phối hợp giữa các đơn vị chức năng tốt hơn.
Ví dụ khi có thông tin tố giác xâm hại trẻ em qua tổng đài 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em), đơn vị này sẽ lập tức chuyển thông tin tới cơ quan Công an gần nhất nơi sự việc xảy ra, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ trẻ em, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ việc…
Hiện Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng với công an các đơn vị địa phương, các ban, bộ, ngành để hướng dẫn, tuyên truyền người dân, đặc biệt là các em học sinh cách cài đặt, sử dụng phần mềm.
Hướng dẫn cài đặt phần mềm trên điện thoại
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng CH Play trên máy sử dụng hệ điều hành Android
Bước 2: Truy cập vào “tìm kiếm ứng dụng” và gõ chữ “Phòng chống xâm hại trẻ em”
Bước 3: Tiến hành cài đặt. Trường hợp không hiện lên ứng dụng thì bấm vào chữ mới ứng dụng sẽ hiện lên sau đó bấm vào ứng dụng và cài đặt và sử dụng.
Nguồn tham khảo:
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-se-co-nguoi-tro-ly-ao-de-phong-chong-bao-ve-xam-hai-20240708091634222.htm
______
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.